Học tập đạo đức HCM

Rộn rã mùa gặt

Chủ nhật - 03/06/2012 23:07
Những cơn mưa làm chậm chân người nông dân giữa ngày mùa trong khi lúa đã chín vàng chờ tay người thu hái. Mùa gặt đã về trên những cánh đồng biết vươn mình hồi sinh sau những trận rét dài khắc nghiệt. Sau lưng, vụ hè thu đã cận kề. Niềm vui xen lẫn nỗi lo toan, tất bật, bà con nông dân Hà Tĩnh đang nhanh tay trên ruộng gặt để dồn sức cho màu xanh ruộng cấy.

 

Theo chân bà con nông dân vào mùa gặt mới, chúng tôi có cảm giác mặt đất như được trải thảm. Lúa vàng rực, chín rộ trong nắng mới. Dọc đường từ Ngã tư Trổ đến xã Trung Lễ, Đức Lâm, Yên Hồ (Đức Thọ)... ngày mùa đang nhộn nhịp, khẩn trương. Từng tốp bà con tất bật thu hoạch lúa đông xuân, đâu đó còn pha lẫn tiếng máy gặt đập, máy tuốt làm náo nức cả một vùng.

Rộn rã mùa gặt

Nềm vui được mùa trên đất lúa Đức Thọ

Bác Nguyễn Bá Thành, xóm 8, xã Đức Lâm cho biết: “Gia đình tôi làm 1 mẫu lúa, tất cả đều trúng lớn, ít nhất năng suất cũng phải đạt 3 tạ/sào. Qua những ngày vất vả, khó khăn làm mạ rồi cùng đến ngày mùa thắng lợi, gia đình tôi vui sướng lắm. Mấy ngày nay thời tiết không thuận, chúng tôi phải tranh thủ mọi thời gian nắng ráo thu hoạch nốt diện tích còn lại để còn chuẩn bị cho vụ hè thu”.

Cánh đồng Bắc thơm số 7 của gia đình bác gặt chỉ còn lại một góc nhỏ, những ôm lúa trĩu hạt, xếp chồng lên nhau từng lớp, từng lớp. Ngay cạnh bên, góc mạ chuẩn bị cho vụ hè thu cũng vừa chớm xanh, gợn nhẹ trong gió. Không khí vụ hè thu đã ngập tràn khắp những cánh đồng Đức Thọ bởi màu xanh của mạ non chờ ngày vụ mới.

Anh Đặng Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lễ cho biết: “Vụ đông xuân này, xã cơ cấu chủ yếu là các giống ngắn ngày như: RVT, bắc thơm số 7, QR1 nên đến thời điểm này việc thu hoạch đã cơ bản hoàn thành. Năm nay, năng suất trung bình đạt 60 tạ/sào, vượt 10% so với đông xuân 2011. Cùng với đó, xã chỉ đạo bà con tranh thủ thời gian, nhổ dồn lúa đông xuân để lấy đất bắc mạ. Thời điểm kết thúc thu hoạch cũng là “điểm chốt” của thời vụ bắc mạ hè thu”.

Tại vùng núi Vũ Quang, thỉnh thoảng trận mưa giông lại làm đứt quãng công việc đồng áng của bà con nông dân. Tất bật gặt lúa, hối hả chạy mưa khiến cho quang cảnh vào mùa nơi đây rộn ràng, khẩn trương hơn bao giờ hết.

Chị Nguyễn Thị Lương, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện nói: “Cứ hửng nắng là bà con lại tranh thủ ra đồng, được sào nào hay sào nấy.

Năm nay các giống lúa sinh trưởng khá đồng đều cả về năng suất lẫn chất lượng, đặc biệt là giống lúa lai Nhị ưu 838 thể hiện nhiều tính năng vượt trội, phù hợp với điều kiện sản xuất trên địa bàn. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch gần 40% diện tích lúa đông xuân với năng suất 60,48 tạ/ha, cao nhất trong nhiều năm nay”.

Giữa những biển lúa vàng Can Lộc, chúng tôi như ngập trong niềm vui của một vụ mùa thắng lợi nhờ ý Đảng soi sáng lòng dân.

Rộn rã mùa gặt

Xã Khánh Lộc (Can Lộc) đã hoàn thành thu hoạch vụ đông xuân và đang tập trung cho xuống giống vụ hè thu

Cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu trà lúa trải qua biết bao gian nan, thử thách đã đưa nền nông nghiệp huyện nhà sang một bước ngoặt hết sức quan trọng. Đó không chỉ là việc năng suất, sản lượng lúa đông xuân cao nhất trong nhiều năm qua mà quan trọng hơn là hình thành một hướng đi bền vững cho cây lúa trước thách thức của biến đối khí hậu.

Xuân sớm không còn chỗ đứng và xuân muộn là xu thế rõ nét của những vụ đông xuân tới ở Can Lộc. Từ Tùng Lộc, sang Khánh Lộc, Kim Lộc, điểm dừng chân lâu nhất của chúng tôi là cánh đồng mẫu BTE-1 ở Song Lộc.

Chị Nguyễn Thị Hương, xóm 8 vừa nhanh tay gom nốt những bông lúa cuối cùng, vừa vui vẻ trò chuyện: “3 sào ruộng này tôi chuyển từ giống 1820 sang làm BTE-1 theo sự vận động, hỗ trợ của xã, của huyện mà vẫn nơm nớp trong lòng. Thế nhưng lúa xuống giống muộn đã tránh được những trận rét dài, bén rể, đẻ nhánh nhanh như thổi. Dẫu chưa thực hiện đầy đủ quy trình thâm canh nhưng 3 sào giống mới đạt năng suất hơn 1 tấn lúa. So với IR1820, giống mới thắng cả về năng suất, chất lượng, độ an toàn và giá trị kinh tế. Mùa tới, xã chúng tôi chẳng ai dại gì mà làm xuân sớm nữa ”.

Rộn rã mùa gặt

Xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành thu hoạch đúng tiến độ

Những âm thanh rộn rã của 7 chiếc máy gặt đập liên hợp tỏa đều khắp những cánh đồng xã Cẩm Bình cho chúng tôi những hình ảnh thật ấn tượng về mùa gặt ở một xã điểm nông thôn mới. Dẫu đông xuân này Cẩm Bình còn không ít diện tích lúa chín muộn nhưng bước đi mới trong cơ giới hóa đã giúp xã thu hoạch gọn và người nông dân đỡ phần tất bật giữa 2 vụ sản xuất liền kề.

Và khi những cánh đồng vừa được giải phóng, giống mới hè thu đã sẵn sàng với một bước đi hoàn toàn mới mẻ. Hè thu 2012, 96% diện tích của xã sẽ làm cùng 1 giống- VT NA2 (có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày), 1 quy trình chăm sóc.

Ông Nguyễn Thiên Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mô hình hợp tác với doanh nghiệp từ khâu cung ứng giống, phân bón đến tiêu thụ trên cánh đồng 1 giống mặc dù rất mới mẻ nhưng đã được bà con tin tưởng, quyết tâm làm với mong muốn có được sản phẩm có chất lượng, đầu ra ổn định, giá trị thu nhập cao hơn”.

Khi các địa phương trong toàn tỉnh đang vào kỳ gặt rộ thì điểm cực Nam của tỉnh - Kỳ Anh đã nhanh chân hoàn thành sớm vụ đông xuân. Bà Nguyễn Thị Thìn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Giống ngắn ngày và các trà xuân trung và xuân muộn ở vụ này chiếm tới hơn 90% diện tích, nhờ đó, từ ngày 20/5, Kỳ Anh đã bước vào mùa gặt.

Mặc dù bị cản trở bởi những ngày mưa, gây ngập cục bộ nhưng đến nay, hơn 80% diện tích đã được thu hoạch gọn. Hàng ngàn chiếc máy làm đất đã phát huy hết công suất để gặt xong là chuẩn bị sẵn sàng cho vụ mới.

Từ ngày 30-5, một số xã như Kỳ Bắc, Kỳ Tiến, Kỳ Giang đã bắt đầu xuống giống vụ hè thu. Tiến độ đảm bảo, cộng với bộ giống ngắn ngày chiếm tới 70-80%, nông dân Kỳ Anh đang dồn sức để thu hoạch hè thu trước mốc 15-9.

Rộn rã mùa gặt

Các ruộng mạ ở xã Song Lộc (Can Lộc) đã vào giai đoạn nhổ cấy

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến nay, gần 30% diện tích lúa đông xuân trên toàn tỉnh đã được thu hoạch, tập trung tại các địa phương như: Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Can Lộc... Ngoài đồng, còn có khoảng 39.000 ha lúa đông xuân đang hối thúc người nông dân thu hoạch nhanh gọn để khẩn trương bước vào vụ sản xuất mới.

Cuộc chạy đua với thời vụ đang bước vào giai đoạn nước rút. Giọt giọt mồ hôi đang rơi trên những cánh đồng lúa vàng chín rực, trên những góc mạ non tươi mới sắc xanh. Khói bếp nhà ai đã thơm mùi rơm mới…

Báo Hà Tĩnh online

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập247
  • Hôm nay40,791
  • Tháng hiện tại816,069
  • Tổng lượt truy cập91,989,798
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây