Yên tâm “sống chung với lũ”
Là hộ nghèo, neo người lại sống ở vùng thấp trũng nên hàng năm cứ đến mùa mưa lũ, mẹ con bà Đặng Thị Lài (xóm An Thịnh, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn) lại phải lo dắt gia súc chạy lũ đến hụt hơi. “Trận lũ lịch sử 2010, nước dâng lên quá nhanh nên mẹ con tôi chỉ kịp dắt con bò theo, còn lại gần 100 con gà và 1 con lợn đã bị lũ cuốn trôi. Tuy nhiên, những khó khăn, vất vả đó từ nay sẽ được hóa giải. Nhờ có vốn hỗ trợ và sự giúp đỡ của mọi người mà những hộ nghèo như chúng tôi đã làm được nhà tránh lũ. Bây giờ tôi đã có thể yên tâm lo cho cuộc sống hàng ngày, đặc biệt khi mùa lũ đến” - bà Lài tâm sự
Nhà chòi tránh lũ của gia đình bà Đặng Thị Lài (xã Sơn Thịnh, Hương Sơn). |
Ngày khánh thành “nhà chòi”, bà Lài không quên làm mâm cơm đạm bạc để cảm ơn bà con làng xóm và chính quyền địa phương đã góp công, góp sức giúp bà hoàn thành ngôi nhà trong mơ này.
Bà Lài là một trong số 100 hộ nghèo của 3 xã: Sơn Thịnh (Hương Sơn) và Phương Mỹ, Hòa Hải (Hương Khê) được hỗ trợ từ chương trình thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt theo Quyết định 716/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình thực hiện với nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” để xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6m, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2.
Các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố. Giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/chòi; trong đó Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách 10 triệu đồng với lãi suất 3%/năm trong thời gian 10 năm, số còn lại do người dân tự đóng góp và huy động từ cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cùng đoàn công tác liên ngành kiểm tra các công trình chòi tránh lũ ở Hà Tĩnh |
Qua thực tế triển khai, ngoài vốn được hỗ trợ, nhiều hộ đã vay mượn thêm để xây được nhà chòi to đẹp hơn với mức bình quân 45 triệu đồng/nhà chòi, điển hình có nhà trị giá hơn 100 triệu đồng. Ông Lê Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh cho biết, chính quyền xã đứng ra bảo lãnh để các hộ dân ký nợ tại các điểm bán xi măng, thép, tấm lợp; đồng thời giao đoàn thanh niên lựa chọn một số hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ ngày công thực hiện công trình. Ngoài ra, con cháu ở xa, bà làng xóm cũng góp thêm công, thêm của để các hộ nghèo có điều kiện xây dựng được căn nhà có diện tích lớn hơn quy định.
Cần nhân rộng mô hình
Hà Tĩnh là một trong 7 tỉnh được Bộ Xây dựng đánh giá triển khai thực hiện chương trình xây nhà chòi tránh lũ nhanh nhất, bài bản nhất, huy động được tới hơn 60% nguồn lực từ dân với những mô hình và cách làm hay. Và thực tế, việc huy động được sức dân, sự giúp đỡ từ cộng đồng cũng như sự chỉ đạo linh hoạt, đúng lúc của các cấp chính quyền là những bài học kinh nghiệm quý tạo nên thành công cho chương trình thí điểm tại Hà Tĩnh.
Những "nhà chòi" tránh lũ như thế này này là điều kiện để người dân có thể yên tâm sống chung với lũ. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho biết, sau khi có quyết định của Chính phủ, tỉnh đã quyết tâm chỉ đạo thực hiện ngay trong mùa lũ năm 2012 và được người dân cũng như chính quyền địa phương đồng lòng ủng hộ.
“Chính quyền xác định rõ đây là nhà ở của người dân chứ không phải chỉ là chòi. Địa phương đã phát huy sự sáng tạo của mỗi hộ gia đình thay vì cứng nhắc theo mẫu thiết kế đưa ra. Một số hộ đã cải tiến từ nhà cũ để tận dụng được hết không gian, diện tích phù hợp với điều kiện sinh hoạt thường ngày” - ông Sơn chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, cái được lớn nhất từ chương trình thí điểm này là việc các hộ nghèo trong vùng ngập lũ có thể yên tâm sinh sống, không phải sơ tán mỗi khi lũ về. Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu, người dân đã tham gia tích cực, chủ động vào tất cả các công đoạn thay vì trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Đây là mô hình có thể làm mẫu cho việc XĐGN nói chung.
Số vốn đầu tư không lớn nhưng hiệu quả từ chương trình thí điểm mang lại là rất thiết thực, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân nghèo sống trong vùng ngập lũ. Vì vậy, mô hình này cần được Chính phủ, các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để sớm triển khai đại trà.
Thanh Hoài
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;