Ông Đinh Tú – Chủ tịch UBND xã Kon Thụp kể rằng ngay từ những ngày sau giải phóng, xã đã có kho thóc do các thôn, làng tự nguyện đóng góp để giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; các thầy cô giáo đến công tác trên địa bàn xã… Theo thời gian, với cuộc sống càng ngày càng được cải thiện, người nghèo đã cần đến một hình thức khác hơn - đó là vốn để xóa nghèo. Vậy là một cách làm thực tế hơn của xã đã ra đời: Gây quỹ xóa nghèo từ đất công…
Bên con đường nhựa phẳng phiu cắt ngang qua xã, dù chỉ mới qua vài trận mưa đầu mùa, những khoảnh sắn mới trồng từ đầu vụ đã rợp một màu xanh mướt. Theo quy ước, các doanh nghiệp được giao đất trồng cao su phải để lại 50m mỗi bên để cho địa phương cấp đất cho dân sản xuất. Xã Kon Thụp sau khi chia cho các hộ thiếu đất sản xuất, phần còn lại được chia về cho các Hội đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Hội Cựu chiến binh… sản xuất gây quỹ.
Các hội tự vận động hội viên góp ngày công, giống; tổ chức, phân công hội viên của hội mình chăm sóc, thu hoạch. Tiền thu được ngoài việc sử dụng vào các công việc chung, phần lớn sẽ dành cho các hội viên nghèo vay sau khi xem xét, đánh giá theo tiêu chí. Bình quân mỗi hộ được duyệt vay 3 triệu đồng/lần. Đầu vụ cho vay, cuối vụ thu hoạch trả lại… Theo báo cáo của các hội đoàn thể, đến thời điểm này, các hộ nghèo vay tiền đều trả sòng phẳng. Không có tình trạng vay nợ không trả.
Xóa dần việc bán “lúa non”
Nguồn tiền thu được từ nguồn quỹ của các hội đoàn thể không nhiều, mỗi năm chỉ thu được chừng trên dưới trăm triệu; số hội viên nghèo được vay vốn sản xuất từ quỹ xóa nghèo cũng không nhiều nhưng sự tác động của quỹ cũng đã thấy rõ. Nổi bật là đã giảm áp lực bán hoa màu, lúa non của nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã Kon Thụp… Anh Hi, làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp là thành viên Hội Nông dân, một trong những hộ được hưởng lợi từ việc được vay 3 triệu đồng từ quỹ này của Hội Nông dân xã.
"Từ ngày các hội đều có quỹ, tuy việc “cắm quán” thế chấp lúa non chưa chấm dứt hẵn nhưng so với trước đây thì đã giảm được rất nhiều”. Anh Chưn |
“Năm trước nhà mình phải vay của người ta 2 triệu đồng mua gạo ăn. Họ ra giá: Cứ mỗi triệu cuối vụ phải trả lãi 300 nghìn đồng. Để “chắc ăn” họ còn bắt mình phải “thế chấp” rẫy mì non. Vậy là cuối vụ, tiền lãi mình phải trả tương đương một nửa rẫy sắn thế chấp…
Anh Chưn cũng cho biết, từ ngày các hội đều có quỹ, tuy việc “cắm quán” thế chấp lúa non chưa chấm dứt hẵn nhưng so với trước đây thì đã giảm được rất nhiều. “Phong trào gây quỹ hội bằng nguồn đất công tuy hãy còn rất khiêm tốn về quy mô nhưng ý nghĩa xã hội của nó thì không hề nhỏ.
Chính vì vậy mà các hội viên đều rất hăng hái và tự giác trong mọi công việc. Họ hiểu rằng đây là việc làm rất thiết thực để giúp đỡ, khơi dậy lòng tự trọng cho các hội viên nghèo. Hội viên nghèo thì hiểu rằng trong cuộc chiến với đói nghèo họ không đơn độc. Phía sau họ là một chỗ dựa tin cậy, một nguồn động viên lớn lao để họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống “ – ông Đinh Tú nói.
Quốc Dinh
Theo danviet.vn