Hồ hởi xây dựng mô hình
Thuận Lộc là xã có xuất phát điểm rất thấp, đường sá lầy lội, người dân còn nghèo khó, nguồn vốn huy động ít ỏi. Nhưng với sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM Thuận Lộc đã hoàn toàn thay da đổi thịt, khoác trên mình một diện mạo mới. Chị Trần Thị Hoài ở thôn Hồng Lam chỉ tay vào con đường trước nhà vui mừng nói: “Trước đây con đường này chật hẹp lắm, nắng bụi mưa lầy, chỉ một trận mưa đã ngập nước. Nhưng giờ đường đẹp, điện sáng bà con không còn lo lắng khi trời mưa nữa”.
Anh Bùi Minh Hoàng ở thôn Hồng Nguyệt bộc bạch: Trước đây gia đình tất bật tối ngày chăm lo vài ba sào ruộng nhưng cũng chỉ đủ ăn. Tuy nhiên, đầu năm 2013 được xã hỗ trợ vốn, cung cấp giống rau thành lập hợp tác xã rau sạch với diện tích 2ha thu nhập bình quân năm vừa rồi hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra gia đình tôi đang nuôi trên 200 gà, vịt cùng với 1 ao cá và 5 con bò trung bình 30-40 triệu đồng. Vừa mới khởi đầu nhưng được thị, xã quan tâm hỗ trợ công việc sẽ dễ làm hơn, đời sống cũng khấm khá lên nhiều so với trước.
Hỗ trợ vốn cho nông dân
Theo ông Lệ, hiện xã đang thực hiện hỗ trợ vốn theo Nghị quyết số 90/2014/NQ-HĐND của tỉnh đối với các mô hình kinh tế chủ lực như chăn nuôi lợn liên kết, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, mô hình chăn vịt siêu thịt, mô hình rau sạch, cây ăn quả trên quy mô toàn xã.
Ông Nguyễn Tiến Oánh ở thôn Chùa chia sẻ: “Tôi nuôi một lứa hơn 70 con lợn siêu nạc, mỗi năm nuôi khéo tôi sẽ cho xuất chuồng khoảng hơn 200 con, mỗi con trung bình 75-80kg. Bình quân sẽ thu hơn 15 tấn/năm, như vậy mỗi tấn tôi sẽ thu về 45-50 triệu đồng, trừ chi phí thì mỗi năm tôi bỏ túi gần 200 triệu đồng/năm, thu nhập ổn định, làm ăn phát đạt hơn nhiều lần so với làm ruộng. Hiện nay, xã đang có chương trình hỗ trợ giống và sửa sang chuồng trại theo quy trình chuẩn, vì thế tôi sẽ mở rộng quy mô lên 100 con sang năm tới”. Ông Oánh cũng chia sẽ thêm, được xã hỗ trợ 3 triệu đồng xây dựng chuồng trại kết hợp với bể khí sinh học biogas vì thế nuôi lợn không lo ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Còn đối với những hộ dân đất ít, vườn chật cũng đã có lối ra với mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ. Chị Nguyễn Thị Tường- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thuận Lộc là một trong những người đi đầu phong trào này tham gia nuôi một lứa gần 25 con lợn, 300 con vịt và một đàn gà cho thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm.