Học tập đạo đức HCM

Xây dựng nông thôn mới – Con đường tất yếu để phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn trong giai đoạn hiện nay

Thứ bảy - 13/06/2020 22:05
Nông nghiệp, nông thôn là nơi cung cấp nguồn nhân lực, lương thực, thực phẩm cho xã hội, là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ một nước có truyền thống nông nghiệp lâu đời như Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Người cho rằng, nông nghiệp phải là mặt trận hàng đầu, muốn phát triển đất nước phải coi trọng cả nông nghiệp và công nghiệp. Ngay những ngày đầu Cách mạng tháng Tám thành công, Bác viết: “Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh…”.
 
15920586796014
 
Nghi Xuân hôm nay thực sự là "miền quê đáng sống", đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, được nhiều địa phương trong cả nước về tham quan, học tập
 
Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, Đại hội Đảng toàn quốc qua các thời kỳ đều luôn xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước... Nhờ vậy, từ một nước còn gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh, Việt Nam đã hồi sinh mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn. Từ một đất nước phải viện trợ về lương thực, Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều loại nông sản. Việt Nam đã thực sự đẩy lùi được đói nghèo, lạc hậu để bắt tay vào xây dựng đời sống mới.
 
Tuy nhiên, so với những mục tiêu đề ra của Đảng qua các kỳ Đại hội, nông nghiệp, nông thôn Việt nam vẫn cần một chủ trương, chính sách đủ mạnh để phát triển xứng tầm với yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Với mục tiêu đặt ra ở tầm chiến lược là phải giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong một chỉnh thể, tạo ra cơ sở bền vững trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước. Ngày 5/8/2008, Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7, khóa X ban hành. Đây có thể xem là bước phát triển mới kế thừa Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010 (Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 18-3-2002). Trong bối cảnh mới, Nghị quyết đã bổ sung thêm vai trò của nông dân, chủ thể của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Có thể nói, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn với các quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Nghị quyết đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Nghị quyết đã được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt nhiều kết quả to lớn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong sự phát triển của các vùng nông thôn Việt Nam. Đó là sự phát triển ổn định trong ngành nông nghiệp, sự bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Kinh tế nông thôn và đời sống nông dân được cải thiện, kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu triển khai, do nhiều nguyên nhân, nên tác động của Nghị quyết vẫn chưa được như mong muốn. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XI chỉ rõ những hạn chế: “Xoá đói, giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo cao. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo còn khá lớn và ngày càng giãn ra. Chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ còn thấp, hệ thống y tế và chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân…”.
Xác định tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để tuyên truyền, vận động, huy động các cấp, các ngành, các thành phần trong xã hội và Nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chính là sự cụ thể hóa, sự khẳng định tính đúng đắn, xuyên suốt của Nghị quyết 26-NQ/TW.
 
15920588393631
 
Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao trên địa bàn
 
Là một huyện nghèo của tỉnh Hà Tĩnh vào những năm 2008 – 2010, Nghi Xuân là một miền quê nông nghiệp thuần túy. Thu nhập của hơn 86% người dân Nghi Xuân dựa vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản. Với hạ tầng nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, hầu hết diện tích đất sản xuất đều là đất đai cằn cỗi, bạc màu, không có hệ thống nông giang chủ động trong tưới tiêu, thường xuyên bị ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, thiên tai hạn hán, bão lũ…nên mặc dù quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thu nhập của người dân nơi đây vẫn vô cùng bấp bênh.
Trong thời kỳ đổi mới, với những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đời sống người dân đã có những thay đổi đáng kể, tuy nhiên cái nghèo vẫn cứ “rình rập, không chịu buông tha”. Những người nông dân hiền lành, lam lũ vẫn cứ lẳng lặng bỏ ruộng đồng, bỏ làng, dắt díu nhau đi làm thuê khắp nơi cả trong và ngoài nước. Hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang, hàng ngàn lao động trẻ bỏ đồng ruộng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng nguyên nhân chủ yếu là ruộng không nuôi nổi người, quê hương không còn là nơi giữ chân của họ. Năm 2008, thu ngân sách trên địa bàn là 34,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 7,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 18%. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu và yếu, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục cũng như an sinh xã hội, vì thế cũng đầy khó khăn và rất hạn chế.
Cùng với Nghị quyết 26-NQ/TW, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới như một luồng gió hồi sinh cho vùng đất này. Ngay sau khi được ban hành, được sự quan tâm chỉ đạo lãnh của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh mà trực tiếp là Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Nghi Xuân đã nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhận thấy đây là cách thức, là con đường duy nhất để thay đổi một cách toàn diện bộ mặt nông thôn, là cơ hội để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống cho người dân quê hương. Chính vì vậy, từng bước đi, hành động để thực hiện đã được cân nhắc, bàn bạc một cách dân chủ, cụ thể và đầy biện chứng.
Bắt đầu từ việc thành lập Ban chỉ đạo, ban quản lý, ban phát triển các cấp, tổ chức các chương trình bồi dưỡng nâng cao nhận thức, cách làm cho cán bộ từ cấp huyện đến cấp xã, thôn để hiểu, để thấm nhuần các mục tiêu của Chương trình, các giải pháp, cách thức triển khai, từ đó hình thành thái độ, động cơ, sự quyết tâm và niềm hy vọng cho mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Bắt đầu từ công tác tuyên truyền qua báo đài, loa phát thanh, pano, áp phích, qua các cuộc họp thôn, xóm, cụm dân cư, hộ gia đình… Các tổ công tác cấp huyện, cấp xã được hình thành và bám sát từng địa bàn phụ trách, cùng ăn, cùng nghỉ, cùng làm, cùng bàn bạc với dân. Việc đầu tiên mà cả hệ thống chính trị cùng tập trung, đó là thay đổi về tư tưởng, cách nghĩ của chủ thể - người nông dân. Người dân nơi đây từ lâu quen với mô hình kinh tế tiểu nông với lối canh tác thủ công, bức tranh quê “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” đã trở thành vẻ đẹp truyền thống từ những ngày xưa. Tuy nhiên, nếu muốn đổi mới, muốn có một nền nông nghiệp hiện đại, muốn gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp thì trước hết, chúng ta phải tạo ra một thế hệ người nông dân mới. Đó là vẫn là những người nông dân cần cù chăm chỉ nhưng biết sáng tạo và dám thay đổi, đó là vẫn những người nông dân gắn bó mật thiết với ruộng đồng, làng xóm, quê hương nhưng họ biết cách bảo vệ và làm giàu cho đất, biết tạo ra những giá trị mới, động lực mới, cảm hứng mới ngay trên đồng ruộng của mình. Đó là những người nông dân không chỉ biết trân trọng cội nguồn, trân trọng những giá trị tốt đẹp của tổ tiên, cha ông để lại mà còn là những con người có hiểu biết về xã hội, có tư duy về kinh tế nông nghiệp, từ đó biết tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, biết tự khởi nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
 
15920589029125
 
Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cũng được phát triển...
 
Cùng với các chính sách về nông nghiệp được xây dựng và từng bước được hấp thụ mạnh mẽ, những mảnh ruộng, cánh đồng được đánh thức, được cải tạo và lựa chọn các loại giồng mới, cây trồng mới phù hợp với đất, với khí hậu thổ nhưỡng. Những vùng đất cát ngập mặn ven biển bỏ hoang lâu ngày được đầu tư thành các cánh đồng nuôi trồng thủy hải sản. Những vùng đất hoang hóa ven chân núi Hồng Lĩnh được đầu tư thành các trang trại chăn nuôi, trồng cây dược liệu, cây ăn quả, cây công nghiệp... Thành công chưa đến ngay từ những mùa đầu tiên nhưng với niềm tin và sự cần cù chăm chỉ, truyền thống tốt đẹp của người dân nơi đây, đất đã không phụ lòng người. Những vụ mùa bội thu, những cánh đồng nuôi tôm trên cát, những con tàu đánh bắt cá lớn hàng trăm mã lực thay thế những con thuyền nhỏ ngày xưa dong buồm ra khơi mỗi sáng đã mang đến cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đất đã thực sự nở hoa kết trái, biển đã mang đến những hy vọng lớn hơn. Người dân đã có thể mỉm cười và yên tâm sản xuất, làm giàu trên quê hương mình.
Từ xuất phát điểm không có xã nào đạt quá 5 tiêu chí theo bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2015, Nghi Xuân đã có 4/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều có từ 8 đến 10 tiêu chí đạt chuẩn.
Với những thành công bước đầu được khẳng định trong phong trào xây dựng nông thôn mới, những chuyển biến tích cực trong đời sống người dân. Năm 2015, Nghị quyết Đại hội huyện đảng bộ lần thứ XXI đã xác định các mục tiêu và giải pháp lớn cho sự phát triển của huyện. Đặc biệt, Đại hội đã khẳng định quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này là một bài toán vô cùng khó khăn trên một vùng đất mới bắt đầu hồi sinh về nông nghiệp. Huyện Nghi Xuân đã mời các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín về phát triển nông nghiệp nông thôn để nghiên cứu, tư vấn về các định hướng phát triển cho huyện, đồng thời tổ chức các Hội khảo khoa học để đánh giá đúng các tiềm năng phát triển của huyện. Nghi Xuân được xác định là vùng đất không có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp nhưng lại có rất nhiều tiềm năng cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đặc biệt là miền quê rất giàu các giá trị văn hóa, không chỉ là miền quê của núi Hồng, sông Lam với nhiều danh lam thắng cảnh, sơn thủy hữu tình, mà nơi đây còn có là hàng trăm di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 84 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia gắn với các danh nhân nổi tiếng, tiêu biểu như Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới, khu di chỉ khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọi có tuổi đời hàng ngàn năm cùng với các đình, đền, chùa có tuổi đời hàng trăm năm, các di sản văn hóa phi vật thể như dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, các lễ hội truyền thống… là niềm tự hào của người dân nơi đây. Từ những nhận định đó, một trong những định hướng lớn được huyện vạch ra, đó là cùng đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã, đẩy mạnh thu hút đầu tư thì đồng thời định hướng lớn thứ hai được triển khai, đó là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là các giá trị văn hóa làng, để từ đó tạo động lực xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết huyện đảng bộ đã xác định: “Xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên nền các giá trị văn hóa truyền thống”.
Đối với phát triển nông nghiệp, hàng loạt giải phát được vạch ra, nhưng để thực hiện thì không hề đơn giản. Đó là việc tập trung các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, với sự tập trung quyết liệt của các cấp chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Nghi Xuân đã phát huy rất tốt các nguồn lực tại chỗ, thực sự làm nên một cuộc cách mạng để thay đổi toàn diện hệ thống hạ tầng nông thôn “điện - đường - trường - trạm” với hàng trăm tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, hàng ngàn ngày công lao động, hàng ngàn mét vuông đất được hiến tặng...
Đến nay, 100% đường liên xã, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa cùng với hệ thống cây xanh bóng mát và điện chiếu sáng, hệ thống trường học, nhà văn hóa, trạm y tế được đầu tư đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng tốt các nhu cầu của người dân. Để giúp người dân có thể sống và làm giàu trên đất đai, đồng ruộng của mình, huyện đã xây dựng các chính sách đầu tư nông nghiệp đủ mạnh. Cùng với các ngân hàng giúp người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất, mua sắm trang thiết bị hiện đại, kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi, trồng cây có ứng dụng công nghệ cao… Huyện đã thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho cán bộ, người dân có cơ hội được tham quan, học hỏi ở những vùng có nông nghiệp phát triển. Từ đó để giúp người dân nâng cao hiểu biết và kinh nghiệm, có những định hướng tốt nhất để phát triển. Thực tế cho thấy, khi người nông dân thực sự thay đổi về cách nghĩ cách làm sẽ kéo theo sự thay đổi về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ những thay đổi về tư duy, về nhận thức, người nông dân sẽ biết tổ chức sản xuất theo hướng nông hộ có liên kết, có liên doanh, có kết quả gắn trong chuỗi giá trị và gắn với thị trường. Biết cách tích tụ đất đai bằng cách tạo ra những mục tiêu chung, những thỏa thuận phù hợp, cùng có lợi. Từ đó cùng nhau vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên quê hương của mình. Đó chính là điều mà người nông dân Nghi Xuân đã và đang làm được.
Đã có hơn 217 mô hình lớn cho lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm, 44 doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp được hình thành, nhất là trong các lĩnh vực: nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, sản xuất công nghệ cao, chăn nuôi… Giá trị sản xuất nông nghiệp trên diện tích được tăng dần hàng năm theo hướng bền vững. Phong trào xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu trở thành nhu cầu của người dân. Môi sinh môi trường được bảo vệ, gìn giữ xanh sạch đẹp.
Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng đồng thời được tập trung chỉ đạo. Các di tích văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia được khôi phục, bảo vệ, nâng cấp và quản lý khai thác một cách hiệu quả. Có những di tích lịch sử - văn hóa đón hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm như Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào nguyễn Du, Đền Củi… Các lễ hội truyền thống được khôi phục và phát triển như Lễ cầu ngư, lễ mừng thọ; lễ hội sỹ, nông, công, thương, ngư... Đặc biệt, các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát triển ngay trong đời sống người dân. Mỗi khu dân cư đều có một câu lạc bộ văn nghệ dân gian hoạt động thường xuyên tại nhà văn hóa thôn. Trong các câu lạc bộ này, các làn điệu dân ca Ví Giặm, Ca trù, trò Kiều,… được khôi phục và phát triển, truyền dạy, cùng với các chương trình văn hóa văn nghệ phục vụ người dân những buổi nông nhàn. Các nhà văn hóa thôn cũng được trang bị máy tính kết nối internet, tủ sách dùng chung để giúp người dân nâng cao nhận thức, cập nhật thông tin. Các hoạt động thể dục thể thao được duy trì thường xuyên giúp người dân rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần. Cũng từ các hoạt động này, tình làng nghĩa xóm càng được thắt chặt, gắn bó keo sơn, niềm tự hào và tình yêu quê hương càng thêm mãnh liệt, tạo động lực để người dân đồng sức đồng lòng cùng nhau xây dựng nông thôn mới. Họ cũng sẽ chính là những người gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng, bảo vệ môi trường sống, xây dựng và phát triển quê hương trở thành miền quê giàu đẹp, yên bình.
 
15920591005345
 
Cán bộ, đảng viên và Nhân dân Nghi Xuân vui mừng, phấn khởi khi huyện nhà là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018
 
Những thành tựu trên đã ngày một đưa Nghi Xuân tiến nhanh tới mục tiêu của mình. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới của Nghi Xuân tăng bền vững hàng năm. Tháng 12/2018, huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, trước hai năm so với mục tiêu đề ra. Có thể nói, đây là một sự ghi nhận lớn lao nhất những trí tuệ, tâm huyết và công sức mà cán bộ và Nhân dân Nghi Xuân đã đạt được. Nghi Xuân thực sự trở thành miền quê của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững; Một miền quê của những con người biết đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 10,32%. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2019 là 529 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 3,68%. Là huyện đầu tiên của tỉnh có 3 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức trong hệ thống chính trị được tăng cường, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Những kết quả trên là mốc son trong chặng đường phát triển của huyện, là tiền đề để Nghi Xuân tiếp tục vươn lên những tầm cao mới trên con đường xây dựng Nghi Xuân thực sự trở thành miền quê đáng sống, là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch, là thành phố di sản trong tương lai.
Tất cả những kết quả trên là minh chứng để khẳng định xây dựng nông thôn mới là con đường duy nhất để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân cho các vùng nông thôn Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh phải làm cho người dân thực sự trở thành chủ thể của công cuộc xây dựng nông thôn mới thì chúng ta phải nhận diện đánh giá đúng những tiềm năng, lợi thế của quê hương để tìm ra những hướng đi, giải pháp đúng đắn và hiệu quả nhất trong xây dựng nông thôn mới đó sẽ là những yếu tố quyết định cho thành công của công cuộc phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn.
 
Nguyễn Hải Nam - Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện
Nguồn tin: 
http://nghixuan.hatinh.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập446
  • Hôm nay93,947
  • Tháng hiện tại830,057
  • Tổng lượt truy cập93,207,721
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây