Qua khảo sát thực tế tại địa phương, cũng như mong muốn của người dân về việc thực hiện chăn nuôi lợn liên kết với các doanh nghiệp thông qua tổ hợp tác cùng với đó là giải pháp về xử lý môi trường, tháng 11/2014, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng mô hình trình diễn “Chăn nuôi lợn quy mô nông hộ liên kết với doanh nghiệp” bằng hình thức sử dụng đệm lót sinh học với quy mô 890 con lợn thịt, 22 hộ tham gia.
Ngay từ lúc bắt đầu triển khai mô hình, cán bộ chủ trì đã kết hợp với tổ trưởng của 03 tổ hợp tác (Đông Thành, Bắc Thành và Văn Phú Sơn) để cùng tiến hành tìm hiểu, lựa chọn doanh nghiệp liên kết cung ứng giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm lợn thịt.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm chăn nuôi lợn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức 03 lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt có sử dụng đệm lót sinh học, kỹ thuật làm đệm lót và tổ chức một chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hà Nam cho các hộ tham gia thực hiện mô hình.
Hạn chế lớn nhất của nuôi lợn có sử dụng đệm lót sinh học là nền chuồng nóng, đặc biệt là về mùa hè. Để khắc phục nhược điểm này, mô hình đã có nhiều giải pháp chống nóng cho đàn lợn như: Sử dụng hệ thống quạt thông gió ngoài trời; hệ thống vòi phun nước tự động trên mái; bạt cách nhiệt để đóng trần chuồng nuôi và giảm mật độ chuồng nuôi đảm bảo diện tích 2 m2/con vào mùa hè (trong đó 1 m2 sử dụng nền đệm lót và 1m2 nền xi măng, áp dụng cho hệ thống chuồng hở).
Sau 7 tháng triển khai thực hiện mô hình, với 2 lứa lợn sử dụng chế phẩm Balasa N01 để làm đệm lót sinh học với diện tích 630 m2, kết quả đạt được như sau: Trọng lượng lợn bình quân xuất chuồng đạt 92,5 kg/con/3 tháng nuôi; hệ số thức ăn tiêu tốn 2,35 kg/kg tăng trọng. Như vậy, khả năng tăng trọng và lượng thức ăn tiêu tốn của hình thức chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học vẫn đảm bảo khả năng tăng trọng cũng như chi phí thức ăn. Bên cạnh đó, về mặt môi truờng trong chăn nuôi lợn cũng đuợc cải thiện rõ rệt: chất thải từ lợn được xử lý, giảm mùi hôi, giảm thời gian dọn chuồng, từ đó đảm bảo môi trường sinh hoạt của cộng đồng dân cư.
Hạch toán mô hình: Tổng chi phí 3.964.875 đồng/con, trong đó: lợn giống 1.600.000 đồng; thức ăn 2.214.875 đồng; chi phí điện nước, thuốc thú y, khấu hao chuồng trại: 150.000 đồng/con. Tổng thu khi bán lợn là 4.162.500 đồng/con. Lợi nhuận thu về là 197.625 đồng/con.
Như vậy, về hiệu quả kinh tế, so với các hình thức nuôi khác mặc dù nuôi trên đệm lót sinh học phải nuôi với mật độ thưa hơn (để chống nóng) nhưng tính trên một đầu lợn thì chăn nuôi trên đệm lót sinh học vẫn đảm bảo lợi nhuận tương tự.
Mô hình “Chăn nuôi lợn quy mô nông hộ liên kết với doanh nghiệp” phát triển theo hình thức tổ hợp tác là mô hình cùng áp dụng một công nghệ để sản xuất, cùng nhập cùng xuất con giống, kiểm soát dịch bệnh, thị trường tiêu thụ đảm bảo. Từ đó tạo thị trường ổn định, giúp người chăn nuôi yên tâm phát triển sản xuất.
Kết quả mô hình cho thấy, chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học là một hướng để phát triển chăn nuôi trong nông hộ, đặc biệt có hiệu quả cao đối với các địa phương khan hiếm nguồn nước, vùng đất cát khả năng thấm nước của đất kém, giảm ô nhiễm môi trường do chất thải từ chăn nuôi./.
Theo Hoàng Thị Thanh/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã