Học tập đạo đức HCM

Tháng 6 ở vùng bãi ngang

Thứ bảy - 13/06/2015 22:48
(Baohatinh.vn) Tôi sinh ra ở vùng đồng bằng, chẳng lạ gì cái tiết nắng rát gió lào tháng 6. Ấy vậy mà, năm nay, tôi e ngại đến nhút nhát bởi tiết trời quái ác vùng bãi ngang. Tôi chợt nghĩ, chẳng phải chỉ Quảng Bình mà nơi tôi đang sống đây cũng… chang chang cồn cát, làm nản lòng không ít kẻ hời hợt như tôi.

Gió lào nung cát nóng

Đất bãi ngang đón hè không phải bằng râm ran ve và đỏ rực phượng mà bằng những bóng cây thưa lá bên các ngọn đồi. Đất cát bạc màu, những đồi cây cũng trở nên khó bảo. Chúng rủ nhau tìm sự đơn điệu trong chòm lá, trong vẻ lì lợm, chẳng chút rung rinh giữa nhiệt cát tăng dần. Phi lao đã vậy, bãi tràm lại còn thu mình, lặng lẽ hơn. Chúng thi nhau uốn mình thành nhiều dạng, vỏ cây sủi lên những lớp vảy bong tróc tựa da của các loại kỳ đà. Chao ôi! Cái nắng mùa hè ở bãi ngang đã khiến các loài cây cũng phải “khôn ra” theo quy luật sinh tồn.

Tháng 6 ở vùng bãi ngang

Vùng đất cát hoang hóa ven biển Thạch Hà dần được phủ xanh bởi rau, củ, quả. Ảnh: Quốc Khánh

Tôi theo chân Thân – một gã thợ từng vào Nam - ra Bắc, quen nhiều địa bàn để hiểu hơn về cái nắng vùng 10 xã bãi ngang Thạch Hà. Những con đường chúng tôi đi như tiếp thêm lửa nóng. Nắng hắt vào mặt rát bỏng. Tôi tưởng tượng chiếc xe của chúng tôi có thể nhão ra, xì hơi ngay trên mặt đường. Tháng 6 đi trên đường 19/5, lòng thoáng vui, song, tôi tưởng như mình ngộp thở. Con đường chạy dọc ven biển thưa thớt nhà, chỉ bạt ngàn cát.

Cát thành bãi, thưa thớt từng ụm cây trện. Cát chất thành đồi như lấn ra biển xanh. Cát làm cho từng túp lều ven biển xác xơ, thở lên vị cá của vùng ăn sóng, nói gió. Tiếng sóng vẫn ì ầm. Tiếng gió lào vẫn rít từng trận bên tai. “Không mảy may một chút gió đông, dầu sát bên bờ biển” – tôi đang tự thắc mắc về sự khắc nghiệt của thiên nhiên thì thằng Thân thản nhiên buông một câu chắc nịch:

- Đất Thạch Đỉnh, Thạch Hải mới là vùng khắc nghiệt. Ở đó, nhiều ao hồ cạn trơ, người dân chủ yếu lấy nước trời. Mùa này, họ chẳng thể sản xuất lúa hè thu.

Chả mấy chốc, tôi đã có mặt tại ngã ba đường vào di tích danh nhân Dụ Quốc công Nguyễn Lý. Thạch Đỉnh hiện ra giữa mênh mông đồng lạc lá khô giòn, tưởng như có thể tự nhiên bốc cháy. Thi thoảng, gió lào cuốn bụi đường thổi lên từng trận, tôi cảm nhận mắt đã đỏ lên. Mùi bùn chết, hồ đông khô hắt lên những vị khó tả. Núp mình dưới bóng kè đơn độc, bà Lan phe phẩy cái quạt nan, dõi mắt ra cánh đồng, thở từng tiếng: “Năm mô mùa hè cụng (cũng) nắng nhưng chưa có khi mô nắng như mấy ngày ni”.

Giấc mơ có thực

Ngồi sau Thân, tôi chợt nghĩ, gã này có phải là mình đồng, da sắt hay không mà chẳng nghe gã kêu ca về sự nóng, thi thoảng còn hát những bài hát núi Hồng – sông La, nghe là lạ. Chút thắc mắc làm chúng tôi trò chuyện nhiều hơn. Gã bảo:

- Có gì đâu, ở xứ bãi ngang này, nắng như thế cũng bình thường. Bây giờ là đỡ lắm rồi, ngày xưa, còn ghê gớm hơn.

Trên con đường dài chừng 2 km dẫn ra xóm Đạo (xã Thạch Lạc), gã chỉ cho tôi những ụm cây, những bãi tràm và bảo:

- Hồi trước đi học, bọn tớ phải trải từng chiếc lá, đặt chân lên mà đi. Ngày đó làm gì có đường sá như bây giờ. Từ nhà vào trường hơn 1 km toàn đường cát, đi phải mất cả tiếng đồng hồ. Mà có phải lắm cây như hồi này đâu. Trước đây, người dân đào hết gốc để làm củi.

- Khoảng 10h trưa đã không thể chịu nổi cái nóng rồi – gã nói về ngày đó - Khoảng năm chín mấy, có 2 đứa con nít ở Thạch Trị chết nóng vì chăn bò về muộn, đi qua cánh đồng cát bằng chân trần.

Tôi nghe Thân kể cứ tưởng là chuyện ở tận đẩu đâu. Dường như hiểu được sự băn khoăn của tôi, gã tinh khôn bảo:

- Ông không tưởng tượng được đâu. Xưa, xứ này xa trung tâm. Khổ lắm! Không có đường sá, điện đóm, cây cối như bây giờ. Kho hợp tác khi trước – gã chỉ về phía xa, là nơi bà con tụ họp mỗi trưa hè. Giờ làm gì có chuyện đó.

Gã quay lại nhìn tôi và đùa:

- Đấy, ông đang ngồi trên chiếc xe Dream đấy! Dream là giấc mơ…

Bằng tuổi tôi, cái tuổi mà tôi vẫn tự coi mình là khờ dại, vậy mà, Thân đã tỏ ra vững vàng, từng trải. Tôi ngạc nhiên để rồi tự lý giải, ắt là mảnh đất gian khó đã “nặn” ra tính người vậy thôi, phải cứng cáp lên mới tồn tại được. Cũng không biết có phải là tính cách cộng đồng, tâm lý tập thể hay không mà sao tôi chẳng thấy cái nhịp điệu cuộc sống bị ngắt quãng bởi nắng dữ trong những ngày trời nung tháng 6.

Người bãi ngang vẫn lao động hăng say, miệt mài. Bà Thanh (62 tuổi, ở Thạch Lạc dừng chiếc xe đạp điện ven đường, niềm nở tiếp chuyện chúng tôi. Bà kể về quy trình 1 ngày làm việc của mình mà tôi thấy rộng lớn hơn một vùng dân cư chăm chỉ: Dậy từ 4h, đi chợ sớm kẻo nắng. Đi chợ về thì đi nhổ lạc, bẻ lạc. Chiều thả bò ra đồng và hái dưa. Bà còn nói thêm:

- Chợ ở đây họp sớm lắm. 8 - 9h đã hết người.

Cái thằng Thân vạm vỡ, chẳng sợ nắng, cứ chở tôi đi hết cánh đồng này đến cánh đồng nọ. Đường nối đường bằng bê tông. Trời tháng 6, người dân tấp nập thu hoạch lạc, dầu ngọn lạc trên tay héo queo như muốn cháy lên. Xen lẫn những cánh đồng cao cưỡng là tiếng máy thi nhau phay đất. Người tát nước, người be bờ, tiếng gọi nhau râm ran trên những cánh đồng rộng lớn. Chủ tịch HĐND xã Thạch Văn - Dương Văn Thái nói với chúng tôi: “Nắng thì nắng, chứ người dân tuân thủ đúng lịch thời vụ. Hơn 80% diện tích lạc đã thu hoạch. Toàn bộ diện tích lúa hè thu đã gieo vãi xong; khoảng 1 ha dưa hấu đã cho thu hoạch. Từ trước đợt nắng nóng đến nay, dân chúng tôi tập trung mạnh vào việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2015. Đến nay, khu dân cư Tân Văn cơ bản đã hoàn thành, 3 khu dân cư khác khoảng tháng 8 sẽ hoàn tất”.

Cùng ông Thái đi giữa con đường rợp bóng cây, tôi hiểu rõ vì sao người ta gọi cây là máy điều hòa nhiệt độ. Thấp thoáng trong khu vườn cát, ông Thanh đang sửa sang từng chiếc cọc bê tông vừa trồng để xây dựng mô hình. Ông Thái nhanh miệng: “Chúng tôi đã vận động người dân xây dựng mô hình trồng thanh long đỏ theo hình thức liên kết các gia đình, với diện tích 2,5 ha. Hiện giờ, người dân đang tập trung chăm bón 5 loại cây ăn quả đã trồng theo định hướng”.

Trò chuyện nhiều chiều trên con đường thôn dã, chúng tôi gặp ông Lê Văn Thuận – Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện đang cùng 2 cán bộ đi kiểm tra tiến độ sản xuất hè thu. Ông Thuận tự hào tựa như người có hộ khẩu ở bãi ngang: “Vùng bãi ngang tập trung 1.400/1.800 ha lạc toàn huyện, nhưng nay đã thu hoạch gần xong. Các loại dưa hấu, dưa gang, dưa lê, bù sáp ở Thạch Văn, Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Khê đang cho thu hoạch. Tiến độ sản xuất hè thu ở bãi ngang đã cơ bản do người dân tranh thủ tối đa nguồn nước từ các kênh N7, N9 và hồ đập trên địa bàn, nhất là cống Hữu Ngạn, thậm chí, có nơi như ở Thạch Lạc, người dân đã đào hồ để cứu lúa”.

Chia tay các vị “chức sắc”, tôi cùng Thân trở về, mang trong mình nhiều thành quả. Những đoàn người vẫn đổ về bãi biển Thạch Văn – Thạch Trị, Thạch Hải làm náo nhiệt cả một vùng duyên hải. Chợt nhớ Bí thư Đảng ủy xã Thạch Văn vừa tự hào: “Mới đây, ngày 28/5, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2044 về phê duyệt nhiệm vụ dự toán khảo sát địa hình, lập quy hoạch phân khu xây dựng khu dịch vụ và du lịch biển Văn – Trị với diện tích 150 ha. Hiện, xã đang tập trung kêu gọi đầu tư”.

Nghĩ đến đó, trong tôi lại lấp lánh những hình ảnh nhộn nhịp ngày hè nơi bãi ngang: trên đồng xa, người nông dân gọi nhau gieo hạt; dưới biển cả, du khách đắm mình trong biển và cát mênh mông. Nghĩ đến đó, lòng tôi bỗng dưng mát lại. Giấc mơ sẽ là sự thực trong tương lai gần.

Mạnh Hà
theo baohatinh

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập882
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại762,672
  • Tổng lượt truy cập93,140,336
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây