Khi về Xuân Phú, tình cờ tôi gặp một đoàn gồm đại diện nhiều cơ quan chức năng, huyện, xã ở tỉnh Bình Dương sang tham quan mô hình xây dựng NTM ở Xuân Phú. Theo đoàn này đi thực tế một số công trình cơ sở hạ tầng mới được xây dựng ở Xuân Phú trong mấy năm qua, tôi đã nghe được nhiều lời tấm tắc khen ngợi, nào là đường sá làm tốt quá, nhà văn hóa các ấp đều khang trang, rộng rãi …
Đây không phải là những lời khen mang tính ngoại giao, đãi bôi, bởi chỉ cần chạy xe qua những con đường trải nhựa phẳng phiu, hoặc được rải sỏi sạch sẽ, nhìn vào nhà cửa và những công trình hai bên đường, ta dễ dàng thấy một Xuân Phú rất khác, trù phú hơn hẳn so với trước đây.
Trồng bắp trên đất lúa để nâng cao thu nhập ở ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú
Chị Phụng, nông dân ấp Bình Hòa, tâm sự: “Trước đây, đường sá trong xã xấu lắm, phần lớn là những con đường lầy lội vào mùa mưa. Bây giờ trời có mưa mấy cũng không ngại vì đường sá đều được làm hết trơn rồi”.
Nhưng hệ thống đường sá sạch sẽ, “ngon lành” hay các công trình công cộng khang trang mới được xây dựng, chưa hẳn là những thứ mà người dân Xuân Phú thấy vui nhất. Mà niềm vui lớn nhất đối với họ là thu nhập giờ đây đã cao hơn hẳn so với 4-5 năm trước, cái thời mà xã Xuân Phú còn thuộc vào diện nghèo khó của huyện Xuân Lộc.
Nói về chuyện nghèo của Xuân Phú trước đây, ông Nguyễn Trọng Quang, Bí thư Đảng ủy xã, bảo: “Xuân Phú gần như không có đất trồng cây công nghiệp, cây ăn trái, mà chỉ có đất trồng lúa. Vì thế, thu nhập của nông dân thua xa so với nhiều xã khác trong huyện”. Năm 2008, khi khảo sát đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thu nhập bình quân đầu người ở Xuân Phú hãy còn khá thấp là 11,919 triệu đ/người/năm.
Với xuất phát điểm thấp như thế, để có thể hoàn thành được công cuộc xây dựng NTM, ban lãnh đạo xã Xuân Phú đã phải mất nhiều thời gian, suy nghĩ, bàn bạc tìm ra những giải pháp mang tính đột phá. Cuối cùng, xã đã thống nhất phải tập trung ngay vào việc nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.
Bởi khi thu nhập của người dân được nâng cao, kinh tế toàn xã phát triển, các hộ trong xã sẽ dẫn dàng hơn trong việc đóng góp sức người, sức của để thực hiện những tiêu chí khác trong xây dựng NTM. Mà để nâng cao thu nhập, cách tốt nhất là phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Đoàn đại biểu đến từ Bình Dương tham quan các công trình văn hóa công cộng
ở Xuân Phú
Thực ra, không phải đến khi xây dựng NTM, Xuân Phú mới bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu câu trồng, mà việc này đã được làm từ trước đó. Nhưng với yêu cầu cấp thiết cho công cuộc xây dựng NTM, chính quyền xã Xuân Phú đã tổ chức chuyển đổi quyết liệt cơ cấu cây trồng trên địa bàn theo hướng giảm mạnh sản xuất lúa.
Và cây bắp đã được chính quyền cũng như người trồng lúa ở Xuân Phú tin tưởng, “giao phó” cho sứ mạng này. Khi ấy, cây bắp đã được đưa vào trồng trên nhiều diện tích đất lúa của xã trong vụ Đông xuân và đạt hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, tất cả những diện tích lúa còn lại cũng đã được vận động chuyển sang mô hình 2 lúa + 1 bắp, hoặc 2 bắp + 1 lúa. Mô hình này đã nhanh chóng chứng minh được tính hiệu quả cao về mặt kinh tế.
Ông Trần Quang, nông dân ấp Bình Xuân 1, khẳng định “Đưa bắp vào trồng trên đất lúa trong vụ Đông xuân là một chủ trương đúng đắn. Trồng bắp trên đất lúa trong vụ Đông xuân có thể đạt hiệu quả kinh tế gấp đôi so với cây lúa. Mỗi ha bắp đạt năng suất bình quân 10-12 tấn, doanh thu lúc cao nhất đạt khoảng 70 triệu đ/ha. Còn cây lúa, năng suất bình quân 6-7 tấn/ha, doanh thu lúc cao nhất cũng chỉ đạt 30-35 triệu đ/ha”.
Ông Nguyễn Trọng Quang, nhẩm tính, vụ Đông xuân vừa rồi, giá bắp khô là 6.800 đ/kg. Một ha bắp đạt năng suất 10 tấn, thì đã có doanh thu 68 triệu đồng. Nếu là đất 2 lúa + 1 bắp, thì hai vụ lúa đạt tổng cộng khoảng 12-14 tấn/ha, tổng doanh thu từ lúa khoảng trên 40 triệu đồng. Cộng lại, những ruộng 2 lúa + 1 bắp đã có doanh thu khoảng 110 triệu đ/ha.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích lúa đã được chuyển sang trồng rau cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây. Mỗi ha rau trồng được 7-8 lứa mỗi năm, đạt doanh thu bình quân 150-200 triệu đồng. Nhờ đó, toàn bộ 3.300 ha đất sản xuất nông nghiệp ở Xuân Phú hiện đã đạt giá trị sản xuất bình quân 70 triệu đ/ha/năm trở lên. Trong đó, có 1.600 ha đạt giá trị từ 140 triệu đ/ha/năm trở lên.
Đường trục nội đồng được cứng hóa giúp xe cơ giới ra tận ruộng vận chuyển nông sản
So với giá trị sản xuất bình quân 52 triệu đ/ha/năm vào năm 2008, thì đây là một thành tích rất đáng ghi nhận. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người ở Xuân Phú đã đạt 28,8 triệu đồng, gấp 1,5 lần bình quân chung khu vực nông thôn của tỉnh Đồng Nai, và gấp 2,41 lần so với trước khi xây dựng NTM.
Cái đột phá thứ 2 của Xuân Phú là xây dựng giao thông nông thôn. Ông Quang cho hay: “Chọn giao thông nông thôn tức là chọn tiêu chí khó thực hiện nhất để tập trung thực hiện. Vì khi bắt đầu xây dựng NTM, tiêu chí giao thông nông thôn đang ở mức rất thấp, mới chỉ đạt trên 20%”.
Để làm được tiêu chí này, xã đã ban hành hẳn một cái nghị quyết riêng về giao thông nông thôn. Theo đó, xã, ấp tổ chức vận động, tuyên truyền cho nhân dân một cách thường xuyên. Tất cả các đảng ủy viên, thành viên UBND xã phải tham gia mọi cuộc họp về tuyên truyền, vận động nhân dân các ấp đóng góp làm giao thông nông thôn.
Vào các buổi tối, vào những ngày nghỉ cuối tuần, các đảng ủy viên, thành viên UBND xã phải chia nhau đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, xã còn nhờ các chức sắc tôn giáo, chức sắc trong cộng đồng dân tộc thiểu số vận động đồng bào là giáo dân hoặc dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn.
Bản thân từng đảng ủy viên, thành viên UBND xã cũng đều phải là người đi đầu ở xóm, ấp trong việc đóng góp sức người sức của để xây dựng giao thông nông thôn. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ đường trục xã, liên xã, đường trục ấp, xóm, ngõ, đường trục chính nội đồng đều đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa hoặc không còn lầy lội vào mùa mưa.
Ông Cao Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Phú, cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc giữ vững và phát huy 19 tiêu chí đã đạt được, xã tiếp tục tập trung nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, sẽ có sự đột phá nhằm nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả nhất ra toàn xã. Qua đó, tạo đà cho việc thực hiện các công tác an sinh xã hội một cách bền vững, lâu dài và thiết thực hơn. |
Với cú “hích” từ thành công của 2 đột phá nói trên, Xuân Phú đã nhanh chóng hoàn thành tất cả các tiêu chí còn lại và chỉ về đích sau xã Xuân Định (xã đầu tiên trong cả nước hoàn thành 19 tiêu chí NTM) một thời gian ngắn, trong khi xuất phát điểm của Xuân Phú thấp hơn nhiều. Sự thành công này của Xuân Phú không thể không nhắc tới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện Xuân Lộc đối với công tác xây dựng NTM ở xã này (cũng như với các xã khác đang xây dựng NTM ở huyện Xuân Lộc).
Ông Quang cho hay hầu như tuần nào lãnh đạo huyện cũng xuống kiểm tra tình hình xây dựng NTM ở xã. Nếu thấy có gì chưa ổn là nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời. Ban Xây dựng NTM của xã vì thế cũng không dám lơi là. Bởi nếu tuần trước lãnh đạo huyện xuống kiểm tra nhắc nhở điều gì đó mà tuần sau xuống vẫn thấy chưa thực hiện, thì xã sẽ bị phê bình ngay.
Để thấy được rõ hơn cái hay của một xã nghèo như Xuân Phú trong việc sớm hoàn thành xây dựng NTM, chúng tôi xin ghi ra đây ý kiến của ông Phước, Phó phòng PTNT (Chi cục Phát triển Nông thôn Đồng Nai): “Mỗi khi có đoàn khách ở các tỉnh bạn liên hệ đến tìm hiểu một mô hình xây dựng NTM ở Đồng Nai là chúng tôi lại nghĩ ngay và chỉ muốn đưa họ tới xã Xuân Phú. Vì Xuân Phú có xuất phát điểm thấp, là một xã nghèo, thuần túy nông nghiệp, lại không có các cây trồng có giá trị kinh tế lớn như cao su, cà phê ... Nhưng từ xuất phát điểm thấp như thế mà Xuân Phú đã sớm hoàn thành xây dựng NTM thì mới có nhiều cái đáng để cho những nơi khác học hỏi”.
Thanh Sơn
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;