Lăn tăn về giống
Ông Trần Văn Be (Hai Be) ở xã Đông Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang) nói: “Khi vừa thu hoạch xong vụ lúa trên nền đất nuôi tôm là gia đình tui vội kêu máy đào ao vèo ngay giữa ruộng và mua một ghe nước biển 30m3 (do hệ thống cống chưa mở nên nước mặn chưa vào tới ruộng) hết gần 1 triệu đồng để bơm vào thả giống trước Tết Nguyên đán khoảng nửa tháng.
Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của ông Hai Be trong vụ thả tôm mới là thiếu con giống có chất lượng. Vì hiện nay trên thị trường có quá nhiều chủng loại, thật giả lẫn lộn, giá chênh nhau 15 - 30 đồng/con. “Để chắc ăn, tui quyết định chọn loại tôm thùng thương hiệu 3K với giá 65 đồng/con để thả. Cũng may mình mua sớm nên được giá rẻ chứ chưa đầy 10 ngày sau loại tôm này đã lên 80 - 85 đồng/con”, ông Hai Be nói. Tương tự, ngay từ trước Tết, gia đình ông Lê Hồng Lữ (xã Thuận Hòa, cùng huyện An Minh) đã tranh thủ bơm tát vuông, xử lý cá tạp… chờ có nước mặn là lấy vào để thả giống. Thế nhưng, dù đã đặt cọc trước nhưng mãi đến ngày 10/2 mới mua được tôm giống vì hút hàng, nguồn cung không đủ. Ông Lữ tâm sự: “Giá tôm thùng (tôm có thương hiệu) hiện đã tăng gấp đôi so với trước Tết, hiện ở mức 80 - 85 đồng /con, riêng loại đủ post 15 lên đến hơn 100 đồng/kg. Còn tôm do các cơ sở nhỏ lẻ tự sản xuất hoặc mua từ nơi khác về vèo lại cũng 40 - 50 đồng/con nhưng chất lượng khó kiểm soát”.
Theo kế hoạch, năm nay Kiên Giang thả nuôi 89.000 ha tôm nước lợ, trong đó 2.235 ha nuôi công nghiệp, nhu cầu tôm giống trên 6 tỷ con (4,18 tỷ tôm sú, 1,9 tỷ TTCT). Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở trong tỉnh chỉ mới sản xuất được khoảng 1,5 tỷ con nên lượng tôm giống cần nhập khá lớn.
Chợ tôm giống được bán tại khu vực Thứ Bảy, An Biên, Kiên Giang - Ảnh: Ngọc Trinh
Nhu cầu tăng cao khiến nguồn tôm giống trôi nổi tìm cách len lỏi vào các vùng nuôi tôm theo cả đường bộ lẫn đường thủy mà cơ quan chức năng khó kiểm soát hết. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kiên Giang Nguyễn Đình Xuyên cho biết, hiện nay lượng tôm giống nhập vào tỉnh bắt đầu tăng mạnh, chủ yếu từ các tỉnh miền Trung và Cà Mau, Bạc Liêu, nhiều nhất từ Ninh Thuận, Bình Thuận. Điều đáng lo ngại là kết quả xét nghiệm mẫu tôm giống năm nay có tỷ lệ giống nhiễm bệnh khá cao. Trong tổng số 68 mẫu được Chi cục xét nghiệm, có tới 32 mẫu nhiễm bệnh. Ngoài ra, 3/9 mẫu xét nghiệm miễn phí cho nông dân phát hiện nhiễm bệnh còi. “Tình trạng chung hiện nay là các tỉnh cấp giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản đều không có phiếu xét nghiệm các bệnh thuộc danh mục bệnh thủy sản phải kiểm dịch mà chủ yếu là kiểm tra cảm quan rồi cấp giấy, không ghi số lô hay dấu hiệu phân biệt, không niêm phong phương tiện… Chính điều này đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý ”, ông Xuyên nói.
Hậu quả nhãn tiền
Con giống kém chất lượng sẽ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh xảy ra sớm. Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Kiên Giang cho biết, đến thời điểm này nông dân trong tỉnh đã thả nuôi trên 27.500 ha tôm quảng canh, tôm - lúa; do mới ở giai đoạn đầu nên chưa phát sinh dịch bệnh nhiều. Riêng tôm công nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên, các đơn vị đã thả nuôi được 112 ha. Điều đáng lo ngại là thời gian qua tiết thời liên tục lạnh kéo dài nên tôm chậm lớn. Đặc biệt, cơ sở nuôi tôm tại Kiên Lương (Công ty KISIMEX) đã có 1,7/5 ha tôm nuôi 40 ngày tuổi bị chết hàng loạt do hoại tử gan tụy. Vậy là “cơn ác mộng” về loại dịch bệnh đã làm cho nhiều hộ nông dân nuôi tôm ở ĐBSCL điêu đứng suốt mấy năm qua vẫn còn hiện hữu.
Còn tại một số tỉnh ven biển khác ở ĐBSCL cũng đã xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi. Tại Trà Vinh, vụ nuôi tôm nước lợ 2014 vừa bắt đầu đã có khoảng 10 ha thả nuôi TTCT công nghiệp bị thiệt hại. Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh, nguyên nhân là do thời tiết diễn biến phức tạp, lạnh kéo dài; độ mặn, PH, môi trường nước không ổn định, tạo điều kiện cho dịch bệnh tấn công. Vì vậy, ngành NN&PTNT khuyến cáo người nuôi tôm tạm thời ngừng thả giống, tập trung cải tạo môi trường thật tốt, chờ khi thời tiết ổn định mới tiếp tục thả nuôi.
>> Ngoài vấn đề chất lượng con giống, người nuôi tôm ở ĐBSCL còn phải đối diện hàng loạt khó khăn đã tồn tại nhiều năm nay, như: hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa có hệ thống kênh cấp, thoát nước riêng biệt…; do đó, chỉ cần 1 hộ nuôi bị dịch bệnh, xả thải chưa xử lý ra môi trường là cả vùng có nguy cơ lây nhiễm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;