Sở dĩ người dân đặt tên là mật ong Hương Bưởi bởi đây là vùng trồng bưởi Phúc Trạch nổi tiếng của đất Hương Khê, Hà Tĩnh. Vào mùa hoa bưởi đơm bông, ong tha hồ lấy mật. Ngoài hoa buởi, ong còn lấy mật từ các loài hoa khác trên rừng núi Hương Khê để tạo nên nguồn mật dồi dào. Câu chuyện tạo mật ấy diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8, thời điểm này là lúc đàn ong sinh trưởng, dưỡng đàn.
Công việc mỗi ngày của ông Dương Hữu Thọ (thôn Tân Phúc, xã Hương Trạch, Hương Khê) là đưa đàn ong đi tìm kiếm thức ăn để tăng đàn. Cứ sáng sớm, ông Thọ dùng xe kéo đưa 100 đàn ong ra bãi ngô để tìm kiếm thức ăn và đến chập tối thì ra đưa ong về. Ông Thọ cho biết: Nhờ ăn hoa ngô mà ong sinh trưởng rất nhanh. Đây là thời điểm “dưỡng”, lấy đủ quân (ong) để đi lấy mật nên người nuôi ong phải chăm chút từng "bừa ăn, giấc ngủ" cho chúng.
Việc đi tìm kiếm thức ăn của cả đàn được dẫn dắt bởi ong chúa. Mỗi một đàn có một con ong chúa. Ong chúa to hơn hẳn ong thợ và có màu đậm hơn, làm nhiệm vụ sinh sản và điều hành toàn bộ tổ. Việc giao phối của ong chúa được thực hiện ngay từ khi người nuôi tạo xong ong. Sau lần đó, ong chúa không bao giờ ra khỏi tổ, trừ khi nó chết. Nếu ong chúa ra khỏi tổ, toàn bộ đàn ong cũng sẽ bay theo. “Để tránh việc trùng huyết thống làm giảm chất lượng đàn, ong chúa sẽ được thay mỗi năm một lần. Ong chúa được mua từ Đắk Lắk về, mỗi con có giá 5 triệu đồng” - ông Đoàn Xuân Hoan, thành viên HTX Mật ong Hương Bưởi cho biết.
Một con ong chúa phối giống từ 5 - 10 con một lúc, phối 1 lần và sinh sản cả đời. Chu kỳ sinh trưởng của 1 con ong thợ kéo dài từ 45 - 60 ngày tuổi. Trong đó, từ 20 - 60 ngày tuổi là thời gian ong thợ đi lấy mật.
Có 4 mùa khai thác mật ong, tùy theo từng loài cây có trong thiên nhiên. Trong đó, từ tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm chính vụ để người nuôi ong thu hoạch "quả ngọt".
Với nguồn mật thơm ngon, chất lượng, người nuôi ong ở xã Hương Trạch không phải lo lắng cho đầu ra của sản phẩm. Mật ong làm ra đến đâu đều được thu mua đến đó.
Đặc biệt, thương lái tìm đến tận nơi để lấy mật, bà con không phải chịu chi phí vận chuyển. Mật ong thời điểm ra tết được thương lái Đắk Lắk thu mua với giá 110.000 đồng/kg.
Tại Hương Trạch, hiện có hàng chục hộ dân nuôi ong lấy mật. HTX Mật ong Hương Bưởi sản xuất hơn 15 tấn mật mỗi năm. Ngoài bán mật, HTX còn cung cấp sữa ong chúa, phấn hoa. Như năm 2017, doang thu của HTX đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Theo đó, mỗi thành viên HTX thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Theo Phan Trâm - Thu Phương/Bao Ha Tinh.vn