Học tập đạo đức HCM

Can Lộc: Dấu ấn một nhiệm kỳ

Thứ ba - 04/08/2015 03:24
Nhìn lại chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ, nhân dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) không khỏi tự hào với những thành tích đã đạt được. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân nhưng Can Lộc vẫn giành được nhiều kết quả khá toàn diện, cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhiều năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Đại hội Đảng bộ huyện Can Lộc lần thứ XXXV diễn ra từ ngày 3-5/8/2015.  

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Ông Võ Hữu Hào, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, cho biết, khi bắt tay vào thực hiện chương trình XDNTM, Can Lộc xác định, XDNTM chính là xây dựng cuộc sống mới cho người dân. Vì thế, khi phát động phong trào, người dân rất đồng tình, ủng hộ, đã có hàng ngàn mét vuông đất được nhân dân hiến tặng để mở rộng đường đi lối lại, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Đến nay, huyện đã huy động được trên 300 tỷ đồng để cứng hóa trên 360km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và trên 180km kênh mương thủy lợi nội đồng; xây dựng 20 trụ sở, hội trường; 100 phòng học; 10 trạm y tế 2 tầng; 66 hội quán và hàng trăm công trình hạ tầng khác.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, thăm vườn cam trĩu quả ở Thượng Lộc. 

Cũng theo ông Hào, địa phương luôn chủ động cải cách thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư, giải phóng mặt bằng, ban hành nhiều chính sách nhằm ưu tiên phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã. Đến nay, đã có 5 nhà đầu tư được cấp phép với số vốn đăng ký trên 500 tỷ đồng, trong đó dự án cabin cáp treo chùa Hương với tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng đã phát huy hiệu quả; dự án chăn nuôi bò sữa đang đi vào hoạt động; nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng do Tổng công ty Viglacera đầu tư hứa hẹn sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động. Trên địa bàn huyện hiện có 142 doanh nghiệp, 70 hợp tác xã sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực, tăng 105 doanh nghiệp và hợp tác xã so với năm 2010. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã khẳng định được hiệu quả hoạt động, đóng góp hơn 30% trong tổng thu ngân sách địa phương, góp phần chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác có thu nhập ổn định hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn kiểm tra tiến độ xây dựng NTM ở Can Lộc.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã chủ động xây dựng cơ cấu mùa vụ sản xuất lúa từ vụ đông xuân thành vụ xuân với gần 100% diện tích sử dụng giống lúa ngắn ngày, lúa lai tiên tiến. Nhiều cánh đồng lớn đã phát huy hiệu quả, diện tích từ 10 - 100ha nhưng cơ cấu chỉ sử dụng một loại giống theo giá trị chuỗi hàng hóa, từng bước chủ động nguồn giống. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt trên 22.000ha, trong đó lúa 18.000 ha, tổng sản lượng lương thực 9,7 vạn tấn, vượt 1,2 vạn tấn so với kế hoạch, chiếm 1/5 tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt 75 triệu đồng/ha/năm, vượt 10 triệu đồng so với kế hoạch. Bước đầu chỉ đạo thành công một số mô hình sản xuất liên kết theo hướng chuỗi giá trị. Đã xây dựng, nhân rộng được 948 mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong đó có 273 mô hình kinh tế đạt doanh thu từ 100 triệu đồng đến1 tỷ đồng/năm.

Nhiều xã đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; đến nay toàn huyện có 2.674 máy làm đất, 34 máy gặt đập liên hợp, là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Hà Tĩnh về tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, trong đó khâu làm đất đạt 93% diện tích; thu hoạch 90%; vận chuyển 93%...

Quê hương địa linh nhân kiệt

Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, Can Lộc còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Toàn huyện hiện có 65 di tích được xếp hạng, 15 di tích cấp quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh, trong đó Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt trong hệ thống Di tích đường Trường Sơn; một số câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm được phục hồi, thành lập và đi vào hoạt động.

Trong 5 năm qua, huyện đã huy động, kêu gọi được hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, phục hồi nhiều di tích như Khu di tích lịch sử Xô viết tại Ngã ba thị trấn Nghèn, chùa Hương Tích, đền thờ Đặng Tất - Đặng Dung, Ngô Phúc Vạn, Phan Kính, Nguyễn Thiếp, Hà Tôn Mục, nhà tưởng niệm liệt sĩ Cầu Nhe, nhà lưu niệm Xuân Diệu, đền Linh Nha…

Huyện thực hiện tốt quy hoạch hệ thống trường mầm non, phổ thông theo chủ trương của tỉnh; sáp nhập thành công 2 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 6 trường trung học cơ sở được cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân đồng thuận cao.

Ông Võ Hữu Hào, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả.

Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên, Can Lộc luôn coi giáo dục là mũi nhọn, đào tạo nguồn lực, nhân tài để chuyển tiếp các thế hệ. Vì thế nên công tác dạy và học luôn chuyển biến tích cực, số học sinh giỏi các cấp hàng năm đều tăng; bình quân mỗi năm có trên 1.000 học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được tăng cường, toàn huyện huy động được 225 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học, trong đó ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp gần 140 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đảm bảo cả về số lượng, chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 100% giáo viên các cấp học có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó 89% giáo viên mầm non, 92% giáo viên tiểu học, 87% giáo viên THCS, 17% giáo viên THPT đạt trên chuẩn quốc gia.

Phong trào xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài tiếp tục phát triển, huy động được nhiều nguồn lực đáp ứng yêu cầu dạy và học. Huyện thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề cho lao động, tổ chức các chuyên đề về khoa học kỹ thuật, khuyến nông, dân số kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giới thiệu việc làm…

Toàn cảnh trung tâm văn hóa, chính trị huyện Can Lộc.

Nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ là kỳ tích

Để làm được điều đó, vấn đề trước mắt phải tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm lên trên 15%, thu nhập bình quân đạt trên 75 triệu đồng/người/năm. Đưa tỷ trọng nông nghiệp xuống dưới 20%; xây dựng - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên 40%; thương mại - dịch vụ trên 40%. Sản lượng lương thực đạt trên 10 vạn tấn, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt 135 triệu đồng/ha/năm...

Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 280 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hàng năm trên 15%. Phấn đấu đến năm 2020 có tối thiểu 345 doanh nghiệp, 575 HTX, 1.150 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả. Phấn đấu trước năm 2020 có trên 75% số xã về đích nông thôn mới, 80% thôn, khối phố đạt danh hiệu văn hóa, trên 85% hộ đạt gia đình văn hóa; xây dựng 90% trường mầm non, 100% trường tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% hộ được dùng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 80%; ổn định mức tăng dân số tự nhiên hàng năm dưới 0,7%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 10%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 65-75%; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2-3% theo tiêu chí mới, đến năm 2020 còn dưới 4%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; 100% số xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn cơ sở an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu. Mỗi năm kết nạp trên 250 đảng viên, phấn đấu tất cả các thôn, xóm, khối phố có chi bộ; trên 70% đảng bộ, chi bộ cơ sở đạt trong sạch vững mạnh; Đảng bộ huyện là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Làm đường giao thông nông thôn ở Thường Nga.

Tạo cú đột phá

Ông Võ Hữu Hào cũng khẳng định, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong nhiệm kỳ tới là, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM; tổ chức lại sản xuất theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư; tập trung khai thác lợi thế của 3 vùng kinh tế, xây dựng ở mỗi vùng một số điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để tổng kết nhân rộng; tích tụ chuyển đổi mỗi xã từ 20 - 100ha đất sản xuất nông nghiệp của các hộ không có nhu cầu để cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp thuê sản xuất. Đồng thời, tập trung phát triển dịch vụ du lịch, thương mại; đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cao chất lượng theo hướng chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, dịch vụ và xây dựng các sản phẩm du lịch; kết hợp dịch vụ du lịch với thương mại, đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm dịch vụ du lịch trên cơ sở ưu tiên các trọng tâm, trọng điểm như chùa Hương, Ngã ba Đồng Lộc... Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cơ sở vừa có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, thực tiễn, vừa tâm huyết, trách nhiệm đáp ứng kịp yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, quyết liệt hoàn thành 145 tiêu chí còn lại, phấn đấu mỗi năm có từ 2 - 3 xã hoàn thành các tiêu chí NTM, đến năm 2020 cơ bản các xã đều về đích. Các xã đã đạt chuẩn phải tiếp tục phát triển hướng tới thôn, xã văn minh, kiểu mẫu.

Cụ Trần Bốn (thứ 4 từ phải sang), 100 tuổi, thôn Minh Hương, xã Trung Lộc xung phong hiến hàng chục mét vuông đất để XDNTM. 

Sau cuộc hành trình 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, 5 năm tiến hành thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXIV, Đảng bộ và nhân dân huyện Can Lộc đã giành được nhiều thành tựu quan trọng. Trong nhiệm kỳ tới, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ và nhân dân Can Lộc tiếp tục đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXXV đề ra, quyết tâm xây dựng Can Lộc sớm trở thành huyện đạt chuẩn NTM, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xứng đáng với truyền thống quê hương Xô viết anh hùng.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Can Lộc có 217 đại biểu là những đảng viên ưu tú đại diện cho 8.200 đảng viên toàn huyện tham dự. Đồng chí Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đại biểu đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các sở, ban ngành, các huyện cùng tham dự.

Báo cáo Chính trị do đồng chí Võ Hồng Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy trình bày đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị qua một nhiệm kỳ, trong đó nêu bật những thành tựu mà Đảng bộ, nhân dân Can Lộc đã đạt được; đồng thời nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế từ chủ quan, khách quan làm bài học để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 với mục tiêu Can Lộc sẽ là huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020.

Đại hội diễn ra từ ngày 3-5/8/2015.  

Công Lâm
Theo: kinhtenongthon.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập606
  • Hôm nay83,911
  • Tháng hiện tại820,021
  • Tổng lượt truy cập93,197,685
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây