Học tập đạo đức HCM

Về phường ngỡ... xã!

Thứ ba - 27/01/2015 22:16
Cùng điểm xuất phát, song khi bắt nhịp chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Thuận Lộc đã có sự đổi thay rõ rệt, trong khi Đức Thuận mang danh là phường nhưng vẫn chưa thể bứt phá. Câu chuyện về quá trình phát triển ở xã Thuận Lộc và phường Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh) để lại cho nhiều người bao nỗi trăn trở.
Về phường ngỡ... xã!

Nhiều tuyến đường ở Đức Thuận dù đã nhận được tiền hỗ trợ di dời tài sản nhưng người dân vẫn chưa góp sức để xây dựng

Làng “ghệt” bứt phá

Có thời, Thuận Lộc được gọi là “làng ghệt” - cái tên xuất phát từ nỗi gian truân, vất vả của vùng quê này, nhất là mùa mưa, đường sá lầy lội, thường phải đi ghệt (ủng). Thế nhưng, giờ đây, khi đặt chân đến Thuận Lộc, những con đường bê tông khang trang như dải lụa uốn quanh mỗi ngôi nhà, lối xóm. Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, Thuận Lộc đã thay hình, đổi dáng.

Khi bắt tay xây dựng NTM, Thuận Lộc là xã có điểm xuất phát thấp nhất trong 13 xã điểm của tỉnh, mới đạt 2 tiêu chí, thu nhập gần 15 triệu đồng/người/ năm. Đến năm 2013, địa phương đã nỗ lực vượt bậc trong chặng nước rút để hoàn thành 18/18 tiêu chí. Tính đến cuối năm 2014, toàn xã đã xây dựng được 24 mô hình sản xuất hiệu quả; nâng mức thu nhập đầu người lên 23 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,9%. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư; 100% đường giao thông trục xã được xây dựng đạt chuẩn, 90-95% đường trục thôn, nội đồng, kênh mương được bê tông hóa; cơ sở vật chất văn hóa từ cấp xã đến thôn được đầu tư quy mô, đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên…

Theo Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc - Bùi Quang Liêm, nhờ khơi dậy sức dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM nên Thuận Lộc đã có sự bứt phá toàn diện. Tính bình quân trong 3 năm xây dựng NTM (2011-2013), mỗi hộ dân đóng góp 20-22 triệu đồng, tiêu biểu có trên 30 hộ đóng góp 25-28 triệu đồng. Phong trào hiến đất, hiến tài sản được nhân dân đồng lòng ủng hộ với phương châm “công trình triển khai thực hiện đến đâu thì đất đai, tài sản của nhân dân hiến đến đó”. Trong 3 năm, người dân trên địa bàn đã hiến 42.254 m2 đất với tổng giá trị 8,103 tỷ đồng.

“Bên cạnh nỗ lực của chính quyền và nhân dân Thuận Lộc, phải công nhận rằng, sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả của TX Hồng Lĩnh đã thổi luồng sinh khí mới cho sự phát triển của địa phương. Từ việc củng cố, tăng cường cán bộ lãnh đạo, tập trung chỉ đạo quyết liệt đến việc ưu tiên, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mỗi sự hỗ trợ đều mang lại những kết quả cụ thể. Riêng 3 năm đầu triển khai chương trình NTM, Thuận Lộc đã huy động được hơn 247 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất”, Chánh Văn phòng UBND thị xã Hồng Lĩnh, nguyên Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc - Nguyễn Thanh Sơn cho biết thêm.

Về phường ngỡ... xã!

Khác với Thuận Lộc, phường Đức Thuận nằm ngay trung tâm thị xã, lại tiếp giáp với 2 tuyến giao thông huyết mạch (QL 1A và 8A) nên có những lợi thế trong phát triển. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân để phường Đức Thuận được thành lập trên cơ sở địa giới hành chính xã Đức Thuận cũ. Gần 6 năm trôi qua, sau khi khoác lên mình chiếc áo mới, diện mạo đô thị ở đây vẫn chưa có sự đổi thay rõ nét. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ còn manh mún, phần lớn người dân sống dựa vào nông nghiệp, trong khi đó, địa phương lại chưa xây dựng được mô hình sản xuất có giá trị cao. Thậm chí, theo số liệu do lãnh đạo phường cung cấp, năm 2003, Đức Thuận có 43 mô hình sản xuất cá, lúa, vịt kết hợp, nay cũng với phương thức sản xuất đó nhưng số mô hình chỉ còn lại 13.

Về phường ngỡ... xã!

Về Đức Thuận, chúng ta dễ dàng bắt găp những cánh đồng vá chằng, vá đụp với hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau

Chủ tịch UBND phường Đức Thuận - Phan Văn Dũng cho rằng, bên cạnh một số kết quả đạt được, hiện nay, địa phương đang đứng trước nhiều khó khăn. Nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng được xây dựng từ lâu nay không còn phù hợp với sự phát triển nhưng vẫn không có nguồn lực để đầu tư. Đơn cử như hệ thống nhà văn hóa tổ dân phố, sau khi sáp nhập, do không huy động được nguồn vốn để đầu tư nên địa phương đành chấp nhận thực trạng thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng của nhà văn hóa tổ dân phố. “Trên lý thuyết thì sau khi lên phường, các công trình xây dựng cơ bản sẽ được thị xã đầu tư, nhưng trên thực tế, hệ thống hạ tầng ở đây vẫn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển”, ông Dũng chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND phường Đức Thuận, bên cạnh những khó khăn do thiếu nguồn lực thì ý thức chỉnh trang đô thị của người dân chưa có chuyển biến mạnh, việc huy động sức dân còn nhiều hạn chế. Trong khi, kinh phí của phường có hạn, người dân lại không chịu góp sức người, sức của nên nhiều tuyến đường được xây dựng từ lâu, nay chật hẹp hoặc xuống cấp nhưng vẫn không đủ lực để làm mới.

Về Đức Thuận, không khó để tìm ra những cánh đồng vá chằng, vá đụp; vẫn con trâu đi trước, cái cày theo sau. Luồng gió cơ giới hóa dường như chưa thổi đến nơi này. Trong khi phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu đang phát triển rộng khắp làng trên, xóm dưới thì việc bố trí nhà cửa, vườn tược ở Đức Thuận vẫn chưa ra phố, ra phường. Về phường ngỡ xã, không ít người dân cảm thấy chạnh lòng với sự trì trệ của quê hương.

Tìm đường trở về trung tâm thị xã, chúng tôi bắt gặp lão nông Nguyễn Văn Thái đang tần ngần hướng sang xã Thuận Lộc và Yên Hồ (Đức Thọ). Ông tâm sự: “Giá như trước khi lên phường, Đức Thuận đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM...”.

Ngô Tuấn
Nguồn: baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập210
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm206
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại189,390
  • Tổng lượt truy cập90,252,783
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây