Để hoàn thành dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ cho các chủ cơ sở có hàng hải sản tồn đọng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì cuộc họp triển khai đền bù sự cố môi trờng cho các đối tượng bổ sung |
Cụ thể, hỗ trợ 100% giá trị lô hàng đối với sản phẩm sứa; hỗ trợ 30% giá trị lô hàng đối với hàng hải sản tồn đọng khác. Trong đó, khối lượng hàng hải sản tồn đọng tối đa của Hà Tĩnh trên 2.700 tấn, kinh phí hỗ trợ 150 tỉ đồng. Đối với các đối tượng tồn đọng khác, Chính phủ hỗ trợ tổng mức kinh phí hỗ trợ tối đa là 340 tỷ đồng. Trong đó, Hà Tĩnh 122 tỉ đồng để hỗ trợ cho lao động vùng cửa sông, ven cửa sông; chủ và người lao động tại các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra, mỗi địa phương cũng được nhận 400 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận xung quanh vấn đề xử lý hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác bị ảnh hưởng của sự cố môi trường.
Qua nghe báo cáo, phân tích tình hình của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các địa phương trên cơ sở tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo đúng nội dung quy định; chi trả tiền hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể theo đúng tiêu chí, đúng đối tượng, đảm bảo công tác chi trả phải công khai, minh bạch, khách quan; xử lý chặt chẽ, không để xẩy ra khiếu kiện, khiếu nại. Trường hợp nào phát sinh, khó khăn, thì phải tổng hợp trình lên UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơncũng lưu ý: Đối với hàng tiêu hủy phải xử lý theo quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường; giao huyện lập dự toán phân bổ hỗ trợ, kinh phí xây dựng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc hỗ trợ theo quy định.
Tuệ Trang
hatinhtv.vn