Ông có thể sơ qua đôi nét về những khó khăn mà Hà Tĩnh phải đối mặt trong năm 2016?
Có thể nói, chưa năm nào Hà Tĩnh vấp phải khó khăn như năm 2016. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, toàn bộ hệ thống tổ chức từ tỉnh, huyện đến xã đều thay đổi khá nhiều, các cán bộ, đảng viên, công chức phải tiếp cận với nhiệm vụ mới nên một số còn lúng túng. Nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo có khoa học, định hướng rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp quản lý nên chỉ sau một thời gian ngắn cả hệ thống đã đi vào hoạt động, vận hành đúng với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với quy định.
Nói về tác động khách quan, đầu năm rét đậm, rét hại đã làm nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó lúa, hoa màu bị chết, ảnh hưởng đến lịch thời vụ, năng suất giảm. Giữa năm sự cố môi trường biển xảy ra, nghề biển, dịch vụ, du lịch, xuất khẩu thủy hải sản bị ngưng trệ một thời gian. Cuối năm mưa lũ kéo dài, nhiều nhà dân ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP.Hà Tĩnh, Kỳ Anh hư hỏng, nhiều diện tích vụ hè thu bị mất trắng.
Vậy giải pháp để khắc phục những “núi” khó khăn trên là gì, thưa ông?
Ngay sau khi xảy ra tình trạng thuỷ, sản nuôi trồng và hải sản tự nhiên chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra, nắm bắt tình hình, báo cáo Trung ương, Chính phủ và các bộ ngành để nhanh chóng vào cuộc tìm ra nguyên nhân. Trong khi chờ Chính phủ điều tra xác định rõ nguyên nhân, tỉnh đã chủ động kiểm soát tình hình an ninh trật tự, ổn định đời sống và có những chính sách, giải pháp kịp thời như: Hỗ trợ gạo cho ngư dân, hỗ trợ đánh bắt xa bờ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ nghèo, hỗ trợ tiền điện, tổ chức thu mua hải sản, mở các cơ sở tiêu thụ, tổ chức sản xuất. Mặc dù ngân sách rất khó khăn nhưng tỉnh vẫn thực hiện chính sách hỗ trợ 100% để mua bảo hiểm cho bà con ngư dân, hỗ trợ học phí 2 năm cho các cháu học sinh tới trường.
Sau khi Chính phủ xác định được nguyên nhân, phía Công ty Fomosa đã nhận trách nhiệm và chịu đền bù khắc phục hậu quả, Hà Tĩnh đã chủ động triển khai kế hoạch để người dân bị ảnh hưởng được kê khai nhận tiền đền bù, sớm ổn định đời sống, ra khơi bám biển. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, đảm bảo đúng đối tượng, chính sách theo hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan trong các bước chi trả đền bù bồi thường thiệt hại. Mặt khác, tỉnh thành lập tổ giám sát thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để kiểm tra, giám sát Công ty Fomosa hoàn thành việc khắc phục các lỗi vi phạm và bắt buộc công ty khắc phục sớm và chỉ được hoạt động trở lại sau khi đã thực hiện đúng các cam kết về xây dựng xong các bể sự cố và hồ chỉ thị sinh học.
Ở một diễn biến khác, một số kẻ xấu đã lợi dụng tình trạng cá chết để công kích, chống phá, xuyên tạc nói xấu Đảng, Nhà nước và chính quyền; tụ tập đông người, gây rối, nhân danh các tổ chức để nói xấu chế độ, kích động. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tuyên truyền để nhân dân không bị kẻ xấu lợi dụng; đồng thời điều động lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự, tránh được tình trạng người dân tuần hành, đập phá, gây rối trật tự công cộng.
So với năm 2010 thì hai trận lũ trong năm 2016 có sức tàn phá nặng nề không kém, gây thiệt hại rất lớn vềsản xuất nông nghiệp. Ngay sau khi lũ lụt xảy ra, tỉnh đã chủ động ứng phó, phân công cán bộ về trực tiếp tại các địa phương, nhất là những nơi bị ngập nặng để chỉ đạo khắc phục, kiểm tra việc xả lũ của các hồ thủy điện, hồ đập trên địa bàn, hạn chế thấp nhất mức thiệt hại. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là không được để một người dân thiếu đói, đã hỗ trợ kịp thời lương thực, nước uống, thuốc; đồng thời phát huy “4 tại chỗ”, tuyên truyền động viên nhân dân bình tĩnh, làm chủ tình thế. Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Nhà nước, Quốc hội và các bộ, ngành đã kịp thời thăm hỏi, động viên chia sẻ và giúp đỡ nhân dân Hà Tĩnh trong cơn hoạn nạn. Tỉnh cũng đã huy động tối đa các lực lượng sau khi lũ rút tập trung giúp bà con, trường học, cơ quan dọn dẹp, làm vệ sinh môi trường, hỗ trợ triển khai ngay sản xuất vụ Đông.
Xin ông cho biết một số kết quả kinh tế - xã hội mà Hà Tĩnh đã nỗ lực đạt được trong năm 2016?
Năm 2016, Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng chồng chất khó khăn, thách thức. Song, được sự quan tâm, giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện, kịp thời của Tỉnh ủy; sự điều hành chủ động, linh hoạt của UBND tỉnh cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để tiếp tục phát triển.
Sản xuất nông nghiệp tăng 4,89% so với năm 2015, cao hơn so với bình quân cả nước; chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt kết quả khá, có thêm 30 xã về đích, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM lên con số 82, chiếm 36,5% tổng số xã toàn tỉnh.
Sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,37%; kim ngạch xuất khẩu năm 2016 tăng 4,59% so với cùng kỳ. Thu ngân sách đạt 7.510,8 tỷ đồng, đạt 101,4% kế hoạch Trung ương giao, đảm bảo ổn định cân đối ngân sách.
Tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2016 đạt 42.556 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư của doanh nghiệp trong nước và khu vực dân cư tăng 4,7% so với năm 2015. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,9% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư tăng khá, năm qua tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 108 dự án. Bên cạnh đó, một số dự án quy mô lớn đang được đẩy nhanh thực hiện như dự án thương mại và nhà ở Vincom TP.Hà Tĩnh; Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Sót; các dự án trong Khu kinh tế Vũng Áng; Nhà máy sản xuất gỗ ván ép MDF HDF tại Vũ Quang; các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng...
Lĩnh vực văn hóa - xã hội năm qua cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đối với giáo dục, tỉnh đã thực hiện tốt công tác phổ cập, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp các cấp học, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao. Cùng với giáo dục, chất lượng khám chữa bệnh và tinh thần phục vụ bệnh nhân có nhiều chuyển biến. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng được tỉnh quan tâm chú trọng. Điều đáng mừng là, Mộc bản Trường học Phúc Giang được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương công nhận là Di sản tư liệu. Công tác đào tạo nghề được tiếp tục đổi mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo. Trọng tâm cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Tổ chức thi tuyển công chức năm 2016 đảm bảo công khai, khách quan, minh bạch, được dư luận xã hội và nhân dân đồng tình cao. Đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh; hoàn thành xây dựng đề án thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong quý II/2017 và đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thí điểm xây dựng đề án thành lập trung tâm hành chính công cấp huyện.
Công tác thanh tra được thực hiện theo kế hoạch, thanh tra phục vụ phòng chống tham nhũng được tăng cường. Công tác tiếp dân được duy trì, tăng cường giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền ngay từ cơ sở. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, tỉnh đã chủ động ngăn chặn, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt trong sự cố môi trường vừa qua.
Bước sang 2017, Hà Tĩnh sẽ định hướng phát triển kinh tế - xã hội như thế nào , thưa ông?
Năm 2017, nhiệm vụ hàng đầu được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định là tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển giai đoạn 2016 - 2020. Đây là 3 nhiệm vụ cần phải được tập trung chỉ đạo thường xuyên, hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Với tinh thần đoàn kết, chỉ đạo điều hành quyết liệt, năng động sáng tạo, kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, Hà Tĩnh quyết tâm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, tiếp tục đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại.
Xin trân trọng cảm ơn ông! Chúc Đảng bộ, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh giành nhiều thắng lợi trong năm mới Đinh Dậu 2017.
Một số chỉ tiêu kinh tế năm 2017: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 10,6% so với năm 2016; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 285 triệu USD; thu ngân sách đạt 7.700 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 35.000 tỷ đồng. Phấn đấu không còn xã dưới 10 tiêu chí và có thêm ít nhất 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 1-2 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5-2%. |
Anh Bình (thực hiện)/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;