Theo báo cáo của Sở TN&MT về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, Hà Tĩnh có vùng sinh thái quan trọng, đa dạng. Đặc biệt, tỉnh đã phát hiện nhiều loài mới cho khoa học như sao la, mang lớn, gà lôi đuôi trắng, cá sao Vũ Quang… Tuy nhiên, tác động tiêu cực khiến đa dạng sinh học (ĐDSH) bị giảm mạnh; công tác quản lý bảo tồn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học nhằm bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học về các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái phong phú trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của quy hoạch là đánh giá đầy đủ, có hệ thống nguồn tài nguyên ĐDSH của tỉnh; xác định, khoanh vùng và nâng cao chất lượng rừng tại các hệ sinh thái tự nhiên đặc thù của tỉnh; phát triển các hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn.
Quy hoạch cũng xây dựng và phát triển các cơ sở bảo tồn loài và nguồn gen động, thực vật quý hiếm; tổ chức thực hiện thể chế chính sách, nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn ĐDSH và nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia của người dân về ĐDSH.
Dự thảo quy hoạch cũng đề xuất nhiều giải pháp thực hiện, trong đó có các chính sách về cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ...
Năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt “Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020”; song, quy hoạch này được lập theo Luật Tài nguyên nước năm 1998 đến nay đã không còn phù hợp.
Điều chỉnh quy hoạch nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả quản lý tổng hợp, khai thác sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước, đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển KT – XH, QP - AN và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên nước; đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững.
Dự thảo điều chỉnh Quy hoạch đã đánh giá, tính toán dự báo nhu cầu sử dụng nước; tính toán tiềm năng nguồn nước mặt, nước dưới đất; tính toán lượng nước có thể sử dụng; tính toán lượng nước có thể phân bổ; đưa ra phương án phân bổ nguồn nước cho các ngành, từng địa phương trong điều kiện bình thường và trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đề nghị Sở TN&MT và đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến góp ý để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung nội dung các văn bản. Trên cơ sở các văn bản quy hoạch, Sở TN&MT tham mưu xây dựng Tờ trình để sớm trình HĐND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Quy hoạch bảo tồn ĐDSH phải làm nổi bật được sự đa dạng của hệ sinh thái động, thực vật ở Hà Tĩnh. Trên có sở đó, bổ sung đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước, những cơ chế, chính sách hiện tại để góp phần vào sự đa dạng sinh học địa phương. Đồng thời đánh giá những mặt hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại khiến đa dạng sinh học đang ngày càng giảm.
Quy hoạch cũng cần làm rõ hơn về thực trạng và chi tiết hơn các giải pháp thực hiện nhằm bảo tồn, nhân rộng những loài động, thực vật quý, hiếm.
Về dự thảo điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục đánh giá quy hoạch đã có, bổ sung thêm các lý do cần điều chỉnh quy hoạch và các căn cứ về mặt pháp lý; bổ sung các giải pháp thực hiện quy hoạch.
Đặc biệt, cần bổ sung các giải pháp xử lý, điều tiết hồ, đập, điều tiết nguồn nước trong mùa hạn và mùa lũ trên địa bàn tỉnh và nghiên cứu kỹ hơn những hồ đập lớn để đưa ra khuyến cáo điều hành cho địa phương; bổ sung đánh giá thực trạng sa mạc hóa trên địa bàn tỉnh để tính toán, đưa ra dự báo, khuyến cáo cho Hà Tĩnh.
Tác giả bài viết: Theo Dương Chiến – Lê Tuấn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;