Người nuôi tôm nỗ lực khôi phục sản xuất với mong muốn bù đắp thiệt hại các vụ trước
Gần chục năm trước, khi nghề nuôi tôm trên cát bén duyên mảnh mất Nghi Xuân thì hàng trăm ha đất cát hoang hóa, cằn cỗi “hóa vàng”. Chỉ sau vài năm khai khẩn, nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn sắm được nhà lầu, tậu xe hơi…
Thế nhưng, mấy năm gần đây, nghề nuôi tôm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, phần vì dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt, phần vì nguồn nước ô nhiễm nên tôm càng nuôi càng còi cọc. Cứ thế vụ này tiếp nối vụ kia mất mùa liên tục.
Mặc dù khó khăn chất chồng nhưng người nuôi tôm vẫn quyết bám nghề, sau sự cố môi trường biển và mấy vụ nuôi thất bát, hiện nhiều hộ đang tập trung xử lý môi trường, cải tạo ao hồ để thả nuôi vụ mới.
Anh Nguyễn Viết Khánh ở xã Xuân Đan biết, đầu năm 2016 anh thả nuôi 6 ao với 2 triệu con giống, chi phí hết gần 1 tỷ đồng nhưng được 3 ngày thì tôm bắt đầu bị bệnh gan, chết rải rác. Cầm cự được 45 ngày thì những con còn lại cũng không thể lớn nổi nên anh đành xả bỏ. Vụ nuôi thứ 2, anh Khánh tiếp tục thả giống nhưng sản lượng thu hoạch thấp, giá thành giảm nên doanh thu chỉ đủ bù chi phí đầu tư.
“Tuy còn lo ngại về độ an toàn của nước biển nhưng mấy hôm nay tôi đang huy động công nhân cải tạo ao hồ, rải vôi bột xử lý môi trường, đánh thuốc diệt vi khuẩn để chuẩn bị thả nuôi vụ đông. Vụ này sẽ thả khoảng 2 triệu con/6 ao, nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng 1 tuần nữa xuống giống”, anh Khánh nói.
Theo anh Khánh, chi phí để cải tạo ao hồ, xử lý môi trường và mua giống tôm bình quân hết khoảng 30 triệu đồng/ao. Để tránh những ảnh hưởng từ nước biển sau sự cố, nhiều hộ nuôi tôm đầu tư xây dựng bể lọc nước cũng như tăng thêm các biện pháp xử lý nước bằng vi sinh, khử clo để đảm bảo an toàn.
Chỉ tay ra phía các công nhân đang tiến hành đắp rò, sửa bờ, rải vôi bột xử lý ao đầm, anh Hồ Quang Dũng, Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành chia sẻ, năm nay người nuôi trồng thất bát hơn mọi năm vì tôm bị dịch bệnh và chết không rõ nguyên nhân. HTX Xuân Thành có 12ha với 33 ao thả nuôi nhưng vụ xuân thả 14 triệu con giống, chi phí hết khoảng 500 - 600 triệu đồng nhưng không thu được tạ tôm thương phẩm nào. Đến vụ hè, anh tiếp tục thả mới nhưng cũng chỉ thu hoạch được một số ao, còn lại chết trắng cả.
“Người ta ví nghề nuôi tôm như đánh bạc, phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên rất nhiều. Vì vậy, khi dịch bệnh xuất hiện thì khó có thể dập dịch được nên công tác phòng chống ngay từ đầu là rất quan trọng. Hiện tôi đang chuẩn bị thả nuôi vụ Đông nhưng cũng lo lắm”, anh Dũng cho hay.
Trao đổi với NNVN, ông Trịnh Quang Luật, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Xuân cho biết, theo quy hoạch, toàn huyện có 197,4ha nuôi tôm trên cát. Vụ xuân hè vừa qua, người dân vẫn thả nuôi hết diện tích với tổng sản lượng đạt 380 tấn/vụ. Nhìn chung so với những năm trước thì năm nay sản lượng giảm hơn nhiều nhưng người nuôi vẫn có lãi. Trong thời gian này, rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi trước, khi vào vụ tôm mới, huyện tích cực tư vấn, chỉ đạo người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, bởi đây là yếu tố cốt tử quyết định đến chất lượng và hiệu quả của cả vụ nuôi.
Hiện 80% diện tích nuôi tôm trên địa bàn Nghi Xuân đang được người dân xử lý tiêu độc khử trùng chuẩn bị xuống giống vụ mới. |