Bài 1: Những mô hình hay, cách làm hiệu quả
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Vũ Quang là huyện miền núi nghèo của tỉnh Hà Tĩnh, để xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện tìm lối đi riêng cho mình bằng việc khai thác tiềm năng lợi thế kinh tế vườn đồi để trồng cây ăn quả và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết. Nhờ vậy, giá trị nông sản của huyện năm 2012 đạt hơn 383 tỷ đồng, tăng 158 tỷ đồng so với năm 2008; giá trị sản xuất bình quân đạt 61,6 triệu đồng/ha/năm, tăng 26,6 triệu đồng so với năm 2008. Kinh tế hộ gia đình ở Vũ Quang ngày càng phát triển ổn định và bền vững, kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước từng bước phát huy tốt vai trò chủ đạo, cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển đổi cho năng suất cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể.
Khác với Vũ Quang, huyện Hương Khê chủ trương xây dựng NTM bằng cách phát huy lợi thế rừng và đất rừng, khuyến khích, phát triển kinh tế trang trại. Với hướng đi này, nhiều hộ gia đình trước đây nghèo khó, nay trở thành các tỷ phú vườn đồi với thu nhập hằng năm ổn định, bền vững. Theo nông dân Ðàm Thọ, ở xã Lộc Yên, với 15 ha rừng được nhận khoán, đến nay gia đình ông đã có doanh thu hằng năm hơn một tỷ đồng, trong đó riêng tiền bán cây keo là 600 triệu đồng, tiền thu nhập từ bán cam và cây giống là hơn 300 triệu đồng, 200 triệu đồng thu nhập từ trâu, bò và cá. Hiện nay, bên cạnh các cây, con truyền thống cho năng suất cao, giá trị ổn định, gia đình ông còn đang tiếp tục đầu tư phát triển nhiều loại cây trồng vật nuôi khác thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như nuôi ong, lợn đàn quy mô lớn, cam giống mới... đang cho giá trị kinh tế cao và nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về giống, tiền vốn, kỹ thuật của các tổ chức, doanh nghiệp. Tại xã biển Thạch Châu, huyện Lộc Hà có hộ gia đình nông dân Lê Thị Loan nuôi ngao giỏi nhờ lợi thế có bãi sông, cửa lạch. Từ 12 triệu đồng vốn vay của Quỹ hỗ trợ phát triển phụ nữ của địa phương từ năm 2003, chị đã thuê 14 ha bãi bồi ven sông để nuôi ngao. Năm 2008, gia đình chị đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 600 triệu đồng. Năm 2012, gia đình chị đã liên kết với bảy hộ trong xã thành lập hợp tác xã (HTX) với tổng số vốn điều lệ gần một tỷ đồng, quy mô hơn 43 ha nuôi ngao và tôm, cua, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động, với thu nhập bình quân đạt 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Năm nay, doanh thu của HTX khoảng 4,5 tỷ đồng, lợi nhuận gần ba tỷ đồng.
Cũng như nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Phú Thọ là một tỉnh nghèo, việc huy động vốn để đầu tư xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ biết khơi dậy sức dân với cách làm sáng tạo cho nên việc xây dựng NTM đã đạt hiệu quả cao. Xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao có sáng kiến lập một trang web kêu gọi vốn góp của các đồng hương trong và ngoài nước. Nhờ trang web này mà xã đã huy động được hơn sáu tỷ đồng để xây dựng NTM. Cũng ở huyện Lâm Thao, nhằm bảo vệ môi trường bền vững, nâng cao ý thức của người dân, chính quyền xã Hợp Hải phát động toàn dân xây dựng bể lắng nước thải sinh hoạt. Mô hình đang ngày càng được nhân rộng, có tác dụng thiết thực phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Xây dựng NTM, bắt đầu từ... đường giao thông
Ðể xây dựng NTM, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư hơn 4.960 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 63,4 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 63 tỷ đồng, vốn tín dụng 2.643,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án là 1.428,9 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp gần 184,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 576,5 tỷ đồng. Là tỉnh nghèo ở miền núi phía bắc, nhưng Tuyên Quang lại là điểm sáng về xây dựng giao thông nông thôn nhờ có cách làm hay. Ngay từ khi triển khai, tỉnh đã tổ chức mở các đợt tập huấn thực hành tại tỉnh, rồi mời đại diện cán bộ và người dân từ huyện, xã, thôn lên tỉnh để xem và thực hành đúng tiêu chuẩn về làm đường giao thông, sau đó cán bộ và người dân trở về địa phương áp dụng đúng quy trình thực hiện tại địa phương mình. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 69,75 km đường trục xã, liên xã; hơn 2.040 km đường trục thôn, xóm đạt chuẩn (trong đó đường thôn theo Ðề án bê-tông hóa đường giao thông nông thôn 1.581 km, đường thuộc chương trình, dự án khác 200 km); xây dựng 80 công trình thủy lợi; kiên cố hóa 85,4 km kênh mương; hỗ trợ xây dựng hơn 700 phòng học và hạng mục phụ trợ của trường học; xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 33 trạm biến áp, 40,3 km đường dây trung thế, 160,1 km đường dây hạ thế; xây dựng mới, nâng cấp hơn 120 công trình nhà văn hóa thôn, bản, ba nhà văn hóa xã, 50 sân thể thao thôn, bản và liên thôn, bản...
Xã nghèo lập quỹ NTM
Các tỉnh miền núi khi bắt tay vào xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn cả về điều kiện kinh tế, xã hội và nhận thức của người dân, nhưng nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo. Xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) hiện đã đạt 9/19 tiêu chí xây dựng NTM. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Khánh nhấn mạnh: Nếu được hỗ trợ 50% vốn trong việc thực hiện các tiêu chí, xã chắc chắn sẽ đạt 17 đến 18 tiêu chí trong năm 2014. Hiện xã đã có quỹ xây dựng NTM, 100% người dân đóng góp tự nguyện, mỗi hộ 100 nghìn đồng. Ngoài ra, xã còn vận động bà con hiến đất làm đường giao thông liên bản, giao thông nội đồng đạt kết quả tốt. Khi được hỏi vì sao với một xã miền núi còn nhiều khó khăn như Chiềng Ban mà việc xây dựng NTM lại được nhân dân hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả, đồng chí Chủ tịch UBND xã trả lời ngắn gọn: "Chúng tôi chọn hướng đi là phát triển sản xuất, tạo nguồn lực kinh tế cho từng hộ gia đình để từ đó đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới". Sản xuất nông nghiệp ở Chiềng Ban có bước phát triển khá toàn diện với nhiều loại cây, con giống như lúa, ngô, đậu tương, cây ăn quả, rau xanh các loại; chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm hàng hóa. Tiêu biểu là xã đã có gần 1.000 ha cà-phê, năng suất 10 đến 15 tấn/ha, cho tổng thu nhập từ cà- phê của toàn xã năm 2012 lên tới 150 tỷ đồng. Hiện ở Chiềng Ban đã có hai HTX chuyên sản xuất, chế biến cà-phê với hơn 40 xã viên. Mô hình HTX bước đầu đã tạo việc làm ổn định và thu nhập cho hàng trăm hộ trồng cà-phê trên địa bàn. Nhờ những nguồn thu đó, nhiều hộ gia đình thu nhập hằng năm từ 100 đến 400 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 20 triệu đồng/người/năm. Trò chuyện với anh Hà Văn Tiên ở bản Huổi Khoang, anh cho biết: "Sản xuất nông nghiệp cho thu hoạch khá như mấy năm vừa qua là do có cây trồng và con giống tốt, đường giao thông thuận lợi, thủy lợi tưới tiêu đầy đủ. Ðấy cũng là nhờ các chương trình xây dựng NTM, dân bản giờ đều hiểu nên rất tích cực đóng góp cả tiền bạc và công sức để thực hiện. Xây dựng NTM là làm cho dân bản mình, đường đi cho mình, ruộng tốt cho mình và nương cà-phê cho năng suất cao hơn".
(còn nữa)
Nguồn nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;