Học tập đạo đức HCM

Hương Sơn mùa lộc

Thứ tư - 14/03/2012 10:38
Hương Sơn nghĩa là núi thơm. Từ xa xưa, vùng đất bốn mùa thơm ngát hương hoa ấy không chỉ nổi tiếng về phong cảnh hữu tình mà còn bởi nhiều sản vật quý hiếm. Nhung hươu sao là một trong những sản phẩm nổi tiếng gắn với địa danh Hương Sơn, Hà Tĩnh…
Thường, mùa nhung rộ vào trước và sau Tết Nguyên đán chừng một tháng. Tuy nhiên, người ta hay nấn ná đợi cho đến dịp đầu năm mới về Hương Sơn tìm mua thứ sản vật quý này, với ý muốn để dành lấy lộc đầu năm. Năm nay, mùa nhung đến muộn, đã tháng 2 âm lịch rồi mà nhung hươu vẫn còn nhiều, khách tứ xứ vẫn tìm về mua lộc nơi  các trang trại Hương Sơn. Theo chân một đoàn khách, chúng tôi tìm đến trang trại của anh Uông Xuân Lĩnh (xóm Trà Sơn II - Sơn Phúc - Hương Sơn) với mong muốn được tận mắt chứng kiến các công đoạn cắt nhung và được thưởng thức hương vị rượu huyết hươu quý giá.

Hươu sao vốn là một loài động vật nhạy cảm và nhát người, muốn lại gần chúng phải biết cách. Theo hướng dẫn của gia chủ, chúng tôi mỗi người cầm một nhánh cỏ và luôn mồm gọi "lộc lộc" "lộc lộc". Sau một thoáng hoảng sợ, con vật đã ngoảnh mặt lại tìm lá cỏ và ăn một cách bình thản, nhờ đó chúng tôi cũng có những bức ảnh chú hươu sao mang trên đầu nhánh lộc tuyệt đẹp. 

Từng đọc một cách thích thú truyện ngắn "Lộc trời" của tác giả Nguyễn Thế Hùng, tôi hơi thoáng chút ngỡ ngàng khi thấy người thợ cắt nhung thực hiện công đoạn này một cách không mấy khó khăn. Có lẽ là bởi sự khéo léo và đặc biệt đã khá quen với con vật của anh Lĩnh và những người bạn cùng nghề. Sau khi đã dồn con hươu vào chuồng nhỏ, bằng vật dụng quen thuộc là một thanh gỗ buộc dây thừng thắt thòng lọng, anh Lĩnh đã lừa được chú hươu cho chân vào rồi nhanh như cắt rút dây. Chú hươu bị trói cả bốn chân, khụy xuống. Mấy người cùng bước vào ghì hươu nằm yên, đặc biệt người ghì đầu phải khỏe, khéo. Khâu quan trọng nhất là dùng chiếc cưa hình vòng cung đã rửa sạch bằng rượu để cưa lộc. Dù rất háo hức các vị khách, nhất là chị em cũng chuyển cảm giác từ thích thú sang ái ngại, khi chứng kiến cảnh đôi lộc đẹp đẽ của chú hươu bị cưa đứt, máu phun tràn. Anh Đinh Nho Cừ - người tham gia cắt nhung cho biết: "Quá trình này cần phải cẩn thận để không làm hươu bị gãy chân bởi nếu bị thương con hươu đó coi như bị loại". Trong quá trình cưa nhung, một chiếc bát đựng rượu trắng cũng được đặt sẵn phía dưới để hứng huyết tươi. Loại rượu huyết này được chủ nhà dùng để đãi khách trong bữa cơm theo tập tục của người dân nơi đây, gia chủ bao giờ cũng mời cơm khách mua. Ngay sau khi cắt nhung, chủ nhà lấy một loại thuốc được tán từ ngọn cây hoàn ngọc, hoàng xà và đọt chuối non rịt vào chỗ cắt lộc, lấy lá chuối tươi buộc lại để cầm máu. Sau vài ngày là vết thương lành hẳn.

Trong bữa cơm vợ chồng anh Lĩnh đãi khách, chúng tôi không chỉ được thưởng thức món rượu huyết độc đáo mà còn được nếm món thịt hươu thơm ngọt. Mấy hôm trước, cũng do sơ xuất trong khâu cưa lộc, một chú hươu đã bị thương. Trong nồng nàn hương rượu, chủ trại có gương mặt chất phác tâm sự: "Lúc đầu gia đình em chỉ nuôi vài con cho có phong trào, về sau được vay 20 triệu của ngân hàng chính sách thì có mua thêm vài con nữa. Trong giai đoạn hươu sao được giá thì hươu nhà em bị chết bệnh, coi như mất trắng. Qua giai đoạn ấy, hươu bán rẻ như cho, không ai đầu tư thì em quay lại với nghề. Được bạn bè cho vay vốn nên gây dựng lại cùng khá nhanh”. Đến nay cùng với trang trại 2ha hồ cá và 3ha rừng tràm, 1ha rừng thông, vợ chồng anh Lĩnh đã có đàn hươu 50 con, mỗi năm thu được chừng 400 triệu đồng, trong đó nguồn thu từ hươu giống và nhung hươu đạt trên 300 triệu. Câu chuyện nuôi hươu của anh Lĩnh cũng giống với nhiều nông dân ở Hương Sơn. Chẳng ở đâu xa, ngay cạnh nhà anh Lĩnh, anh Đinh Nho Mão cũng là chủ nhân của đàn hươu trên 50 con, mỗi năm thu lợi gần 300 triệu đồng. Anh Mão cho biết: "Hưởng ứng chủ trương tăng đàn của xã, lại được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/con hươu cái (đối với những hộ có từ 10 con hươu trở lên) năm nay nhà tôi không bán hươu giống mà để lại để tăng đàn". Cũng theo anh, một con hươu đực từ khi sinh ra, đến độ 2 năm thì bắt đầu cho lộc. Độ tuổi hươu cho lộc nhung tốt nhất là từ 4 - 10 năm tuổi, khi ấy các chú hươu sung sức, khỏe mạnh. Như chú hươu mà chúng tôi vừa chứng kiến cắt lộc, chỉ sau 10 phút được rịt thuốc, đã đi lại và nhấm nháp những củ lạc, nhánh cỏ mà ông chủ bồi dưỡng…
 
 
 
Tốp thợ đang thực hiện cắt nhung hươu.
 
 
Chú hươu sao với cặp nhung đến ngày thu hoạch.

Cũng giống ở Sơn Phúc, hiện nay ở Hương Sơn đã có rất nhiều nông dân thoát nghèo, giàu lên nhanh chóng từ nuôi hươu sao. Riêng ở xã Sơn Phúc, theo ông Nguyễn Huy Sơn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thì hiện nay toàn xã có 80% số hộ nuôi hươu với tổng đàn lên đến 900 con. Còn cả huyện Hương Sơn thì tới thời điểm này tổng đàn đã tăng lên tới 28.000 con (năm 2011 là 24.000 con), trong đó có gần 15.000 con hươu đực đang ở vào thời kỳ cho lộc nhung tốt. Tổng sản lượng lộc nhung hươu thu hoạch cả mùa dự kiến đạt khoảng 6 đến trên 8 tấn và ước tính sẽ thu về khoảng  60 - 70 tỷ đồng. Mùa nhung năm nay, ngoài được mùa lớn về sản lượng, chất lượng nhung, người dân huyện Hương Sơn còn bán được hươu giống tốt. Mỗi con hươu đực giống khỏe mạnh cho lượng lộc nhung nhiều nhất, chất lượng tốt nhất giá bán từ 13 - 15 triệu đồng/con, hươu cái giống từ 3,5 - 4 triệu đồng/con. Với thương hiệu nổi tiếng từ lâu, mỗi mùa nhung, Hương Sơn đón hàng trăm đoàn khách khắp các vùng miền trong cả nước về mua, giá nhung năm nay cũng khá cao, dao động từ 1 - 1,7 triệu đồng/1 lạng nhung tươi, nên bà con nhân dân rất phấn khởi. Chẳng biết có phải một sự liên tưởng gượng ép hay không mà trên đường ngược Hương Sơn, khi xe chúng tôi phải nhường đường cho những đoàn xe rước dâu ngược chiều, nhiều khi tới mấy chục chiếc, tôi cứ nghĩ trong cái sự "phú quý…" ấy có phần đóng góp của đàn hươu.

Nhung hươu có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe của con người và cũng có nhiều cách để sử dụng hiệu quả loại dược liệu quý này. Tuy nhiên, muốn mua được nhung có chất lượng tốt, khách phải chọn mua nhung có tuổi từ 43 - 45 ngày sau khi đổ đế, nếu sớm quá sẽ bị non, muộn quá sẽ bị già, chất lượng nhung đều không tốt. Từ sản phẩm nhung tươi, người ta có thể cắt lát sấy khô rồi tán nhỏ trộn với mật ong rừng để dùng dần, hoặc cũng có thể cho vào tủ lạnh khi cần cắt nấu cháo, hấp cơm… Có người thì thích cho nguyên cả cặp vào bình ngâm rượu v.v... Chẳng biết có đúng không, một cô gái vùng nuôi hươu bảo rằng giống nhung này rất lạ, phải dùng nguyên cặp, có âm, có dương mới công hiệu… Bằng cách nào thì những giá trị dược học của nhung hươu cũng được tận dụng triệt để.

Mùa nhung năm nay đang rộ và con đường ngược ngàn Hương Sơn như cũng xôn xao hơn với những đoàn khách tìm về. Với giá trị kinh tế lớn từ nuôi hươu sao, tin rằng, trong tương lai, tổng đàn hươu sao của Hương Sơn sẽ còn tăng cao hơn nữa và những tại vùng quê này cũng sẽ xuất hiện thêm nhiều tỷ phú chân đất, làm giàu ngay chính trên đồng đất quê hương.

 
Anh Hoài
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập722
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại741,797
  • Tổng lượt truy cập93,119,461
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây