Niềm vui của người nông dân mùa lúa trổ.
Lúa hè thu ngắn ngày nên kể từ khi xuống giống, chưa đầy 2 tháng đã bước vào thời kỳ trổ bông, ngậm sữa. Từ ngày lúa đơm bông cho đến kỳ thu hoạch, với hàng loạt thao tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đối phó với thiên tai, nhiều nông dân đã trở thành những kỹ sư trên cánh đồng.
Ông Nguyễn Liệu, người có gần 2 mẫu ruộng ở xã Mỹ Lộc (Can Lộc) chia sẻ: “Lúa đến kỳ trổ bông, tuyệt đối không để ruộng khô hạn làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dưỡng chất và thụ phấn. Kinh nghiệm cho thấy, lúc lúa chuyển màu vàng tranh, chóp lá thắt eo, lá so le chính là thời kỳ quyết định số hạt/bông, vì vậy, đây là thời điểm bón đón đòng tốt nhất. Làm nông mà không thường xuyên bám ruộng, không tỷ mẩn với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lúa để chăm sóc, thì đừng mong đồng ruộng của mình bội thu”.
Còn với chị Nguyễn Thị Cúc (xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh), không phải năm nào cũng được như năm nay, lúa hè thu vào kỳ trổ bông mà không hề lo hạn hán. Nước mát đầy đồng, gần chục sào lúa của gia đình thỏa sức bung trổ. Những năm gần đây, ý thức của bà con về sản xuất hữu cơ đã được nâng lên, phân bón hóa học được hạn chế, thay bằng bổ sung nguồn phân chuồng, phân vi sinh. Vì vậy, lúa luôn được mùa, ruộng thêm nhiều mùn, giàu dinh dưỡng mà người dân cũng giảm nỗi lo ô nhiễm môi trường sinh thái.
“Mặc dù nước đủ, phân no, nhưng để yên tâm trước dịch sâu bệnh phá hại, ngày nào tôi cũng có mặt trên đồng để thăm lúa, kịp thời phát hiện và phòng trừ; kết hợp phát quang bờ, vệ sinh đồng ruộng, với hy vọng được một vụ hè thu ăn chắc”.
Bài học về một vụ xuân thất bát do bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa Thiên ưu 8, đã và đang cảnh tỉnh ngành nông nghiệp, các cấp chính quyền và mỗi người dân về tính trách nhiệm, sự chủ động, cảnh giác và tích cực trong theo dõi, kiểm tra và tổ chức phòng trừ. Sau nhiều đợt đối phó với dịch sâu cuốn lá ở giai đoạn lúa “thời kỳ con gái”, vào kỳ lúa ngậm đòng và trổ bông, đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh tấn công cùng lúc như: Sâu cuốn lá lứa 3, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn và bạc lá phá hại.
Những ngày này, không khó để bắt gặp lãnh đạo ngành nông nghiệp, cán bộ phụ trách bảo vệ thực vật và cán bộ địa phương rong ruổi trên các cánh đồng để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và cùng bà con nông dân quyết tâm bảo vệ thành quả sản xuất. Vì vậy, hầu hết các diện tích lúa bị nhiễm bệnh đều đã được phun trừ, khống chế. Bà Nguyễn Thị Thủy (xã Thạch Thanh, Thạch Hà) làm 5 sào ruộng, thì cả 5 đều bị “dính” sâu bệnh.
“Nghe thông tin bùng phát các loại sâu bệnh, đi kiểm tra thấy lúa của mình đã bị nhiễm với mật độ lớn, đầu tiên tôi rất lo. Song sau khi tiến hành phun phòng trừ theo hướng dẫn, tư vấn của cán bộ khuyến nông xã và huyện, sâu bệnh đã được khống chế hoàn toàn. Lúa đã trở lại xanh tốt và trổ bông trong điều kiện sạch bệnh”.
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng mẫu lớn của thôn Đông Nam Lộ, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên). Vụ hè thu này, 50 ha đất sản xuất ở đây đã được phá bỏ hệ thống bờ. Không còn ngăn cách bởi bờ vùng, bờ thửa như trước, cả cánh đồng lúa trải dài tít tắp; những bông lúa ngậm sữa bắt đầu uốn câu. Trong thoang thoảng hương lúa mới, nghe như mùa gặt đang gõ cửa.
Trưởng thôn Đông Nam Lộ - Dương Văn Nhân bày tỏ: “Cũng tại cánh đồng này, sự cố mất mùa trên giống lúa Thiên ưu 8 đã từng ám ảnh bà con. Vượt lên sự hụt hẫng, xót xa, người dân ở đây tiếp tục bắt tay sản xuất với niềm tin và hy vọng về một vụ mùa bội thu. Việc thăm đồng, chăm bón lúa cũng đặt ra cao hơn. Vụ hè thu này, mặc dù gặp không ít khó khăn, đặc biệt là sâu bệnh phá hại nhiều, nhưng nhờ tích cực và chủ động phòng trừ, lúa vẫn đảm bảo phát triển tốt qua các giai đoạn, đặc biệt là tại thời điểm làm đòng, trổ bông.
Tỷ mẩn vạch từng thân lúa kiểm tra sâu bệnh, bà Nguyễn Thị Đào cho biết: “So với mọi năm, vụ hè thu này, lúa trổ đều và đẹp hơn. Theo kinh nghiệm, thì có thể nói đến thời điểm này, gần như không còn lo sâu bệnh nữa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không chủ quan, bởi biết thiên tai, lũ lụt có thể ập đến bất cứ lúc nào. Mỗi lần ra thăm đồng, tôi lại bấm đốt ngón tay, chỉ khoảng hơn nửa tháng nữa là cả thôn chúng tôi bắt đầu thu hoạch”.
Khác biệt nhiều vùng miền, với bà con vùng ngoài đê huyện Đức Thọ, đến thời điểm này, lúa hè thu đã bắt đầu quằm bông và bước vào giai đoạn chín sáp nhờ những nỗ lực, giải pháp né tránh thiên tai. Sử dụng giống ngắn ngày, gieo cấy sớm (trước khung lịch thời vụ) luôn là phương châm sản xuất bất di bất dịch của vùng rốn lũ.
“Nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất” - người dân vùng ngoài đê huyện Đức Thọ đã và đang biến những khó khăn, bất lợi của đặc trưng vùng miền trở thành tiềm năng, lợi thế để tổ chức sản xuất, đem lại những vụ mùa bội thu. Hàng trăm ha lúa ở 7 xã ngoài đê sắp được “về nhà” trước khi lũ đến.
Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Đức La - Nguyễn Xuân Linh cho biết: “Chỉ trong 1 tuần tới, toàn bộ 95 ha lúa của xã sẽ được thu hoạch gọn. Mong trời yên, biển lặng để lúa vào sập, rơm lên chạn an toàn. Người dân vùng lũ sẽ bảo toàn được thành quả của mồ hôi, nước mắt”.
Theo Mai Thủy/Hà Tĩnh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;