“Phân biệt đối xử” với nghề du lịch
Dù vẫn còn rất lâu mới đến kỳ thi đại học nhưng em Nguyễn Thị Vy - học sinh lớp 12, Trường THPT Cẩm Xuyên lại đang khổ sở vì vấp phải sự phản đối của gia đình trong việc chọn trường, chọn ngành. Vy rất yêu thích nghề hướng dẫn viên du lịch nhưng bố mẹ lại không muốn vì sợ con mang tiếng “này nọ”... Không chỉ thế, mẹ Vy còn viện dẫn: rất nhiều người làm nghề hướng dẫn viên du lịch đến nay vẫn đang... “ế chồng” để con từ bỏ ước mơ.
Trường hợp của Vy chỉ là một trong hàng vạn học sinh đã và đang phải từ bỏ ước mơ của mình chỉ vì cái nhìn thiển cận và không đúng đắn về ngành, nghề du lịch. Không riêng người dân, thậm chí, có những cán bộ nhà nước cũng có cái nhìn tiêu cực về những người hoạt động trong ngành, nghề này. Trong một buổi “trà dư tửu hậu”, chúng tôi được nghe câu chuyện về một vị lãnh đạo ngành trên địa bàn Hà Tĩnh khi thấy vợ đi vào khách sạn thì đã làm ầm ĩ lên. Vị lãnh đạo trên cho rằng, vợ vào khách sạn thì chỉ có “đi với trai”, làm điều mờ ám... Qua đó, có thể thấy, những địa chỉ như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng... trong mắt một số người là những nơi không được “quang minh chính đại”.
Một buổi học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Du. |
Thầy Hồ Việt Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du cho rằng: “Hiện nay, người dân vẫn còn mơ hồ về khái niệm làm du lịch. Có người không hiểu, có người hiểu một cách thiển cận và lệch lạc. Bởi vậy, muốn phát triển ngành, nghề du lịch, đặc biệt là muốn đào tạo tốt nguồn nhân lực thì việc làm đầu tiên là phải thay đổi tư duy của xã hội về ngành nghề này”.
“Cung” không đáp ứng “cầu”
Cách nhìn lệch lạc về nghề du lịch của một bộ phận người dân vô hình trung gây khó khăn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Theo Hiệu trưởng Hồ Việt Anh, hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch vẫn đang trong tình trạng hết sức đáng buồn, như cách nói của người trong cuộc là “đào tạo vét” - không biết học gì mới đi học du lịch. Mặc dù, sau khi ra trường, sinh viên du lịch lại được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay với mức lương bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Đáng nói, dù đến tận giảng đường để tuyển dụng nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên thiếu nhân lực, nhất là nhân lực qua đào tạo.
Nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định trong việc phát huy các giá trị, tiềm năng du lịch |
Dịch vụ, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành “công nghiệp không khói” này là yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, nghề này ở Hà Tĩnh vẫn chưa được chú trọng. Hiện nay, mới chỉ có Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du có Khoa Văn hóa du lịch. Cô Hoàng Lệ Minh – Phó trưởng Khoa Văn hóa du lịch cho biết: “Khoa hiện có 8 lớp với hơn 500 sinh viên (bao gồm đào tạo tập trung và liên kết) theo học các ngành, nghề như: nghiệp vụ buồng, nhà hàng, quản lý khách sạn, chế biến món ăn, hướng dẫn viên, pha chế đồ uống. Toàn trường hiện có 30 giáo viên trực tiếp giảng dạy về du lịch và hơn 20 giáo viên thỉnh giảng”.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường đã liên kết với các trường có uy tín như: Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Cao đẳng Du lịch Huế... và các khách sạn lớn trên địa bàn như: BMC, Ngân Hà (TP Hà Tĩnh), Mường Thanh (Kỳ Anh), Khu du lịch Quỳnh Viên (Thạch Hải) để tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận thực tế và kiến tập, thực tập, thực hành nghề nhiều hơn.
Khách du lịch nước ngoài đến Hà Tĩnh thường lưu trú tại Khách sạn BMC nhờ dịch vụ tốt và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Ảnh: Quang Sáng |
Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hà Tĩnh hiện có 138 khách sạn từ 1-4 sao với gần 4.000 phòng lưu trú. Theo đó, có hơn 6.000 người làm việc trên lĩnh vực lưu trú. Tuy nhiên, con số lao động qua đào tạo chỉ vẻn vẹn 10%. Với nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng và số lượng thì việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đang là khó khăn lớn trong lộ trình phát triển của tỉnh.
Thiết nghĩ, thời gian tới, chúng ta cần quan tâm cho công tác đào tạo để cung ứng đủ nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng; xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu và đẩy mạnh công tác truyền thông để du khách tìm đến quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du ngày một đông hơn.
Phan Trâm - Phúc Quang
Baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;