Học tập đạo đức HCM

Âm vang Ngàn Trươi

Chủ nhật - 05/08/2012 19:41
Núi rừng thượng nguồn Ngàn Trươi không chỉ được biết đến là nơi khởi thủy của sông La, sông Lam với dòng nước mát trong xanh, hiền hòa đã từng đi vào thơ ca, nhạc họa mà ở đó còn trầm tích những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống vượt ngưỡng thời gian. Trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước hôm nay vùng đất và con người nơi đây đang tiếp tục viết nên những trang sử mới.

 

Âm vang Ngàn Trươi
Sông núi Ngàn Trươi.

Núi Giăng Màn trùng điệp, sông Ngàn Trươi uốn khúc quanh co là biểu tượng, niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân Vũ Quang. Thế núi, hình sông nơi đây không chỉ đẹp như một bức tranh thủy mặc mà ở đó còn có nhiều câu chuyện để các thế hệ nối tiếp nhau biết giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống cha ông để lại. Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19 chí sỹ yêu nước Phan Đình Phùng đã vượt qua bao núi cao, thác giữ chọn thượng nguồn Ngàn Trươi làm nơi đóng quân, rồi ráo riết đào hào đắp lũy, rèn đúc vũ khí, luyện tập võ nghệ. Với tài thao lược của mình cụ Phan cùng nghĩa quân đã lợi dụng vách núi hiểm yếu, nước sông chảy mạnh bí mật cho chặt nhiều cây gỗ to rồi huy động lực lượng lấy đá ngăn dòng tích nước. Khi công tác chuẩn bị được hoàn tất đâu vào đấy cũng là lúc thực dân Pháp tấn công vào căn cứ. Thời cơ đến cụ Phan liền chỉ huy nghĩa quân vừa ồ ạt nổ súng vừa phá đá tung kè. Dòng lũ dữ ầm ầm lao xuống kéo theo những cây gỗ lớn thúc vỡ đầu, gãy chân tay, cuốn trôi hàng trăm binh lính Pháp. Trận “sa nang úng thủy” làm kinh hồn, bạt vía quân thù và nghĩa quân cũng đã thu được rất nhiều khẩu súng, quân trang quân dụng của địch. Ngược dòng thời gian về với cội nguồn giáo sư Đinh Xuân Lâm đã ghi lại những dòng chữ bất hủ về cuộc khởi nghĩa Hương Khê và chiến thắng Vũ Quang. Hôm nay tại Miếu thờ Cụ Phan Đình Phùng ở bản Kim Quang những dòng chữ đó là một minh chứng hùng hồn để thôi thúc mỗi chúng ta sống xứng đáng với các thế hệ cha ông đi trước đã một thời “máu trộn bùn non”, “ hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Thượng nguồn Ngàn Trươi không chỉ ghi dấu những chiến công vang dội mà hôm nay người dân bản Kim Quang niềm vui như được nhân lên, bởi đây là dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị Việt- Lào. Mặc dù ở bản Kim Quang hiện chỉ có hơn 90 hộ dân gốc Lào Thơơn sinh sống, thế nhưng những ngày này có mặt tại bản đâu đâu cũng bắt gặp không khí hồ hởi náo nức, trên khắp các trục đường và mỗi nếp nhà dân cờ Tổ quốc Việt Nam, cờ Lào kiêu hãnh tung bay trước gió. Hình ảnh đó đã và đang góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết, hữu nghị Việt Lào mãi mãi gắn bó keo sơn bền chặt. Bao năm dài đằng đẵng trôi qua, giờ đây những người đầu tiên di cư từ bản Na Ca Đốc sang định cư ở Kim Quang như cụ Nguyễn Thị Hào, bà Phan Thị Lừng… tuổi tác đã cao, sức khỏe yếu song các thế hệ con cháu của họ thì vẫn ngày đêm hăng hái thi đua lao động sản xuất, chung tay, góp sức xây dựng quê hương. Bỏ lại quá khứ khó khăn, lam lũ hôm nay cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân Kim Quang đã có nhiều đổi thay với những gam màu tươi mới. Kinh tế phát triển, các hũ tục lạc hậu được bãi bỏ, con em trong độ tuổi được cắp sách đến trường, các hoạt động văn hóa xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh biên giới được toàn thể nhân dân hưởng ứng, đóng góp tích cực.

Âm vang Ngàn Trươi
Nhịp sống mới nơi thượng nguồn Ngàn Trươi.

Sông Ngàn Trươi vẫn chảy mãi về xuôi, mang nguồn nước mát và những hạt phù sa màu mỡ tưới cho ruộng đồng vùng hạ lưu ngày thêm tốt tươi, trù phú. Những địa danh như bãi Cà Tỏ, Vực Vền, thác Cây Ôỉ, cầu Công trình…vẫn mãi gắn bó mật thiết với bà con dân bản. Đặc biệt gần đây từ chủ trương xây dựng Vườn quốc gia Vũ Quang thành khu du lịch sinh thái, du lịch hướng về nguồn cội tuyến đường ven thành lũy cụ Phan được đầu tư xây dựng với số vốn hàng tỷ đồng đưa vào sử dụng đã tạo nên một diện mạo mới cho Kim Quang. Ngày lại ngày trên tuyến đường này đã thu hút nhiều cư dân, du khách thập phương về đây tham quan thưởng ngoạn. Với họ đến Kim Quang không chỉ đắm mình trước vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, khe suối mà điều quan trọng và ý nghĩa hơn là được tận mắt chứng kiến cái nơi phong trào Cần Vương dựng cờ khởi nghĩa. Trong âm hưởng của núi rừng, dưới những tán cây cổ thụ, hay bên vách đá dựng cheo leo hào khí từng trận đánh của nghĩa quân Cần Vương vẫn còn vang vọng, gợi lên trong mỗi chúng ta niềm kiêu hãnh về quá khứ hào hùng, về một thời đất nước binh đao bấn loạn.

Không còn câu cửa miệng “Xa ngái Kim Quang”, giờ đây trong nhịp sống mới hối hả tuôn trào, bản làng đã thực sự xích lại gần hơn với miền xuôi bằng những bước tiến vượt bậc đáng khích lệ trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Một vùng quê sơn thủy hữu tình, quanh năm mây vờn gió núi và hôm nay vùng quê ấy lại càng được biết đến nhiều hơn khi dự án thủy lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi- Cẩm Trang được triển khai xây dựng. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án dù đã gắn bó nhiều năm với biết bao kỷ niệm vui buồn, song điều đáng cảm phục là người dân Kim Quang luôn sẵn sàng gạt bỏ những hạnh phúc riêng tư vì sự phát triển đi lên của xã hội. Trong thực hiện chủ trương di dời các hộ dân nơi đây luôn tiên phong gương mẫu, tạo sự đồng thuận cao khi kiểm kê áp giá bồi thường vườn tược, nhà cửa và các công trình kiến trúc. Qua đó đã tạo nhiều thuận lợi cho các cấp, các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án. Không dừng lại ở đó, sự gắn bó mật thiết còn được thể hiện, được khẳng định nhiều hơn khi mà phần lớn những hộ dân ở Kim Quang đều tái định cư tập trung theo chủ trương của Đảng, nhà nước. Tất cả họ đều chỉ có một ước nguyện duy nhất là nơi ở mới cuộc sống, sinh hoạt sẽ tốt hơn, để các thế hệ con cháu mai sau có điều kiện vươn lên đóng góp sức lực, trí tuệ dựng xây quê hương, đất nước.

Rời thượng nguồn Ngàn Trươi khi ánh mặt trời chênh chếch xuyên qua rừng cây cổ thụ, rồi tỏa nắng buông xuống bản làng. Những tia nắng ấm áp, tinh khôi và trong lành như chính tâm hồn, cốt cách của lớp lớp bao thế hệ người dân Kim Quang. Sau nhiều năm gắn bó với núi rừng dù bị rịn trước lúc chia xa, dù tiếc nuối những gì còn lại nhưng hôm nay trước công trình đại thủy nông Ngàn Trươi- Cẩm Trang, tất cả người dân Kim Quang đã sẵn sàng thực hiện việc di dân tái định cư trong hành trang đầy đặn của riêng mình.


Nguồn: baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập227
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại227,458
  • Tổng lượt truy cập90,290,851
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây