Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 1373 ngày 19/5/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 4111 ngày 28/8/2014 của UBND huyện Hương Khê chủ trương phát triển mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản trên địa bàn, nhằm phát triển ngành chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn huyện Hương Khê. Sau khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 2944/QĐ-UBND, ngày 7/10/2014 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo sát Dự án trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản và trồng cây ăn quả tại xóm Hòa Xuân, xã Hương Xuân, UBND huyện Hương Khê đã lựa chọn hộ gia đình bà Lê Thị Phương có năng lực đầu tư và kinh nghiệm trong việc đầu tư chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản.
Trang trại có quy mô 600 con lợn nái sinh sản, 12 con lợn đực ngoại, mỗi năm xuất 13.000 con lợn giống và trồng 5.600 cây cam các loại, 1.600 cây bưởi Phúc Trạch trên diện tích 17,9 ha. Việc đầu tư xây dựng thực hiện dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng 25 hộ dân.
Theo kế hoạch, dự án trang trại đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao, cung cấp cho các mô hình chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn. Hộ bà Phương đã ký cam kết cung cấp giống cho phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn huyện.
Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng trên 23 tỷ đồng với nguồn vốn tự có của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư. Lộ trình thực hiện dự án: Giai đoạn một sẽ thực hiện diện tích 86.166,9m2 , liên quan đến đất của 20 hộ dân đang sử dụng 79.562,6m2 , đất của tổ chức 6.604,3m2 .
Đối thoại giữa người dân và chính quyền huyện Hương Khê
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án còn chậm so với kế hoạch và gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thời gian qua, Ban thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Hương Khê đã thực hiện đúng quy trình triển khai thực hiện dự án. Đó là, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Hương Khê đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với 20 hộ dân liên quan để tuyên truyền chủ trương đầu tư và các chính sách bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân; tổ chức thông báo 2 đợt kiểm kê đất đai, tài sản trên đất của các hộ dân bị ảnh hưởng và chỉ có 6 hộ phối hợp thực hiện.
Tiếp đó, UBND huyện Hương Khê đã ban hành các Quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với 14 hộ không phối hợp thực hiện, đồng thời thực hiện niêm yết công khai các thủ tục thu hồi đất, tổ chức tuyên truyền, vận động và thông báo lịch kiểm đếm đến các hộ, nhưng chỉ có 1/14 hộ chấp hành. Vì vậy, UBND huyện Hương Khê phải ban hành các thông báo cho các hộ dân về việc kiểm đếm bắt buộc thu hồi đất, các quyết định cưỡng chế, lịch thực hiện cưỡng chế và trực tiếp đến tận 13 hộ dân để tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng và thực hiện dự án, nhưng đến nay vẫn còn 11/20 hộ chưa chấp hành.
Trước tình hình trên, UBND huyện Hương Khê đã tổ chức 2 cuộc đối thoại trực tiếp với các hộ dân liên quan và các hộ dân thuộc 3 xóm Hòa Xuân, Phú Yên, Vĩnh Trường xã Hương Xuân vào các ngày 6/6 và ngày 21/6/2015. Tại các buổi đối thoại, ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đã lắng nghe và trả lời các ý kiến phản ánh của bà con nhân dân đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ chấp hành và trả lời những băn khoăn của các hộ dân.
UBND huyện Hương Khê cũng đã tổ chức cho 60 hộ dân và đại diện các tổ chức đoàn thể của 3 thôn,xã Hương Xuân đi tham quan mô hình trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản của hợp tác xã Phú Sơn (xã Ân Phú, huyện Vũ Quang).
Qua chuyến tham quan thực tế cho thấy, việc xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản là phải tuân thủ một quy trình hết sức nghiêm ngặt để đảm bảo vệ sinh môi trường của chuồng trại cũng như khu vực dự án. Các hộ dân cũng công nhận đầu tư trang trại nuôi lợn nái ngoại sinh sản theo quy trình khoa học công nghệ hiện nay là không ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường ở khu chăn nuôi cũng như môi trường xung quanh. Nhiều người dân trực tiếp vào trong trại lợn còn khen mát hơn ở ngoài trời, không nghe mùi hôi thối bốc ra xung quanh môi trường.
Tuy nhiên, đến thời điểm này các hộ dân vẫn chưa đồng tình để thực hiện dự án với các lý do: vị trí xây dựng dự án nằm ở đầu nguồn nước, nguồn gió, nếu xây dựng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của bà con nhân dân; là vùng chăn thả trâu bò của nhân dân và cũng là vùng di dời tránh lũ của những hộ dân bị ngập trong mùa mưa lũ; không nhất trí thu hồi đất của nhiều hộ dân để cấp cho 1 hộ dân khác, gây bất công.
Trả lời thắc mắc của người dân, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê khẳng định việc tác động môi trường của dự án đã được Sở Tài nguyên & Môi trường kiểm tra, đánh giá, thẩm định và được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt cho phép thực hiện dự án tại khu vực xóm Hòa Xuân, xã Hương Xuân.
Đối với vùng đất thuộc quy hoạch của dự án, lâu nay là đất do xã Hương Xuân quản lý chưa đưa vào sử dụng và việc các hộ dân sử dụng đất để làm trang trại, trồng cây và làm bãi chăn thả trâu bò là không phù hợp với quy hoạch của xã, huyện và tỉnh. Nay, nếu các chủ hộ đang sử dụng đất tại vùng dự án có nhu cầu cấp đất để làm trang trại trồng cây và chăn thả trâu bò, tránh lũ thì làm đơn gửi UBND xã Hương Xuân để trình UBND huyện xem xét cấp đất tại các vị trí khác đã có quy hoạch. Việc UBND huyện chọn chủ đầu tư dự án là hộ gia đình bà Lê Thị Phương là phù hợp vì đây là hộ có nguồn vốn đầu tư và có kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản.
Để thực hiện dự án đảm bảo theo quy hoạch tỉnh, thời gian tới, UBND huyện Hương Khê sẽ tiếp tục thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có sử dụng đất trong khu vực dự án và thực hiện việc thu hồi đất để cho nhà đầu tư thuê theo quy định của pháp luật.
Nếu hộ dân nào vẫn tiếp tục không chấp hành, UBND huyện Hương Khê sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để tiến hành xây dựng trang trại chăn nuôi lớn nái ngoại sinh sản trong thời gian sớm nhất để thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;