Để khống chế dịch, huyện đã cấp về các xã, thị trấn 1.500 lít hóa chất; phân bổ 13.300 liều vắc-xin tai xanh cho 8 xã thuộc vùng có dịch và bị uy hiếp (trong đó đã tiêm được 9.585 con lợn).
Hàng chục con lợn bị bệnh, chết từ nhiều ngày nay nhưng chốt kiểm dịch này mới được lập lên cách đây vài ngày. |
Bên cạnh những biện pháp chuyên môn, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc khống chế dịch. Ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chủ trương của huyện bây giờ là bám sát từng li, một mặt chỉ đạo xã bao vây, tiêu hủy triệt để số lợn mắc bệnh; đồng thời lập chốt cấm vận chuyển, buôn bán lợn trong vùng dich, tăng cường phun tiêu độc khử trùng và tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người chăn nuôi. Huyện đã chỉ đạo tất cả các xã có dịch phải tuyên truyền trên loa phóng thanh về diễn biến dịch; công khai cơ chế, chính sách hỗ trợ và kêu gọi sự tự giác báo dịch của hộ nuôi. Nhờ vậy, hạn chế phần nào tự tẩu tán lợn hoặc vứt xác bừa bãi ra môi trường”. Cũng theo ông Duyệt, tỷ lệ tiêm phòng đợt I/2013 đạt thấp. Thêm vào đó, không ít xã năng lực cán bộ địa phương không đồng bộ, khả năng nhận định tình hình kém, thụ động...
1 trong 5 con lợn nái còn lại của gia đình chị Nguyệt, hiện bị liệt hai chân và táo bón |
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì Cẩm Hòa có vẻ như đang… “hụt hơi” trong cuộc chạy đua chống dịch. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Phú Hòa) rầu rĩ cho biết: Gia đình chị có 5 con lợn nái, mỗi con khoảng 1,5 tạ. Ngày 29 tết vừa rồi, có 1 con bị ốm, sau đó lần lượt, khoảng vài chục ngày sau thì cả 5 con đều có triệu chứng giống nhau: liệt chân sau, táo bón, đi ngoài, đẻ non và bỏ ăn… Sau khi điều trị khoảng 10 ngày không khỏi, chị đã báo cáo với thôn. Chị thật thà: “Sau khi cố điều trị không khỏi, tôi đã bán chạy được 2 con, giá 2 triệu đồng. Hai con khác bị chết nên gia đình tự đưa đi chôn. Hiện tại còn 1 con vẫn đang điều trị”. Theo chị Nguyệt, không riêng gì gia đình chị mà trong xóm rất nhiều nhà cũng rơi vào hoàn cảnh như thế và hầu hết đều là lợn nái. Chúng tôi vào thăm nhà anh Hoàng Bá Duẩn một cách ngẫu nhiên và cũng phát hiện con lợn nái khoảng 1,5 tạ của anh bị ốm khá lâu, liệt 2 chân sau, không đứng dậy được. Được biết, tình trạng này đã kéo dài hơn nửa tháng nay.
Nhưng, tâm điểm của dịch không phải là thôn Phú Hòa mà là thôn Bắc Hòa. Ngày 28/3, sau khi được báo lợn bị ốm hàng loạt, ngành chuyên môn và huyện đã tiến hành mổ lấy mẫu xét nghiệm lợn của gia đình chị Phan Thị Hương (hộ chị Hương có con lợn nái bị ốm, được trưởng thôn Bắc Hòa báo cáo với xã từ 20h ngày 18/3). Kết quả xét nghiệm được cơ quan thú y công bố vào sáng 30/3: dương tính với dịch tai xanh! Cùng đó, sáng 30/3, cơ quan Thú y tỉnh, cán bộ huyện phụ trách địa bàn xuống tận nơi thì xã mới bắt đầu “nháo nhào”… vào cuộc!
Thôn trưởng thôn Bắc Hòa Nguyễn Đình Đông: Toàn thôn đã có 182 con lợn nhiễm bệnh |
Và tất cả tài liệu liên quan đến số lợn ốm, chết chỉ dựa hoàn toàn vào bản thống kê của ông trưởng thôn. Thế mới sinh ra chuyện các bên tranh luận mãi mà chẳng ra con số nào và căn cứ thời điểm nào để xác định lợn ốm, chết do bệnh tai xanh. Trong khi đó, theo nguồn tin chúng tôi có được thì ít nhất 16 lợn nái có triệu chứng ốm đã được bán tống cho thương lái từ nhiều ngày nay. Xã chủ quan là một chuyện, ở địa phương khá nhạy cảm về nguồn lây nhiễm (nằm cuối kênh Kẻ Gỗ) nhưng ý thức chăn nuôi của người dân địa phương còn quá kém. Thậm chí, hết thuốc chữa, có hộ còn lấy thuốc chữa sái Nga Lộc để điều trị cho lợn chứ không báo lên chính quyền! Thiếu hiểu biết, vô hình trung đã tạo điều kiện cho dịch bệnh âm ỉ lây lan và bùng phát.
Gần 1h chiều rời khỏi UBND xã, chúng tôi có đến 2 kết quả, 1 của trưởng thôn Bắc Hòa với 182 con (được lãnh đạo xã cho rằng số liệu này không chính xác, vì trong đó, có số đã chết lâu rồi và một số không nhỏ là lợn chết bào thai hoặc mới sinh ra bị chết nên không được tính vào diện mắc bệnh); 1 của cán bộ thú y xã với 128 con, trong đó 63 con bị chết (cả lợn sữa) và 65 con đang ốm bệnh (theo thống kê đến ngày 27/3). Được biết, ngay trong chiều 30/3, địa phương đã tiêu hủy 8 con của 2 hộ, trong đó có 1 nái và 7 lợn sữa.
NHÓM PV KINH TẾ
baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;