Học tập đạo đức HCM

Sơn Tây không còn cảnh lối cũ, đường xưa

Thứ sáu - 06/04/2012 22:14
Nhắc tới xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cách đây hai chục năm, nhiều người không khỏi ngại ngần bởi đường sá gập ghềnh, khúc khuỷu. Đường vào các thôn nhỏ vừa dốc, vừa hẹp, lại gặp không ít ổ voi, ổ gà. Nhờ sự nỗ lực quyết liệt của cán bộ địa phương, xã Sơn Tây đã khơi dậy được sức mạnh nội lực từ nhân dân để chung sức, chung lòng làm nên đường mới.

Năm mới nhắc lại  chuyện cũ

Ngày ấy tôi còn trong quân ngũ, khi về phép, theo lời hẹn tôi lên thăm một người bạn ở cùng trung đội cũ. Thời ấy làm gì có xe máy nhưng nhờ sức trẻ đôi mươi nên chuyện đạp xe lên nhà bạn chơi với cự ly hàng chục km là chuyện thường. Mặc dầu Khương đã vẽ sẵn vào mảnh giấy và dặn đi dặn lại: " Cậu cứ qua cầu Hà Tân rồi rẽ theo một con đường nhỏ qua vạt ngô, đến ngã tư rẽ trái khoảng hai cây số nữa là tới nhà tớ ". Nghe thì đơn giản nhưng vào xã Sơn Tây quê Khương tôi không ngờ lại được một phen khiếp đảm đến vậy. Cứ đi được dăm chục mét lại xuất hiện những vũng nước to như nong phơi thóc. Chưa hết, khi vượt dốc gặp một đoạn đường toàn bùn đỏ. Để vượt qua được chặng đường cam go này, tôi cố lần từng bước theo vết mòn cũ của người và xe đã đi nhưng chỉ được gần 1 km thì tôi không thể nào đẩy xe được nữa. Mồ hôi vã ra như tắm. Chiếc xe đạp hai bánh bị kẹt chặt bùn. Tôi đang loay hoay không biết làm cách nào thì có một bác nông dân tên là Nhâm tìm que gỡ giùm bùn. Bác Nhâm còn cõng giúp tôi chiếc xe đạp vào tận lối ngõ nhà Khương. Dọc đường bác Nhâm tâm sự: " Chúng tôi khổ nhiều thứ nhưng khổ nhất là đường đi lối lại chú ạ. Dân xứ ni cứ tới mùa mưa là gác guốc, dép lên chạn cả. Người lớn đi cày, đi chợ hay đi rừng, trẻ em đi học đều chịu khó đi chân

đất ...".

 Tôi đem câu chuyện cũ kể cho đồng chí Chủ tịch UBND xã Sơn Tây Lê Đình Vị nghe,  anh Vị cười và nói: "Anh mới chỉ khổ một lần thôi, chứ dân Sơn Tây chịu khổ kiểu này nhiều lắm rồi".

Anh Vị tâm sự tiếp: " Ngày xưa đời sống người dân miền núi vất vả lắm cho nên xã Sơn Tây nầy đường chẳng ra đường, cầu cống cũng không. Khí hậu miền thượng Hương Sơn này thường hay xảy ra mưa lớn và lũ quét, thành thử làm đường đất mà không có xi-măng vào thì chẳng nơi nào trụ nổi với mưa trời. Thấu hiểu nổi khổ này cho nên nhiều năm qua, xã Sơn Tây đã có một cuộc cách mạng giao thông quyết liệt".

Khi lòng dân đã quyết

Sơn Tây hiện là xã nằm trong khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Đây là xã nằm ở vị trí có tầm quan trọng đặc biệt trong thời kinh tế thị trường. Chính vì thế đường thông, hè thoáng là điểm nút khởi sự cho dân chúng làm ăn thuận lợi trong thời kỳ đổi mới. Từ sự cọ xát kinh tế hàng hóa người dân Sơn Tây nhận thức được khá sâu sắc: muốn thoát nghèo, thoát khổ, trước hết phải có hệ thống giao thông thuận lợi. Chuyện làm đường đã được nhân dân nung nấu từ những năm 2000. Thời ấy, cứ mỗi năm xã lại tổ chức vài đợt ra quân. Hầu như khi xã phát động, trưởng thôn thông báo, gia đình nào cũng hồ hởi. Những vật dụng thường ngày được người dân sử dụng trên đồng đều dồn sức dồn lực cho việc vận chuyển đất, đá san lấp, đầm nén những ổ voi, ổ gà. Hằng năm ngày làm đường ở xã Sơn Tây đã tạo nên không khí vui như ngày hội. Không chỉ có cánh trẻ mà cả cụ già ngoài tuổi bảy mươi và các cháu tuổi thiếu nhi cũng hồ hởi tham gia. Bà Hồng, người ở gần khu vực bến Trưng tỉ tê: "Mỗi khi làm đường, xóm trưởng lại cắt cử tui nấu nước chè. Mỗi ngày tui phải đun bốn nồi nước to thế mà có lúc vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu do lực lượng người làm quá đông. Không biết tui nấu nước chè có duyên không mà người nào uống họ cũng khen ngon và làm không biết mệt, tiếng cuốc, tiếng choòng vang tới đâu là con đường mới hiện lên đẹp đẽ tới đó". Còn bác Bính một nông dân ở xóm Trung Lưu sôi nổi kể cho tôi những sự kiện mới về cuộc cách mạng giao thông nông thôn ở xóm bác: " Từ lâu người ta bảo xóm Trung Lưu là xóm ốc đảo của Sơn Tây vì nằm phía tả ngạn sông Ngàn Phố. Năm 2002 cả xóm này bị lũ quét. Mất mát thóc lúa, lợn, gà không tính hết, nhưng khổ nhất là bờ sông bị xói mòn, sạt lở nghiêm trọng. Lở sạt tới mức xóm chúng tôi nhiều chỗ không còn đường đi nữa. Người ta sống nhờ đường mà mất đường chẳng khác gì mình bị dòng nước xô đẩy vào vòng xoáy quẩn". Trong ánh mắt hân hoan và gương mặt sạm đen nắng gió, câu chuyện làm đường từ xóm đến xã được bác Bính kể lại rành rọt. Chuyện người dân hiến đất làm đường, chuyện mỗi gia đình phải đóng góp tiền công, ngày công bao nhiêu và cả chuyện người tham gia giám sát công trình nữa. Không khí dân chủ ở mỗi xóm chính là "chìa khóa thành công" khi được bàn bạc thống nhất từ trên xuống dưới.

Đường mới tạo nên sức sống mới

Sau ba mươi năm tôi mới trở lại xã Sơn Tây. Sơn Tây bây giờ đã đổi thay nhiều, đường làng, ngõ xóm đã được bê-tông hóa khang trang, sạch đẹp. Đường lượn vòng dưới rặng xoan, rặng ổi um tùm xanh ngút ngát, lúc nào cũng nghe tiếng động cơ xe máy chạy vù vù, khác hẳn không khí buồn tẻ, tĩnh lặng của một thời xa vắng. Theo số liệu mà đồng chí Chủ tịch UBND xã thống kê: Hiện Sơn Tây đã xây dựng 20 km đường bê-tông chất lượng cao. Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, những con đường trong tương lai sẽ hiện đại hơn cả về chiều rộng lẫn chiều dài.  Tôi quan sát ngay trước cửa nhà Khương ở, xe máy, ô-tô và các phương tiện cơ giới khác có thể vào tận sân. Năm qua, xã đã trích ngân sách hơn ba tỷ đồng xây dựng thêm hai km đường mới nữa. Khương xởi lởi bảo tôi: "Sơn Tây gần chục năm lại nay nhờ đường thông, hè thoáng cho nên người dân ăn nên, làm ra. Không chỉ dân buôn bán mà cả dân trồng cây, chăn nuôi nữa. Cái gì cũng có khách lên mua tận gốc".

Tôi hỏi Khương " Vùng này giờ đông xe tải tham gia giao thông quá, liệu đường có bị xuống cấp không ?". Khương vỗ vai tôi tiếp lời: " Làm đường đã khó, nhưng quản lý đường còn khó hơn. Nhưng ở đây các xóm đều chấp hành nghiêm túc chỉ thị của chính quyền xã: Tuyệt đối không cho xe quá trọng tải vào, ai không chấp hành sẽ bị phạt nặng. Riêng xóm Sào Nam đã có sào gác và đã xử lý vài trường hợp vi phạm rồi đấy".

Một con đường, nghe thì tưởng chừng như đơn giản, nhưng nó đã góp phần làm đổi thay cả một vùng quê nghèo. Khi lòng dân đồng thuận thì không có việc gì không thể hoàn thành được. Điều này đã được minh chứng trong câu chuyện làm đường giao thông ở xã miền núi Sơn Tây.

Theo nhandan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập241
  • Hôm nay69,340
  • Tháng hiện tại728,667
  • Tổng lượt truy cập93,106,331
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây