Học tập đạo đức HCM

Tân Kỳ vững bước xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 18/04/2013 23:45
Là huyện miền núi nghèo thuộc miền Tây Nghệ An, nhờ biết khai thác khéo léo ưu đãi từ thiên nhiên cùng chính sách đầu tư của tỉnh nhà mà những năm gần đây, bộ mặt nông thôn Tân Kỳ ngày càng khởi sắc. Góp phần tạo nên diện mạo mới ấy không thể không nhắc tới sự phát triển đồng bộ và nổi trội của lĩnh vực nông nghiệp.

Nông nghiệp chuyển dịch tích cực

Theo báo cáo phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Kỳ, những năm gần đây, cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn đã có sự chuyển dịch tích cực, không chỉ trong cơ cấu ngành mà còn có chuyển biến rõ rệt trong nội bộ các ngành, thể hiện rõ nét qua việc tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi gắn với nhu cầu của thị trường tiêu thụ. 

Chúng tôi về xóm Đồng Tâm, xã Nghĩa Hoàn đúng dịp bà con đang tập trung thu hoạch nốt diện tích mía còn lại. Mặc dù công việc vất vả nhưng ai nấy đều phấn khởi bởi năng suất mía đạt cao. Trước đây, cũng trên diện tích này, bà con gieo cấy 2 vụ lúa nhưng do địa hình thấp trũng, lại không chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất rất bấp bênh, tình trạng mất mùa liên tiếp xảy ra. Năm 2010, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, Ban cán sự xóm đã vận động bà con chuyển đổi 16ha lúa kém hiệu quả sang trồng mía. Năm nay, do thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất của nhiều loại cây trồng nhưng nhờ làm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên cây mía vẫn phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 80 - 100 tấn/ha, đem lại nguồn thu nhập khá cho nông dân.

Cùng với Nghĩa Hoàn, các xã Nghĩa Đồng, Giai Xuân, Tân Xuân đều là những địa phương tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với diện tích chuyển đổi lên tới hàng trăm hecta, trong đó có nhiều diện tích đạt mức thu nhập 80 - 100 triệu đồng/ha/năm (trước đây chỉ đạt 50 – 60 triệu đồng/ha/năm). Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã lan rộng ra các xã vùng sâu, vùng xa như Tân Hợp, Tiên Kỳ, Đồng Văn, nâng tổng diện tích chuyển đổi sang trồng mía của toàn huyện đạt hơn 853ha.

Ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ cho biết thêm: “Thực hiện chương trình phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp, những năm qua, huyện đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu là chuyển đổi diện tích trồng lúa 1 vụ sang trồng mía và chuyển đổi khoảng 200ha đất trồng ngô, lạc kém hiệu quả sang trồng mía và dưa hấu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa vào sản xuất thử nghiệm các giống cây trồng mới như ngô DK9901, CP333, CP188..., nhằm nâng cao thu nhập cho người dân”.

Bên cạnh việc đầu tư thử nghiệm nhiều giống cây trồng mới, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, huyện cũng chú trọng tới công tác hỗ trợ trồng trọt, cung ứng vật tư phân bón, khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật... Cứ đầu mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp huyện lại tổ chức hội nghị triển khai công tác bảo vệ thực vật, hướng dẫn cụ thể cho bà con phương pháp phòng trừ sâu bệnh. Trong đó phải kể đến mô hình ươm giống cây trồng cấp 2 tại xã Tân Hương, quy mô 5.000m2, với sự tham gia của 22 hộ nông dân; mô hình trồng keo lai; nuôi cá lồng trên hồ đập tại 3 xã Tân Xuân, Hương Sơn, Tân Hương...

Với diện tích đất lâm nghiệp khoảng 37.864ha, Tân Kỳ đã sớm quan tâm đến công tác định canh, định cư gắn với việc giao đất khoán rừng theo Nghị định 163/CP của Chính phủ, tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất lâu dài, góp phần xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu trên chính quê hương mình, cũng như góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương. 

Chú trọng khâu chế biến nông sản

Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, Tân Kỳ đặc biệt chú trọng tới việc khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, nhằm tạo đầu ra thuận lợi cho nông dân. Theo đó, trên địa bàn đã và đang có nhiều nhà máy hoạt động hiệu quả như Nhà máy Đường Sông Con, công suất thiết kế 2.500 tấn/ngày, sản lượng 32.500 tấn; xưởng chế biến cao su với công suất 3.000 tấn/năm của Công ty TNHH một thành viên Sông Con và xưởng chế biến công suất 20 tấn/ngày của Công ty TNHH một thành viên An Ngãi. Ngoài ra, huyện còn đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại Khu công nghiệp Nghĩa Dũng, với công suất 20.200 tấn, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2015. Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp chế biến không những tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản mà còn góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 17 HTX với 13 HTX sản xuất nông nghiệp, 4 HTX dịch vụ nông nghiệp, trong đó có 12 HTX đã thực hiện chuyển đổi và hoạt động khá hiệu quả.

Địa hình tự nhiên của Tân Kỳ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế trang trại, nhất là trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn huyện có 263 trang trại, diện tích sử dụng 1.945ha, bình quân 7,4ha/trang trại. Tổng vốn đầu tư của các trang trại đạt hơn 24,8 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 500 lao động địa phương.

Nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất và chất lượng cây trồng, huyện Tân Kỳ đã xây dựng hệ thống thủy lợi khá đồng bộ với 128 hồ chứa nước lớn nhỏ, 4 đập dâng kiên cố, 29 trạm bơm, 281,77km kênh mương và đã bê-tông hóa được 240,72km, với trữ lượng nước trên 67 triệu mét khối. Nếu như năm 2000, năng lực tưới của hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn là 3.820ha thì đến nay đã đạt hơn 4.557ha, cơ bản đảm bảo nhu cầu nước cho diện tích lúa toàn huyện. 

Xây dựng chính sách trên cơ sở phát huy nội lực

Để bộ mặt nông thôn mới phát triển toàn diện, đồng đều hơn, nhiều chủ trương, chính sách đã được huyện Tân Kỳ ban hành và đang góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương như xây dựng đường giao thông nông thôn, hỗ trợ xây dựng công trình phúc lợi tại các xã nghèo, cho vay vốn và hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các hộ nghèo, phát triển làng nghề...

Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp đến năm 2020 với những mục tiêu cụ thể, gồm: chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh cao; hình thành các vùng chuyên canh tập trung có năng suất cao, gắn với phát triển công nghiệp chế biến; mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh trong tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. 

Trên cơ sở áp dụng tiến bộ kỹ thuật, huyện sẽ hình thành một số vùng cây công nghiệp tập trung với quy mô lớn, đặc biệt là cao su, mía nguyên liệu, dứa, cam...

Huyện cũng chú trọng đưa chăn nuôi trở thành ngành chính, bằng cách đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, dê, lợn, chú trọng phát triển đàn gia cầm; phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, bảo vệ, khoanh nuôi, trồng mới và khai thác tài nguyên rừng hợp lý, sử dụng có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp, gắn khai thác với chế biến lâm sản, tăng hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; phát triển nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý trên cơ sở hệ thống diện tích hồ đập, mặt nước hiện có, chú trọng giải pháp nuôi xen vụ 3 để tăng diện tích nuôi trồng, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế...

Trong không khí tất bật chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập huyện, ông Phạm Văn Hoá, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ chia sẻ: “Từ huyện thuần nông, những năm gần đây, Tân Kỳ đã nỗ lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xúc tiến thương mại, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án, khai thác tiềm năng của huyện như du lịch, vật liệu xây dựng, trồng rừng, phát triển cây cao su, mía... Nhìn lại chặng đường đã qua, Tân Kỳ có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được, đồng thời có thêm động lực để vững bước xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp, quyết tâm xây dựng Tân Kỳ thành một trung tâm công nghiệp ở khu vực miền Tây Nghệ An”.

 

Năm 2012, thực hiện chủ trương của tỉnh Nghệ An về chương trình xây dựng nông thôn mới, Tân Kỳ đã cấp 2.908 tấn xi măng làm 14km đường giao thông ở hai xã Tân An và Nghĩa Dũng.

Trong 2 năm 2011-2012, Tân Kỳ đã xây dựng được 28,4km đường liên xã, tu sửa 145km đường thôn, 6km đường nội đồng. Nhân dân hiến hơn 110.000m2 đất để làm đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi theo tiêu chí nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng hỗ trợ phát triển sản xuất chuyển đổi ngành nghề nông thôn cho 5 xã Tân An, Nghĩa Bình, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Dũng.

 

Sỹ Tân
Theo kinhtenongthon.com.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập557
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại863,008
  • Tổng lượt truy cập92,036,737
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây