Vườn mẫu ở thôn Tân An, xã Cẩm Bình cho thu nhập khá
Không ít người dân Cẩm Bình phàn nàn với ông Trần Hữu Quý lúc còn đương chức Bí thư Đảng ủy xã rằng: Để tiếp cận vay vốn từ các ngân hàng, họ phải mất rất nhiều thời gian, thủ tục. Đó là chưa nói tới chuyện họ phải “mặc định” về tài sản thế chấp và đi lại xa xôi, vất vả.
Sau khi nghỉ hưu, ông Trần Hữu Quý đã đề xuất với địa phương nhận làm quản lý điều hành Quỹ Tín dụng nhân dân Cẩm Bình. Đây là một công việc hoàn toàn mới mẻ và cũng là thách thức lớn đối với ông, vì quỹ tín dụng địa phương đã có từ xưa, nhưng hoạt động không hiệu quả.
Trước đây, người dân không tin vào phương thức quản lý của quỹ, vì bộ máy cũ vừa non yếu về nghiệp vụ, vừa mang tính thụ động... Khi dân không tin, dĩ nhiên, không có người gửi tiền vào quỹ tín dụng xã, không có vốn thì dân muốn vay cũng đành “bó tay”.
Ông Quý luôn nỗ lực trong việc xây dựng quỹ tín dụng mới. Điều thuận lợi là nhân dân Cẩm Bình rất tin tưởng ông về năng lực quản lý, lòng say mê, nhiệt huyết, sự trải nghiệm thực tiễn của một cán bộ đã có hơn 40 năm cống hiến cho địa phương.
Tháng 5/2013, năm khởi đầu hoạt động quỹ tín dụng đã tập hợp được 200 thành viên tham gia. Năm 2014, tăng lên 470 thành viên, đến năm 2016 là 780 thành viên. Để quỹ tăng trưởng vốn, tạo thuận lợi cho người vay và người gửi, Giám đốc điều hành Trần Hữu Quý đã tiến hành chấn chỉnh và xây dựng kế hoạch chi tiết.
Quy chế đầu tiên đã được tập thể thống nhất là: “Các thành viên tham gia phải có đơn xin gia nhập, góp vốn xác lập thành viên tối thiểu 300.000 đồng. Hàng năm, mỗi thành viên phải nộp 100.000 đồng để duy trì đội ngũ. Quỹ tín dụng chỉ cho các thành viên vay, không được phép cho vay ngoài. Quỹ huy động từ đồng tiền nhàn rỗi trong nhân dân để phục vụ cho vay đối với các thành viên”.
Với tư duy năng động và luôn “đi tắt đón đầu”, nên bộ máy của Quỹ Tín dụng Cẩm Bình đã được trẻ hóa. Những người nhiều tuổi, sức khỏe và năng lực yếu đều phải “nhường sân” cho lớp trẻ có trình độ cao đẳng và đại học, được bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm. Hiện nay, 5 nhân viên của Quỹ Tín dụng Cẩm Bình đều được cấp chứng chỉ nghiệp vụ tín dụng ngân hàng.
Nhờ tạo được chữ tín nên Quỹ Tín dụng Cẩm Bình hiện nay đã có thương hiệu, được cấp trên đánh giá là một trong những quỹ tín dụng cấp xã hoạt động có hiệu quả nhất khu vực miền Trung. Ông Trần Hữu Đỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết: Năm 2013 (năm đầu tiên trong hoạt động tín dụng), nguồn vốn mới ở mức 7 tỷ đồng, nhưng bước sang năm 2014, đã huy động từ tiền gửi trong dân lên tới 14,5 tỷ đồng. Năm 2015, tăng lên 22,8 tỷ đồng, đến tháng 8/2016, số vốn tăng lên 25,8 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng năm 2015 là 22 tỷ đồng, 8 tháng năm 2016 là 23,5 tỷ đồng. Các thành viên tham gia vay vốn chủ yếu phục vụ cho các đối tượng sản xuất lương thực, chăn nuôi, dịch vụ - thương mại, xuất khẩu lao động.
Qua 4 năm hoạt động, Quỹ Tín dụng Cẩm Bình đã trở thành “đòn bẩy” kích thích hàng trăm hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả cao. Hàng chục hộ ở nhiều thôn, nhờ có vốn nên đã nhạy bén trong chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, thu lãi hàng năm từ 35-50 triệu đồng.
Được biết, người dân Cẩm Bình rất cần cù và sáng tạo trong lao động, sản xuất, vay, trả đúng hạn nên quỹ tín dụng luôn đồng hành cùng họ.
Theo Phan Thế Cải/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;