Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong quý 1-2012, thanh khoản ngân hàng đã được cải thiện tích cực. Cụ thể, trong quý 4-2011, sử dụng vốn luôn cao hơn nguồn vốn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2012 tới nay, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng đã nhiều hơn sử dụng vốn 130 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại NHNN đã đạt 60 nghìn tỷ đồng, cao hơn dự trữ bắt buộc trung bình từ 15 nghìn đến 20 nghìn tỷ đồng.
Thời gian qua, 30 nghìn tỷ đồng trái phiếu đã được Chính phủ phát hành thành công với lãi suất từ 11,25-11,27% cho kỳ hạn ba năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng phát hành tín phiếu từ giữa tháng 3 và đến nay đã thu được 45 nghìn tỷ đồng. Điều này chứng tỏ thanh khoản của các tổ chức tín dụng đang rất dồi dào. Do đó, cùng với việc giảm lạm phát, NHNN nhận thấy đã đủ điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất thêm 1%.
Với việc giảm trần lãi suất tiền gửi xuống 12%/năm, NHNN cũng dự báo lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thuộc nhóm khuyến khích sẽ dao động từ 13-16%/năm. Thậm chí, có tổ chức tín dụng còn cho vay ở mức thấp hơn. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Giảm lãi suất cho vay là chiều hướng chắc chắn, không thể tránh khỏi nên nhiều tổ chức tín dụng đã có phương án “đi tắt” để thu hút khách hàng.
Cùng với việc giảm lãi suất, điểm nổi bật của chính sách tín dụng bắt đầu triển khai trong thời gian tới là NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung xử lý cơ cấu tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sau khi phân tích tình hình hiện tại cũng như dự báo biến động của nền kinh tế, NHNN đã quyết định mở tín dụng cho lĩnh vực trước đây không khuyến khích cho vay bao gồm tín dụng chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng. Theo ước tính của NHNN, sẽ có tới khoảng 50% nhóm đối tượng cho vay thuộc lĩnh vực bất động sản, gần 100% nhóm đối tượng thuộc tín dụng tiêu dùng sẽ được loại ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích.
Cụ thể, với tín dụng tiêu dùng NHNN đã mở hết các loại dư nợ, chỉ trừ dư nợ tiêu dùng ở nước ngoài bao gồm du lịch, chữa bệnh, du học là bị hạn chế. Dư nợ tín dụng bất động sản cũng được mở với mọi loại hình vay bao gồm vay để mua bán nhà ở đầu tư, đầu cơ, để ở; mở cho vay xây dựng bất động sản để bán, để ở, cho thuê... Riêng với tín dụng cho chứng khoán, chủ trương của Chính phủ và NHNN là vẫn không khuyến khích. Điều này được lý giải là do vốn của ngân hàng là ngắn hạn, phải hạn chế cho vay đầu tư vào chứng khoán - vốn là kênh huy động vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, NHNN tin rằng không cần vốn từ ngân hàng thì thị trường chứng khoán vẫn sẽ tăng trưởng được do thừa hưởng những yếu tố tích cực từ nền kinh tế như lạm phát và lãi suất giảm. Việc tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ không nhanh nhưng bền vững.
NHNN cũng hy vọng, với việc nới lỏng tín dụng như vậy, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN sẽ tạo điều kiện để giải phóng được hàng tồn kho bất động sản, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa tạo chu chuyển vốn trong nền kinh tế. Cùng với đó cũng giúp tháo gỡ một phần khó khăn cho các lĩnh vực khác có liên quan tới bất động sản như xi măng, sắt thép, giúp giảm nợ xấu trong ngân hàng…
Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hóa. Các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động phối hợp khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, bảo đảm khả năng trả nợ, giảm nợ xấu, tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và bảo đảm khả năng trả nợ.
Về nợ xấu của ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thêm: Nợ xấu có chiều hướng tăng lên trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đầu năm nợ xấu là 3,2%, đến nay là 3,6%, tại một số tổ chức tín dụng nợ xấu còn cao hơn. Do đó, các tổ chức tín dụng cần chủ động cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp để giúp cả hai bên vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;