Thói quen xuống cơ sở ngày nghỉ...
Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà) Dương Kim Huy cho biết, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tượng Sơn được bắt đầu từ năm 2011, nhưng đến năm 2015 mới thực sự thành công. Tượng Sơn giờ trở thành một điểm cung cấp nông sản sạch cho nhiều nơi tại Hà Tĩnh. Nhờ đi theo hướng phát triển nông sản sạch, nhiều hộ gia đình ở Tượng Sơn đã có cuộc sống khấm khá, thu nhập cao. Trước đây, nơi đây chỉ trồng lúa và lạc, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 7,8 triệu đồng/năm, nhưng nay con số này đã tăng lên 36,7 triệu đồng/người/năm. Từ 65% số hộ nghèo và cận nghèo, nay Tượng Sơn chỉ còn 4% hộ nghèo.
Có được những kết quả như hôm nay, lãnh đạo ở đây đã phân công công việc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên rất rõ ràng và theo từng địa bàn. Ngoài các công việc chính, đến thứ 7 hàng tuần, đội ngũ này phải xuống lao động cùng dân. Ông Huy cũng cho biết, để Tượng Sơn có những bước đi ấn tượng hơn nữa trong đổi mới sản xuất và xây dựng nông thôn mới, xã đang đề xuất tăng cường một ngày thứ 4 xuống lao động cùng nhân dân. Vì rằng, chỉ có “xắn tay vào làm” mới tạo sự tin tưởng trong nhân dân và chính điều này cũng góp phần quan trọng tạo nên những thành công của Tượng Sơn.
Hà Tĩnh có nhiều mô hình thành công từ phong trào xây dựng nông thôn mới |
Không chỉ ở Tượng Sơn, các địa phương khác ở Hà Tĩnh cũng đều hưởng ứng phong trào “ngày thứ 7 tình nguyện”. Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh Trần Huy Oánh cho biết, “ngày thứ 7 tình nguyện” được triển khai ở tất cả các huyện, xã, thôn của Hà Tĩnh. Ban đầu, khi đề ra chương trình này, có nhiều người không hài lòng, thậm chí là phản đối, vì “bỗng dưng” phải đi làm vào ngày nghỉ, “mua việc vào thân”. Tuy nhiên, sau những kết quả hoàn toàn có thể đong đếm được, cán bộ đã đồng tình nhất trí cao với chủ trương này và tự nguyện tham gia. Đến nay, việc xuống cơ sở vào ngày nghỉ đã trở thành thói quen và là công việc đương nhiên của đội ngũ cán bộ ở Hà Tĩnh.
Những thành quả tuyệt vời
Từ một địa phương, vào năm 2010, mỗi xã chỉ đạt trung bình 3,5 tiêu chí so với chuẩn quốc gia, đến nay bình quân mỗi xã ở Hà Tĩnh đã đạt 14,4 tiêu chí. Hiện Hà Tĩnh không còn xã nào dưới 9 tiêu chí. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được trên 14 nghìn mô hình sản xất kinh doanh cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, trong những năm quyết liệt xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đã làm mới được hơn 6.000km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 1.800km kênh mương nội đồng, 1.300km đường điện, xây dựng, nâng cấp hàng trăm nhà văn hóa, khu thể thao…
Hà Tĩnh đang đặt ra mục tiêu đến năm 2020, bình quân các xã sẽ đạt 16,5 tiêu chí và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Để đạt được mục tiêu này, chắc chắn các cán bộ huyện, xã và ngành nông nghiệp, nông thôn của Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phải hành động quyết liệt hơn nữa. Và những “ngày thứ 7 tình nguyện” chính là tiếp lửa cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã