Học tập đạo đức HCM

Thực hiện việc hiếu văn minh góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 20/08/2012 20:32
Trong khi nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô còn duy trì nhiều hủ tục rườm rà, nhiêu khê trong việc tổ chức việc tang, thì tại một số địa phương ở huyện Ðông Anh, Từ Liêm và thị xã Sơn Tây, mô hình tổ chức việc tang văn minh đã được triển khai thực hiện từ bốn năm nay, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Ðây là những mô hình cần được nhân rộng, góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô.
Vượt qua "rào cản"

Lâu nay, ở một số huyện ngoại thành của Thủ đô, việc tổ chức tang ma khá rình rang, tốn kém. Nhiều gia đình khi người thân nằm xuống, tổ chức hàng trăm mâm cỗ ăn uống trong ba ngày liền. Nhà có điều kiện kinh tế đã đành. Nhà khó khăn, túng bấn càng khổ sở vì phải vay mượn khắp nơi, vì nếu không theo lệ làng, thì sợ làng xóm đàm tiếu, mà nếu làm như vậy, sau tang ma của người thân, con cháu trong gia đình ra sức "kéo cày trả nợ". Bởi thế, nhiều năm nay những hủ tục trong tang ma cứ kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhiều cán bộ văn hóa ở các địa phương thừa nhận thực tế, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc tang luôn là việc rất khó. Bởi từ xưa đến nay, người Việt Nam luôn quan niệm "nghĩa tử là nghĩa tận".

Không chỉ làm cỗ bàn linh đình, gây tốn kém về kinh tế, việc tổ chức chôn cất theo phong tục cũ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ một cụm dân cư khoảng 2.000 hộ dân cần 1,5 ha đất làm nghĩa trang. Hà Nội hiện có khoảng 1,5 triệu hộ gia đình, như vậy sẽ cần khoảng 1.125 ha đất làm nghĩa trang. Đó là chưa kể hình thức mai táng rồi lại cải táng, rất mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Hiện những vùng sâu, vùng xa vẫn duy trì nhiều hủ tục lạc hậu, những năm gần đây, ngay tại một số phường ven đô, một số hủ tục trong tang ma có nguy cơ quay trở lại. Phường Việt Hưng, quận Long Biên là một thí dụ. Trước đây, tang lễ trên địa bàn không có việc khóc thuê. Tuy nhiên, phong trào này bắt đầu được khởi xướng từ một số gia đình có điều kiện về kinh tế, khi người thân nằm xuống đã mời phường kèn, người khóc thuê để cho người thân được "mát mẻ". Thế rồi, nhiều gia đình khác không muốn thua kém, hễ có người qua đời lại mời người đến khóc thuê...

Việc vận động người dân thực hiện việc tang văn minh đã được thành phố Hà Nội thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiệu quả hạn chế. Để đẩy mạnh công tác này, tháng 4-2012, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn thành phố. Sau khi ban hành quy định, TP Hà Nội đã triển khai một cách đồng bộ, có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội nhằm đưa những quy định này vào đời sống.

Nhân rộng mô hình mới

Sơn Đông là xã thuần nông, đông dân nhất của thị xã Sơn Tây, kinh tế kém phát triển, đời sống của người dân rất khó khăn, nhưng là địa bàn có nhiều hủ tục, nhất là việc tổ chức ma chay rình rang, tốn kém, chưa kể các hủ tục lạc hậu khác như lăn đường, bắt tà, trừ ma, rải tiền vàng dọc đường, cử nhạc hiếu từ sáng sớm đến đêm khuya... Từ năm 2008, thực hiện việc đẩy mạnh tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Đảng ủy xã đã chọn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang là trọng tâm công tác. Sau khi Đảng ủy xã ra nghị quyết, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong xã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa xây dựng quy chế cụ thể, tổ chức 100% đảng viên, hộ dân ký cam kết thực hiện... Với quyết tâm lớn và cách làm dân chủ, cho nên tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đẩy lùi hủ tục lạc hậu, tạo nên những nét văn hóa mới cho địa phương, mang lại hiệu quả to lớn về mặt kinh tế - xã hội cho địa phương.

Xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm) chọn việc làm đầu tiên khi xây dựng nông thôn mới là đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", trọng tâm là tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang. Chủ tịch UBND xã Tây Tựu Lê Văn Việt cho biết, đám tang ở Tây Tựu trước đây thường ăn cỗ từ lúc người chết bắt đầu nằm xuống tới khi đưa tiễn xong xuôi về nơi vĩnh hằng, đám nào cũng từ trăm mâm trở lên. Lệ làng bao năm qua như vậy, cứ đám sau lại to hơn đám trước, rất tốn kém, nhưng chẳng ai dám bỏ. Khi thực hiện nếp sống văn hóa trong việc tang, các gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Các tiểu ban quản lý xây dựng nông thôn mới ở các thôn có nhiệm vụ bám cơ sở, khi thấy gia đình nào có việc hiếu thì đến vận động, thuyết phục người dân thực hiện theo. Đến nay, 100% đám tang ở xã đã không tổ chức ăn uống linh đình.

Huyện Đông Anh cũng là địa bàn thực hiện tốt việc tang văn minh. Cuối năm 2008, HĐND huyện Đông Anh ban hành Nghị quyết về thực hiện "Việc tang văn minh, tiến bộ". Nghị quyết gồm bốn nội dung cụ thể: giảm ăn uống linh đình, xóa bỏ các hủ tục, quy hoạch nghĩa trang và thực hiện hỏa táng. Huyện đã tổ chức hơn 200 buổi tọa đàm về thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ cho 16.870 lượt người; phát 75 nghìn tài liệu đến từng hộ gia đình; tổ chức lấy hơn 52 nghìn lượt ý kiến... Các cán bộ, đảng viên được vận động gương mẫu thực hiện. Đồng chí Ngô Văn Quyền, Phó Chủ tịch MTTQ xã Liên Hà cho biết: Những ngày đầu, khi nghị quyết mới ban hành, không ít cán bộ và nhân dân hoài nghi về tính khả thi. Để vượt qua những quan niệm đó, thì bản thân những cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong đi đầu trong việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động. Để vận động người dân thực hiện việc hỏa táng, ngoài hỗ trợ của thành phố, huyện Đông Anh hỗ trợ hai triệu đồng, cấp xã hỗ trợ thêm từ một đến ba triệu đồng/trường hợp. Đồng thời, huyện quan tâm thực hiện quy hoạch nghĩa trang, để nghĩa trang có tường bao quanh, nhà quản trang, cây xanh, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng... Việc thực hiện mô hình mới đã giúp người dân giảm nhiều chi phí tổ chức tang ma, đồng thời loại bỏ nhiều hủ tục lạc hậu khác.

Thành phố Hà Nội đã tổ chức cho các quận, huyện khảo sát thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ tại các địa phương trên để từng bước nhân rộng mô hình này, góp phần nâng cao đời sống văn hóa người dân, thiết thực xây dựng nông thôn mới.

 


 
 
GIANG NAM
Theo Nhân dân điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập576
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại737,001
  • Tổng lượt truy cập93,114,665
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây