Mù Cang Chải là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của Yên Bái, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới trên 96%, chủ yếu là dân tộc Mông. Khác với suy nghĩ của chúng tôi, từ trung tâm huyện về tới các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Khắt… những con đường quanh co, dốc ngược đã được trải bê tông vào tận thôn bản. Trường học, bưu điện, trụ sở UBND xã xây dựng khang trang…
Vợ chồng anh Khanh A Chừ (bản Dê Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải) được mùa lúa vụ hai. Mạc Li
Thời điểm La Pán Tẩn - xã nghèo nhất của huyện được chọn tham gia xây dựng NTM – tỷ lệ hộ đói nghèo ở đây chiếm tới trên 90%, số hộ cần cứu đói hàng năm lên tới hơn 200. Thế nhưng với sự nỗ lực của người dân và quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đến nay La Pán Tẩn đã cơ bản hoàn thành 7/19 tiêu chí. Ông Hảng Sáy Chông – Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho hay: “Trước đây, người dân chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nay bà con đã trở thành chủ thể, tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng rất nhiệt tình. Trong gần 3 năm triển khai xây dựng NTM, nguồn lực của Nhà nước và các nguồn vốn của nhiều chương trình, dự án của Chính phủ đầu tư vào địa phương cả chục tỷ đồng, thì sức dân đóng góp cho công cuộc kiến thiết NTM cũng tương đương bằng ấy”.
Thay đổi tư duy sản xuất
Triển khai xây dựng NTM, Mù Cang Chải đã mở mới được 41,6km đường liên thôn, bản, bê tông hóa được 2km, giúp việc làm ăn của người dân thuận lợi hơn. Mùa táo mèo vừa qua, gia đình ông Hảng Súa Già ở xã La Pán Tẩn thu được gần 200 triệu đồng, ngay từ đầu vụ đã có thương lái đến tận nhà đặt mua cả đồi táo. “Đường đi thuận lợi, giá cả ổn định nên mình không phải lo đi chợ bán như những năm trước. Người Mông mình từ trước đến nay chỉ chờ tới mùa rồi lên hái táo rừng, được bao nhiêu bán bấy nhiêu, nhưng giờ đã biết trồng, bón phân để cây ra nhiều quả hơn, chất lượng tốt hơn” - ông Già chia sẻ.
Theo ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, từ khi triển khai xây dựng NTM, thành công lớn nhất là đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đã dần dần thay đổi tư duy sản xuất, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã được chuyển giao, ứng dụng, theo đó một số hộ đã xây dựng mô hình và làm trang trại chăn nuôi lợn địa phương, gà đen có giá trị kinh tế cao. Nhiều gương thanh niên điển hình tiên tiến như mô hình nuôi ong của Giàng A Vàng ở xã Dế Xu Phình; Sùng A Gâu, xã Mồ Dề; Giàng A Khay, Nguyễn Văn Toản ở xã Púng Luông; hay mô hình nuôi gà của Hờ A Sùng xã Chế Cu Nha…
“Trong những tháng cuối năm và cho năm 2015, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc để góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức tự giác, chủ động, có trách nhiệm cao trong xây dựng NTM. Người dân phải thể hiện rõ hơn vai trò chủ thể của mình, làm vì mình, mình hưởng lợi và có trách nhiệm với quê hương, xã hội” - ông Khang cho biết.