Bà Trần Thị Hà - Giám đốc HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Trung Khang (xã Kỳ Khang - huyện Kỳ Anh) nhớ lại: “Khi mới bắt tay vào lĩnh vực thủy hải sản, HTX gặp không ít khó khăn. Nguồn vốn có hạn nên hàng hóa thu mua không được dồi dào, thị trường tiêu thụ cũng thiếu ổn định. Qua giao lưu, sinh hoạt, dần dần các HTX thu mua, chế biến thủy hải sản trên địa bàn Kỳ Anh đã liên kết với nhau và HTX của tôi đã được hỗ trợ khá nhiều. Có thời điểm, đối tác cần mua lượng hàng lớn song HTX không đáp ứng đủ. Lúc đó, may mắn có các HTX "cứu trợ" nên chúng tôi đã không để lỡ mất bạn hàng tiềm năng”.
Nhờ sự liên kết của các HTX thu mua, chế biến thủy hải sản, đến nay, sản phẩm nước mắm Kỳ Anh đã vươn xa hơn trên thị trường.
“Riêng ở xã Kỳ Khang đã có 3 HTX thu mua, chế biến thủy hải sản "bắt tay" với nhau. Ngoài ra, còn có các HTX ở xã Kỳ Phú, Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh)… cùng tham gia sản xuất. Các HTX không chỉ hỗ trợ nhau về hàng hóa mà còn nhượng lại hạ tầng, thiết bị khi có nhu cầu. Hiện tại, đất đai mà HTX của tôi thuê vị trí chưa phù hợp, mùa mưa bão không thể sản xuất; trong khi đất đai của các thành viên hạn hẹp. Để tránh lãng phí hạ tầng, tôi đã nhượng lại chum, vại và các thiết bị khác cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất” – bà Hà cho biết thêm.
Các HTX thu mua, chế biến thủy hải sản trên địa bàn Kỳ Anh chia sẻ với nhau vê kỹ thuật muối nước mắm bằng năng lượng mặt trời.
Đến thời điểm này, thương hiệu nước mắm Phú Khương của HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân - huyện Kỳ Anh) đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Thành công của HTX có sự chung sức của các HTX trong khối thu mua, chế biến thủy hải sản trên địa bàn.
Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương, chia sẻ: “Liên kết với nhau, chúng tôi có thể hỗ trợ kinh nghiệm chế biến thủy hải sản. Ngoài phương pháp truyền thống, HTX của tôi còn bổ trợ cho các HTX khác muối nước mắm bằng năng lượng mặt trời. Kỹ thuật mới này vừa cho sản phẩm thơm ngon, vừa tiết kiệm thời gian, nhân công, lại thân thiện với môi trường”.
"Trước đây, các HTX thủy hải sản của Hà Tĩnh chưa chú trọng quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, khi liên kết với nhau, chúng tôi đã động viên nhau tích cực tham gia các hội chợ thương mại để có thêm nhiều bạn hàng. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng và quy mô sản xuất cũng lớn mạnh qua từng năm. Theo đó, năm 2018, HTX chúng tôi thu mua trên 400 tấn cá các loại, sản xuất trên 20.000 lít nước mắm và lượng lớn ruốc, đồ khô, doanh thu ước đạt 12 tỷ đồng” - bà Khương phấn khởi.
Thương hiệu nước mắm Phú Khương (HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương) đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Ông Lê Đăng Phúc – Trưởng phòng Tuyên truyền chính sách, Liên minh HTX tỉnh, cho biết: “Hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Với khu vực kinh tế tập thể, hoạt động này càng có ý nghĩa khi mà nội lực của mỗi HTX còn hạn chế. Thực tế cho thấy, chính sự liên kết, gắn bó trong sản xuất, kinh doanh đã giúp các HTX thu mua, chế biến thủy hải sản trên địa bàn Kỳ Anh có điều kiện mở rộng thị trường, quy mô, mạnh dạn đầu tư hạ tầng, kỹ thuật mới vào sản xuất.
Để phát triển nghề chế biến thủy hải sản tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Kỳ Anh, các HTX cần tiếp tục liên kết hợp tác trên cơ sở nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Và trong quá trình đó, các cấp, ngành cũng cần quan tâm, hỗ trợ kịp thời".
Theo Thu Phương/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã