“Đây là mướp đắng, củ cải bác Cự…”
Chuyện cách đây ba năm, ông Võ Đình Vóc - nông dân ở xã Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - viết thư gửi đích danh ông Võ Kim Cự - lúc đó đương chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - kể nỗi cơ cực trong hành trình tìm vốn để mở rộng trang trại nuôi heo, do bị một ngân hàng gây khó dễ. Thư ông Vóc gửi đi ngày thứ sáu, ngày chủ nhật, ông Cự xuống thăm. Trước lúc đi, ông không quên mời thêm sở, ngành liên quan và giám đốc ngân hàng đi cùng để kiểm chứng, đối chất tại chỗ.
Khi đã mắt thấy, tai nghe, ông Chủ tịch yêu cầu tổ chức cuộc họp ngay tại hội trường xã. Hôm ấy, ông Cự yêu cầu giám đốc ngân hàng phải kiểm điểm chi nhánh ngân hàng, kỷ luật cán bộ gây khó dễ đối với người dân: “Người ta làm ăn thật như thế, điều kiện có đủ, chính sách Trung ương, tỉnh đã ban hành, hướng dẫn rồi mà các vị không cho người dân vay vốn thì cho ai vay? Các vị không tâm huyết, không sâu sát, thiếu trách nhiệm với dân; đã làm mất lòng tin của dân đối với chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước” - lời Bí thư Võ Kim Cự được ông Vóc thuật lại. Chỉ ít hôm sau, ông Vóc được ngân hàng giải ngân khoản vay 700 triệu đồng để nuôi 100 con heo siêu nạc và 300 con heo thịt. Từ chỗ đứng bên bờ vực phá sản, nhờ lần giải cứu của ông Bí thư mà nay trang trại nuôi heo của ông Vóc không chỉ đem về nửa tỉ đồng tiền lãi mỗi năm, mà còn trở thành mô hình để tỉnh nhân rộng.
Vốn từng lăn lộn với nông thôn, nông dân hàng chục năm trước khi trở thành người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự luận ra rằng không thể để hàng ngàn hecta đất cát bạc màu dọc bờ biển bỏ hoang, những khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông chỉ trồng cây tạp theo lối tự cung tự cấp mãi được. Hai năm trước, tỉnh Hà Tĩnh phát động các phong trào “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn”, “Phá bỏ vườn tạp, xây dựng vườn mẫu”. Ông yêu cầu đội ngũ lãnh đạo các địa phương không nói suông mà phải là những người làm trước, làm hiệu quả để dân làm theo. Bây giờ, Hà Tĩnh đã có những cánh đồng xanh mướt với đủ các loại cây rau, củ, quả… Mỗi hecta thu về hàng trăm triệu đồng, người nông dân có việc làm, có thêm thu nhập đáng mơ ước tại nơi mà bao năm qua là những vùng đất “chết”. Người dân Hà Tĩnh nói: “Đây là mướp đắng, củ cải bác Cự”, nét mặt đầy tự hào. Bà Trần Thị Hậu, thôn Tân An (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) năm nào cũng đón ông Cự cũng về thăm. “Bác Cự nói chắc chắn, nói xong là có nên dân yên tâm. Đợt rồi bác xuống, tui thưa rằng vợ chồng tra (già) rồi, vườn rộng mà tưới cây kiểu bơm, gánh vừa mất công, vừa tốn sức. Rứa là sau đó bác kêu ông xã lại chỉ đạo đầu tư cho vợ chồng tui một hệ thống tưới phun mưa, vừa tiết kiệm nước, điện mà hiệu quả lại rất cao”, bà Hậu kể.
Buổi đầu xây dựng NTM ở Hà Tĩnh, các xã có tâm lý đủng đỉnh, ỷ lại vào Nhà nước. Họ cho rằng xây dựng NTM là làm dự án, tiền Nhà nước đổ về. Ông Võ Kim Cự “chẩn trúng bệnh”, cắt cử người và đích thân xuống huyện, xuống xã và tận nhà dân tuyên truyền, kiểm tra tiến độ thực hiện NTM để thay đổi tư duy, nhận thức. “Ở đâu có dân kêu là ông đến, xã nào làm NTM không tốt ông lại càng xuống nhiều lần. Không chỉ những ngày làm việc, mà ngày thứ bảy, chủ nhật hễ có thời gian rỗi là ông đi NTM”, ông Trần Huy Oánh - Phó Chánh văn phòng thường trực NTM tỉnh Hà Tĩnh, nói. Suốt buổi trò chuyện hôm nọ, ông Nguyễn Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà) - vò đầu bứt tai nói với chúng tôi: “Xã đón bí thư xuống “thăm” nhiều lần cũng thấy tự ái thiệt”. Chuyện là, xã Tượng Sơn mặc dù sát nách thành phố, nhưng mấy năm sau khi đăng ký xây dựng NTM vẫn không đạt nổi chục chỉ tiêu. Biết được chuyện đó, ông Cự 4 lần về thăm, nhắc nhở, yêu cầu những người đứng đầu xã phải thay đổi cách làm, phải nỗ lực. “Ông phê bình, hỏi xoáy đáp xoay khiến tui xấu hổ muốn kiếm cái lỗ nẻ mà chui xuống. Nhưng ngẫm lại thì thấy ông nói có lý, nói đúng. Tui bắt tay vô làm. Năm 2011, xã tui chỉ được 5 tiêu chí thì năm ngoái đạt 14 tiêu chí rồi. Trước khi về hưu, lòng dạ tui sục sôi, gắng hết sức để làm sao cuối năm nay Tượng Sơn đạt chuẩn”, ông Thìn nói.
Không ai được đứng ngoài cuộc
Với ông Võ Kim Cự, cán bộ cấp dưới nói là phải làm và phải làm tốt chứ không thể dạ, hứa cho qua chuyện. Trong 5 năm xây dựng NTM ở Hà Tĩnh, nhiều cán bộ đứng đầu các xã ở huyện Vũ Quang, Đức Thọ... bị chuyển làm công việc khác vì yếu kém, không theo kịp phong trào. Thậm chí, ở huyện Can Lộc có hàng chục cán bộ bị kỷ luật do chậm chỉ đạo việc chuyển đổi bộ giống lúa mới thay giống lúa cũ đã thoái hóa... gây mất mùa. Mới đây thôi, trong lần về kiểm tra NTM ở huyện Hương Khê, Bí thư Võ Kim Cự sau khi nghe dân nói trồng 30 cây bưởi thu về 100 triệu, chi phí đầu tư rất thấp, nhưng lâu nay không được xã, huyện quan tâm đầu tư. Ông liền kêu cán bộ ra chất vấn ngay tại trận: “ Phòng Nông nghiệp đã làm gì, khuyến nông làm gì, ăn lương của dân như vậy có đau không? Tỉnh chuyển về tiền tỉ lẽ ra phải có cơ chế, phải chọn ra những hộ có kinh nghiệm nhất để hỗ trợ cho họ. Chắc chắn dân không phải chỉ trồng một hộ mấy trăm cây như hiện nay mà cả ngàn cây, thu về hàng trăm tỉ. Rõ ràng là quản lý rất quan liêu, không quan tâm gì đến đời sống của dân cả, huyện không làm mà xã cũng thả lỏng cho dân. Nghèo là đúng”. Ông yêu cầu huyện, xã phải kiểm điểm trách nhiệm.
Ông Trần Huy Oánh nói, ở Hà Tĩnh không một ai đứng ngoài cuộc đối với phong trào xây dựng NTM. Chính Bí thư Võ Kim Cự đã truyền “máu lửa” cho cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh, cùng chung sức với dân xây dựng NTM. Bắt đầu từ việc ông Cự đi “vi hành” NTM ngày thứ bảy là cảm hứng của phong trào “Ngày thứ bảy NTM” ở Hà Tĩnh trong suốt bốn năm qua. Vào ngày thứ bảy, cán bộ tỉnh, huyện tỏa về các xã giúp dân xây dựng NTM. “NTM như là một cuộc cách mạng mà không một ai ngoài cuộc. Nếu ngoài cuộc sẽ tự thấy mình lạc lõng. Nói đâu cho xa chứ như Văn phòng điều phối NTM chúng tôi suốt mấy năm qua không có ngày thứ bảy, chủ nhật. Cứ giấy tờ, sổ sách ở văn phòng rồi lại về cơ sở. Các anh cứ chọn ngày cuối tuần bất kỳ đến đây mà xem, xe cộ của cán bộ, nhân viên vẫn đầy sân như ngày thường. Nhiều hôm, ban đêm cả cơ quan vẫn đỏ đèn, ai nấy vẫn cứ làm việc như ban ngày”, ông Oánh kể.
Cũng lời ông Oánh: “Thời gian đầu cũng cũng thấy quá áp lực. Nhưng rồi xác định cả xã hội đang tập trung cho NTM, cho cuộc sống của hàng ngàn hộ nông dân được vươn lên, nâng cao vật chất, tinh thần vượt qua nghèo đói nên chúng tôi dốc sức hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Những đơn vị “không liên quan” cũng tự giác vào cuộc. 107 tổ chức, sở, ban ngành đoàn thể và cả doanh nghiệp đăng ký tham gia NTM bằng cách đứng ra đỡ đầu cho một xã. Trực tiếp đóng trích ngày lương, hay gián tiếp kêu gọi các tổ chức, cá nhân bên ngoài góp sức, góp công để tăng thêm nguồn lực xây dựng NTM cho các địa phương.
“Trước đây, ở Hà Tĩnh có tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích trong xây dựng NTM. Bây giờ, việc đó không còn nữa, tỉnh chỉ đạo lấy chất lượng làm chính. NTM đủ 19 tiêu chí hay không là do người dân quyết định. Khi nào đạt đủ các tiêu chí thì dân biểu quyết bằng thư, rằng đời sống đã ấm no, cơ sở vật chất tốt, an ninh đảm bảo… đề nghị tỉnh công nhận. Và mặc dù còn nghèo, nhưng để khuyến khích các địa phương trong việc xây dựng NTM, UBND tỉnh Hà Tĩnh công bố từ đầu về chính sách khen thưởng. Nếu xã nào về đích sớm trước một năm sẽ được thưởng từ 1 đến 2 tỉ đồng” (Ông Võ Kim Cự - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh).
ĐĂNG KHOA - TRẦN TUẤN
Theo laodong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;