Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về Đề án xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới (diễn ra chiều 5/5/2020)
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh tiêu biểu của cả nước về xây dựng nông thôn mới (NTM). Chúng ta tự hào là tỉnh khởi xướng xây dựng NTM bắt đầu từ năm 1999. Năm 2001, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 12/6/2001 về “Tiếp tục lãnh đạo thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và tập trung xây dựng NTM”.
Đi lên từ tỉnh nghèo, Hà Tĩnh đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; xóa nhà tranh tre dột nát; từng bước đổi mới sử dụng ruộng đất nông nghiệp; phát triển ngành nghề.
Đến năm 2005, toàn tỉnh có 8 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2010, xã Gia Phố (Hương Khê) được Trung ương chọn làm điểm xây dựng NTM trong 11 xã của cả nước.
Chánh Văn phòng NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến cùng đoàn công tác thăm mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao ở xã Yên Hồ (Đức Thọ). Ảnh tư liệu
Đến năm 2019, bình quân mỗi xã của Hà Tĩnh đạt 18,3 tiêu chí, có 2 huyện và thành phố Hà Tĩnh, 201 xã đạt chuẩn NTM, 3 huyện và thị xã Hồng Lĩnh có 100% xã đạt chuẩn; toàn tỉnh có 428 khu dân cư kiểu mẫu; tỉnh Hà Tĩnh được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Kết quả đạt được thể hiện năng lực lãnh đạo, sự nỗ lực, sáng tạo của toàn Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà.
Tuy vậy, khi bàn về nội dung này như một nội dung quan trọng trong đại hội Đảng các cấp, cần nhìn nhận từ thực tế, từ kết quả cũng như những tồn tại để tiếp tục đề ra mục tiêu và phương hướng, phương châm phù hợp cho nhiệm kỳ tới với quyết tâm đưa tỉnh nhà đạt chuẩn tỉnh NTM vào năm 2025.
Đến nay, bộ mặt nông thôn thật sự khởi sắc, Nhân dân phấn khởi, tin tưởng. Song, vấn đề đặt ra là nguồn thu từ phát triển kinh tế ở địa phương thế nào; lao động, việc làm, đất đai và các thế mạnh đã khai thác hết chưa. Cho nên vấn đề đặt ra là cần tổ chức lại sản xuất thế nào cho phù hợp để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Tượng Sơn (Thạch Hà) - về làng ngỡ phố.
Nên chăng cần quan tâm đến vấn đề hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Vận động, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn dưới hình thức hợp tác với nông dân (hợp tác về đất đai, lao động, kỹ thuật, vốn...).
Cần quan tâm đến tổ chức hợp tác xã kiểu mới để gắn kết được chuỗi sản xuất “đầu vào” đến “đầu ra”, kết nối các khâu: vốn, kỹ thuật, lao động, đất đai, vật tư, sản phẩm… để sản xuất ra nông sản hàng hóa. Từ đó, mở rộng các ngành nghề; gắn thương mại với du lịch ở địa bàn nông thôn rộng lớn và cởi mở…
Vấn đề cần quan tâm nữa là gìn giữ truyền thống và nét đẹp văn hóa nông thôn gắn với du nhập cái mới. Xây dựng NTM làm sao để nông thôn đi lên theo hướng văn minh mà vẫn giữ được bản sắc.
Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, cần tiếp thu, phát huy những yếu tố hiện đại của văn hóa đô thị du nhập vào nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn cần được cải thiện và nâng lên cùng với toàn xã hội, nhưng không phải vì thế mà làm mai một đi những nét văn hóa riêng có, những thuần phong, mỹ tục lâu đời, bản sắc văn hóa từng vùng quê…
Cổng làng Hạ (xã Đức Hòa, nay là xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ) được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại.
Thiết nghĩ, trong quá trình xây dựng NTM càng phát triển đi lên càng cần phải quan tâm đến chiều sâu nét đẹp của văn hóa nông thôn. Nếu làm tốt thì đây cũng là “đặc sản” để đón khách du lịch.
Vấn đề cần lưu ý nữa, đó là xây dựng NTM phải đặt người dân ở vị trí chủ thể, phải tự bản thân nông thôn và từng hộ, từng người dân được dân chủ bàn bạc khi tiếp nhận những nguồn lực một cách phù hợp với nhu cầu và đặc điểm từng vùng quê.
Sự phát triển không đồng đều, quá trình phát triển xuất hiện những vấn đề cần kịp thời phát hiện để bổ cứu là điều tất nhiên. Điều cốt yếu là ở chỗ là thái độ nhìn nhận và mức độ bổ cứu đến đâu. Điều này qua đại hội Đảng cần được thảo luận với tinh thần trách nhiệm cao, thực sự thẳng thắn, khách quan và cầu thị.
Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh nông thôn mới.
Xây dựng NTM là chủ trương vì dân và do dân làm, dân hưởng thụ, vì vậy cần có bước đi phù hợp.
Đại hội đảng bộ các cấp ở Hà Tĩnh cần rà soát thật kỹ các tiêu chí đã đạt được, tiếp tục có quyết tâm cao trong việc tiếp tục thực hiện các tiêu chí phù hợp hơn, ở mức cao hơn nhằm đạt được sự phát triển một cách hài hòa, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, Hà Tĩnh thực sự trở thành tỉnh NTM.
Theo Đặng Duy Báu/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;