Học tập đạo đức HCM

Truyền thống văn hóa - Nguồn lực vô tận cho chiến lược phát triển KT-XH Hà Tĩnh

Thứ ba - 12/02/2013 02:48
Phát huy bản sắc văn hóa chính là nền tảng của sự phát triển bền vững, là niềm hạnh phúc của nhân dân, đồng thời đó cũng là sức hút mọi người, mọi nguồn lực đến với Hà Tĩnh...

 

1. Lịch sử tồn tại và phát triển của nhân loại luôn lấy truyền thống văn hóa làm cơ sở, làm nền tảng và điểm tựa. Theo định nghĩa của cựu Tổng giám đốc UNESCO Federico Mayor "Văn hóa phản ảnh và thể hiện một cách tổng quát và sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đông) đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khảng định riêng bản sắc của dân tộc mình" (Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. Nxb VHTT, 1992 tr23).

Thực tế đó đối với lịch sử dân tộc Việt Nam ta là một minh chứng. Bao thăng trầm của lịch sử, thậm chí có thời gian gần ngàn năm Bắc thuộc, rồi hàng trăm năm là thuộc địa của đế quốc thực dân, truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc luôn trường tồn, không bao giờ bị đồng hóa và luôn được khơi dậy sau mỗi cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Và, truyền thống đó đã đưa dân tộc ta đến độc lập, tự do dân chủ và có vị thế trên trường quốc tế từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ lãnh đạo. Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, Đảng ta thường xuyên coi trọng việc giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc, luôn coi đó là sống còn và nền tảng phát triển đất nước.

2. Hà Tĩnh được thừa hưởng một truyền thống văn hóa vô giá của tổ tiên để lại. Có thể nói các thế hệ nối tiếp nhau trong lịch sử đã để lại cho chúng ta một truyền thống văn hóa mà ít nơi có được. Hà Tĩnh là vùng đất văn hóa, vùng đất học, vùng đất của những con người cần cù, dũng cảm, sáng tạo, ham học tập, với tấm lòng thơm thảo và chân tình trong đối nhân xử thế, được hun đúc qua hàng trăm năm lịch sử.

Trong dịp kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh, nhà thơ Mai Hồng Niên đã viết "Nói về Hà Tĩnh là nói về Nguyễn Du, Nguyển Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, là Phan Đình Phùng, Ngô Đức Kế, Võ Liêm Sơn, Hoàng Xuân Hản, Nguyễn Khắc Viện là Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Đình Tứ.... Đặc biệt là các nhà cách mạng tài ba Trần Phú, Hà Huy Tập là những Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam, là chàng thanh niên Lý Tử Trọng. Điều kỳ diệu nhất là tấm lòng thơm thảo, chân tình của người dân Hà Tĩnh".

Và có thể kể thêm nhiều nhân vật lịch sử khác nữa như: nhà chí sỹ cách mạng Mai Lão Bạng, nhà sử học uyên bác Trần Trọng Kim, nhà hoạt động chính trị - xã hội, thủ lĩnh thanh niên Phan Anh v. v... và v. v....Với hàng loạt di tích văn hóa lịch sử như Văn Miếu, Võ Miếu, căn cứ Cụ Phan Đình Phùng, đền Lê Khôi, đền Nguyễn Thị Bích Châu v. v...

Có thể nói, biểu hiện của văn hóa là con người. Bởi suy cho cùng mọi sự phát triển đều vì con người và bắt đầu từ con người. Trong mọi chiến lược phát triển, thì chiến lược phát triển con người là quyết định nhất. Việc khai thác nguồn lực văn hóa - con người, đó vừa là lợi thế cạnh tranh để phát triển bền vững, vừa là trách nhiệm, là nghĩa vụ của các thế hệ nối tiếp đối với tiền nhân.

Truyền thống văn hóa - Nguồn lực vô tận cho chiến lược phát triển KT-XH Hà Tĩnh
Lễ hội đi cà kheo của người dân vùng biển

3. Trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, đối với Hà Tĩnh bên cạnh lợi thế về tiềm năng như tài nguyên đất đại, khoáng sản, rừng biển, cảng nước sâu... thì văn hóa là một tiềm năng vô tận. Không như các nguồn lực khác, nguồn lực văn hóa càng khai thác càng tạo ra nhiều giá trị mới cho phát triển kinh tế, xã hội hiện tại, càng giàu thêm, bồi đắp thêm giá trị truyền thống cho các thế hệ tương lai. Và, nó lại phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển của nhân loại.

- Có lẽ trước hết thông qua các nhân vật lịch sử, các tác phẩm, các tấm gương dũng cảm hy sinh và tính tận tụy cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của tiền nhân, khơi dậy những gì tốt đẹp nhất mà người dân Hà Tĩnh đã có trong lịch sử về "Nhân, Trí, Tín, Lễ, Nghĩa", như nhà sử học Trần Trọng Kim đã nhận xét về con người Việt Nam. Đồng thời với việc tiếp nhận có chọn lọc những tiến bộ của các nền văn hóa, các vùng văn hóa thông qua hội nhập. Và, vượt lên chính mình để loại bỏ những gì trong tập quán và lối sống lạc hậu đang cản trở sự phát triển như bảo thủ, ích kỷ, hẹp hòi với việc lánh xa lối sống sa đọa, các thói hư tật xấu, tai nạn, tệ nạn xã hội mà hàng ngày chúng ta đang đối mặt. Văn hóa là tự giác, là nhu cầu tự thân của mỗi con người song nó lại mang tính khách quan, không ai có thể ép buộc, áp đặt. Điều quan trong là kích thích, gợi mở cho con người tự phát triển cái được, khắc phục cái chưa được

- Tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống giáo dục ngay từ bậc tiểu học.Thực hiện mục tiêu trước tiên là học để làm người. Từng bước tạo cho học sinh tự do lựa chọn theo sở trường và năng khiếu phát triển sau bậc THPT . Cùng với giáo dục phổ thông, khuyến khích mọi người tham gia học tập để không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, bằng các hình thức học tập, làm cho Hà Tĩnh trở thành một tỉnh có trình độ dân trí cao, có nguồn nhân lực chất lượng cao cả về trí tuệ và nhân cách, không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ngày càng cao của tỉnh nhà, mà còn cung cấp cho nhu cầu phát triển của đất nước và xuất khẩu lao động có chất lượng cao.

- Hà Tĩnh có đội ngũ trí thức đông đảo với số lượng 630 Giáo sư, Phó giáo sư, 1300 Tiến sỹ, số đang công tác trên địa bàn Hà Tĩnh có 5 GS-PGS, hơn 500 thạc sỹ và hơn 36 ngàn cử nhân đại học và cao đẳng. Nên có chính sách và bằng nhiều hình thức tổ chức hợp lý, động viên nhiều hơn nữa đội ngũ trí thức tại chỗ cũng như đang sinh sống và hoạt động ở khắp mọi miền của đất nước và ở nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành, các doanh nhân có tên tuổi đóng góp trí tuệ cho xây dựng và phát triển quê nhà.

- Tập trung xây dựng nếp sống văn hóa của người Hà Tĩnh với nâng cao chất lượng xây dựng các gia đình, các cộng đồng dân cư, các dòng họ văn hóa. Nếp sống văn hóa đó chính là tính nhân văn, tri thức sống, tấm lòng nhân ái, được thể hiện ở thái độ đối nhân xử thế thực sự chân tình, tôn trọng lẫn nhau trong mỗi gia đình, trong mỗi cộng đồng dân cư và trong toàn xã hội, tôn trọng luật pháp, thân thiện và tôn trọng môi trường tự nhiên và xã hội. Đây là nền tảng, là cơ sở tồn tại và phát triển tốt nhất cho mỗi con người, mỗi địa phương, mỗi dân tộc.

- Phát huy và nâng cao hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm do mỗi người, mỗi cộng đồng tạo ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Làm cho mọi người nhận thức đúng mỗi sản phẩm tạo ra đều phải có giá trị chất lượng văn hóa. Trong thời đại nền kinh tế thị trường mọi hoạt động đều mang tính cạnh tranh. Hơn thế nữa khi con người loay hoay với cái ăn, cái mặc chưa đủ, thì người ta dễ bỏ qua những mắt giá trị khác, khi cuộc sống đã thay đổi, nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống con người đã tăng lên, con người đòi hỏi những giá trị khác cao hơn, đẹp hơn, văn minh lịch sự hơn cả yếu tố vật chất và tinh thần. Để có được nền kinh tế xã hội phát triển bền vững, đòi hỏi việc tăng hàm lượng, gam màu văn hóa trong các sản phẩm công, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch, tài chính ngân hàng, văn học nghệ thuật... là yêu cầu bắt buộc. Ngày nay đòi hỏi mọi sản phầm từ tư liệu sản xuất tư liệu tiêu dùng, dịch vụ...đều phải có thương hiệu. Nghĩa là sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đó được xã hội thừa nhận tiêu thụ ổn định.

- Điều quan trọng nữa là, tiềm năng và truyền thống văn hóa đó, với những danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên đã ban tặng là điều kiện và cơ hội cho ta phát triển ngành du lịch. Đặc biệt loại hình du lịch văn hóa đang là xu thế phát triển. Song du lịch văn hóa là một loại hình du lịch đặc biệt. Không thể có du lịch văn hóa trên cơ sở và con người thiếu văn hóa.

Phát huy bản sắc văn hóa chính là nền tảng của sự phát triển bền vững, là niềm hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời đó cũng là sức hút mọi người, mọi nguồn lực đến với Hà Tĩnh. Phấn đấu cho quê hương thực sự là vùng đất văn hóa, con người Hà Tĩnh đi đâu cũng được mến mộ, tin dùng, ai đến Hà Tĩnh đều có cảm tình, làm cho mọi người không chỉ "Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh" mà "Đi mô rồi cũng muốn về Hà Tĩnh".

Tháng 12 năm 2012
NK
Theo baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập122
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm121
  • Hôm nay40,182
  • Tháng hiện tại1,057,470
  • Tổng lượt truy cập92,231,199
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây