Gặp chúng tôi khi đang thu hoạch bí xuân trên cánh đồng xóm 6, chị Mai Thị Hà, phấn khởi: “Đây là vụ bí “đầu tay” trên vùng đất vừa được dồn đổi cho một hộ trong thôn. Đầu tháng 2 trồng bí, tháng 4 đã cho thu hoạch. Sản phẩm bí được các chủ đại lý trong xã thu mua hết. Sau khi thu hoạch xong bí sẽ trồng ngô”. Qua trao đổi của chị Hà thì từ việc chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa, các hộ nông dân được nhận phần đất liền vùng, liền khoảnh. Nhà nào cũng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập. Bí là cây dễ trồng, dễ thích nghi, chi phí đầu tư ít, mất khoảng trên 500 ngàn đồng/sào nên được nhiều hộ lựa chọn. Trong xã hiện có 2 cơ sở chuyên thu gom sản phẩm bí đi nhập bán các tỉnh phía Bắc. Theo chị Hà, giá bí thị trường là 8 ngàn đồng/kg, vụ bí đầu tiên này chị thu hoạch gần 1,5 tấn/sào, trừ chi phí lãi gần 14 triệu đồng/sào (trong gần 3 tháng), là một khoản thu nhập đáng kể của người nông dân Tào Sơn.
Nông dân Tào Sơn thu hoạch bí trên đất chuyển đổi.
Bên cạnh chuyển đổi cây trồng thì phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Tào Sơn cũng diễn ra khá rầm rộ. Tuyến đường giao thông lớn (loại A) nằm trên địa bàn thôn 3 có tổng chiều dài trên 500m hoàn thành từ cuối tháng 1, nền đường rộng 5,5m. Để thực hiện kế hoạch, ban chỉ đạo xóm đã tổ chức họp dân, bàn bạc thống nhất mức đóng góp. Cách triển khai của xóm là nhà nào có công trình và đất liên quan giải tỏa hành lang làm đường thì tự bỏ kinh phí, nguyên vật liệu, xóm tập trung nhân công để xây dựng, trả lại công trình, tường rào đã mất. Mỗi hộ trong thôn còn đóng góp thêm 20-30 ngàn đồng để ủng hộ các nhà có công trình phải thực hiện giải tỏa... Bác Đào Văn Quý - xóm 3, phấn khởi: “Để góp công xây dựng đường, mỗi khẩu góp 400 ngàn đồng, riêng 3 nhân lực lao động chính trong nhà tôi góp công trong 1 tháng, hiện nay chúng tôi đang làm lề đường, xây rãnh thoát nước hoàn chỉnh”.
Tào Sơn hiện có trên 2 ngàn ha đất tự nhiên, trên 1 ngàn hộ dân. Điều kiện địa lý nằm cách trở với Quốc lộ 7 qua sông Lam. Trước khi bước vào triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), Tào Sơn mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Một số tiêu chí cứng còn yếu, như hệ thống đường giao thông chủ yếu bằng đường đất, toàn xã mới chỉ bê tông 2km, nhựa hóa 4km; hệ thống trường mầm non, THCS chưa đạt, chợ tạm bợ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, ruộng đất manh mún, bình quân 9 - 10 thửa/hộ. Từ năm 2001-2007, Đảng ủy, UBND xã đưa cây dưa hấu về triển khai cho bà con trồng trên đất màu, lúa màu, có thời điểm lên đến 130 - 150 ha. Nhưng từ năm 2011 - 2012 dưa chất lượng kém dần, đầu ra khó khăn nên người dân chuyển sang gắn bó với cây bí, mướp đắng, ớt cay.
Ông Hoàng Đình Sơn - Chủ tịch UBND xã Tào Sơn, cho biết: Trên tinh thần xây dựng NTM, xã xác định mục tiêu chung là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng công trình hạ tầng NTM để thay đổi diện mạo bộ mặt kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân.. Trên tinh thần vận động, dân chủ, bà con đã ý thức được sự cần thiết và chủ động dồn đổi trên từng vùng đồng cho nhau. Đối với công trình hạ tầng NTM, xã triển khai cho các xóm được quyền tự định đoạt, mỗi xóm có các hình thức và phương thức đóng góp khác nhau, không rập khuôn. Trên tinh thần đó vận động người dân tháo dỡ, hiến đất, nguyên vật liệu. Xã hỗ trợ 4 triệu đồng/km chi phí máy thi công cộng với 40% tiền cát.
Người dân trở thành vai trò trung tâm quyết định mọi sự đổi thay của địa phương, đến nay Tào Sơn đã hình thành trên 70 ha bí trên đất chuyển đổi, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Sau quá trình thực hiện dồn đổi đất, đến nay bình quân chỉ còn 3 thửa/hộ, bao gồm 1 thửa màu và 2 thửa lúa. Hiệu quả sử dụng đất tăng gấp 3-4 lần so với trước. Đặc biệt trên các vùng chuyển đổi sang trồng sắn, bí thường xuyên cho thu nhập ổn định. Bí được giá trên thị trường và khẳng định được hiệu quả vượt trội. Sản phẩm sắn trồng của bà con nông dân Tào Sơn được Nhà máy sắn Thanh Chương về tận nơi thu mua với giá cả phù hợp. Trong xây dựng hạ tầng giao thông, toàn xã đã bê tông được trên 10 km đường loại A. Đầu năm 2012, công trình chợ Tào Sơn được hoàn thiện và đi vào sử dụng với tổng kinh phí gần 2,8 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ gần ½ kinh phí, còn lại là ngân sách địa phương. Khuôn viên chợ rộng trên 5 ngàn m2, đình chợ dài 30m, rộng trên 20m, có 4 dãy ki-ốt kinh doanh với 30 ki-ốt cố định tạo việc làm ổn định cho bà con nông dân.
Nhờ sự xác định xây dựng NTM là một mục tiêu số 1 nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân, đến nay xã Tào Sơn đạt 10/19 tiêu chí NTM, đưa các chỉ tiêu sớm về đích như cơ sở hạ tầng y tế, điện, chợ nông thôn, đường giao thông trên đà hoàn thiện đạt chuẩn…Thời gian tới, trên cơ sở tập trung chỉ đạo hướng các mục tiêu kinh tế cơ bản trong xây dựng NTM, Tào Sơn tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển các dịch vụ cơ khí, mộc dân dụng, máy xay xát, sửa chữa điện thoại, xe máy…; chú trọng mở rộng và đưa vào các cây trồng hàng hóa có chất lượng.
Bài, ảnh: Lương Mai (baonghean.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;