Học tập đạo đức HCM

Gồng mình chống chọi nắng nóng, khô hạn kéo dài!

Thứ hai - 01/06/2015 04:19
Đợt nắng nóng kỷ lục với cường độ lớn và kéo dài hàng chục ngày đang gây nhiều tác động xấu đối với sản xuất và đời sống người dân trên toàn tỉnh. Vụ lạc xuân khó thu hoạch, cây trồng hè thu chậm thời vụ, nguy cơ cháy rừng ở mức báo động, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang tăng theo cấp số nhân, sức khỏe của người và gia súc bị đe dọa...
Đồng khô cỏ cháy

Đã hơn 40 ngày Hương Khê không có mưa. Tình trạng khô hạn kéo dài, cộng với đợt nắng đỉnh điểm trên 40oC hơn 1 tuần qua như một chảo lửa hun đốt con người, gia súc và cây cối. Nhiều diện tích lúa hè thu chạy lụt không thể triển khai. Bên cạnh đó, do đất đai khô cứng, nứt nẻ, nhiều diện tích lạc không thể tiến hành thu hoạch. Theo thống kê, 2.100 ha lạc trên toàn huyện hiện chỉ mới thu hoạch chưa đầy 50%, trong khi các năm khác, thời điểm này, trên diện tích đã thu hoạch lạc xuân, bà con đã bắt đầu xuống giống các trà đậu hè thu chạy lụt.

“Chảo lửa” Hương Khê đồng khô, giếng cạn!
Thiếu nước, cánh đồng chạy lụt thôn 9, xã Phúc Đồng chưa thể vào vụ hè thu

Dẫn chúng tôi đến những cánh đồng khô trắng, trong đó có một số diện tích cao cưỡng, ở các xã Hương Giang, Hương Thủy, Hương Linh, Phúc Đồng, ông Lê Tiến Đài - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho hay: “Vụ hè thu, toàn huyện cơ cấu 700 ha lúa chạy lụt/tổng diện tích 1.600 ha lúa và 1.600 ha đậu chạy lụt/3.600 ha đậu có nguy cơ đối mặt với rủi ro cuối vụ do không thể hoàn thành xuống giống trước ngày 10/6. Tại Hương Giang, theo ông Phan Đình Hùng - Chủ tịch UBND xã: “Nếu vài chục ngày nữa không có mưa thì 150 ha trồng màu không thể làm đất. Về lúa, cố gắng lắm chỉ triển khai được 80 ha, còn lại 80 ha phải chuyển đổi sang cây trồng cạn, tuy nhiên, chỉ thực hiện được với điều kiện phải có mưa”.

Không chỉ tác động đến tiến độ sản xuất, nắng nóng đỉnh điểm còn làm nhiều diện tích cây trồng khô héo. Hiện tại, trên địa bàn huyện, nhiều diện tích chè, cam, keo đang trong tình trạng chết dần vì nhiệt độ quá cao. Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Huyện đang tập trung mọi nguồn lực để khắc phục khó khăn, chỉ các địa phương tiến hành sản xuất theo phương châm nước đến đâu làm đất đến đó, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thoát, lãng phí nước; triển khai hiệu quả phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn theo phương án không có lũ tiểu mãn đã vạch ra từ đầu vụ.

Gồng mình chống chọi nắng nóng, khô hạn kéo dài!
Mực nước tại đập Nội Tranh, xã Sơn Lễ (Hương Sơn) đang trong tình trạng báo động

Không chỉ ở các huyện vùng cao: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê mà cả huyện đồng bằng, gần nguồn nước từ hồ Kẻ Gỗ là Thạch Hà cũng có không ít diện tích đất lúa chờ tưới. Tại các xã bãi ngang, bên cạnh những diện tích đã lật đất đang “trắng bụng”, nhiều diện tích gieo sạ đang rơi vào tình cảnh bị khô cháy. Tại các xã vùng thượng như Thạch Liên, Việt Xuyên, Thạch Ngọc, Ngọc Sơn, nhiều diện tích hiện chưa thể khẳng định về việc đảm bảo tiến độ, kế hoạch sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Phụ trách Phòng NN&PTNT huyện cho hay: “Vụ hè thu, huyện cơ cấu 7.200 ha lúa, 400 ha đậu và 200 ha lạc. Đến thời điểm này, ngoài 250 ha gieo thẳng và 15 ha bắc mạ, toàn huyện có 2.500 ha đã được làm đất. Hiện tại,18 hồ đập do huyện quản lý chỉ đạt khoảng 40% lưu lượng nước, không đủ khả năng tưới theo dự kiến. Cùng với chống hạn, huyện đang tập trung cao cho việc phòng chống cháy rừng, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, tuyên truyền lưu động, nhất là ở địa bàn 5 xã vùng thượng”.

Gồng mình chống chọi nắng nóng, khô hạn kéo dài!
Nhân dân xã Sơn Hòa (Hương Sơn) phải xẻ ruộng để dẫn nước

Cùng cán bộ phòng kiểm tra thực tế tại một số trạm bơm, hồ đập trên địa bàn, chúng tôi thấy rõ nguy cơ thiếu nước trong khâu làm đất và khâu tưới dưỡng đang cận kề. Nếu như trạm bơm tại thôn 4 (Việt Xuyên) đã rơi vào tình trạng “treo” thì trạm bơm tại thôn Mộc Hải (Thạch Ngọc) đã phải vét từng lượng nước nhỏ từ sông Vách Nam. Anh Trần Văn Đoàn - người trông coi trạm cho hay: “Trạm mới bơm được vài ngày thì đã hết nước. Hiện tại, nước phục vụ cho thôn Mộc Hải cũng chỉ đáp ứng được 1/3, chưa nói đến số diện tích ở thôn Bắc Tiến đang phải chờ”.

Ông Nguyễn Hồng Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc cho biết: “Khoảng 120 ha trồng lúa phụ thuộc vào hồ đập, trạm bơm sẽ được chuyển sang trồng đậu xanh, dưa hấu. Hiện tại, xã đã ban hành chính sách hỗ trợ 100% chi phí về giống”.

Khát nước sinh hoạt

Nắng nóng không chỉ gây ra tình trạng khô hạn trên các cánh đồng mà còn tác động xấu đến đời sống dân sinh. Ở Hương Sơn, nhiều xã đã phải đầu tư mua ống dẫn nước từ các giếng làng hoặc đào giếng lấy nước sinh hoạt.

Gồng mình chống chọi nắng nóng, khô hạn kéo dài!
Nhân dân xã Sơn Lĩnh (Hương Sơn) phải khoét sâu giếng để tìm thêm nguồn nước

Còn ở Hương Khê, hầu như xã nào cũng xuất hiện hạn hán cục bộ và nếu nắng kéo dài thêm ít ngày nữa, số hộ thiếu nước sinh hoạt sẽ tăng lên hàng ngàn. Bà Trần Thị Hiền (thôn 6, xã Hương Giang - Hương Khê) lo lắng: “Mấy bữa nay, trẻ con, người lớn phải tập trung về đập Họ Võ để tắm, giặt. Hiện tại, hơn 70 hộ dân trong thôn phải chắt từng tí nước hàng ngày. Cả thôn chỉ còn biết cậy nhờ vào 2 hộ có giếng khoan là bà Vinh và ông Hóa”.

Người dân ở đây còn cho hay, nắng nóng không chỉ gây thiếu nước sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi, nhất là đối với những mô hình chăn nuôi lợn quy mô 20-30 con. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ nhỏ thường xuyên bị triệu chứng viêm mũi, cảm sốt, phải vào trạm y tế trong những ngày qua cũng tăng nhanh.

Gồng mình chống chọi nắng nóng, khô hạn kéo dài!
Người dân Sơn Hòa (Hương Sơn) đào đường dẫn nước về sử dụng

Tại Thạch Hà, một số thôn thuộc xã Thạch Ngọc, Ngọc Sơn, Thạch Liên đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. “Thôn Tân Tiến, Bắc Tiến, Mộc Hải với hơn 450 hộ đang rất khó khăn, do sinh hoạt của người dân phụ thuộc vào nguồn nước mưa. Đất bị nhiễm phèn rất nặng nên không chỉ nắng hạn mà ngày thường, giếng cũng không sử dụng được”, ông Nguyễn Hồng Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc cho hay.

Đợt nắng kỷ lục năm nay, bà con nhân dân đang nỗ lực tìm cách khắc phục khó khăn, hỗ trợ, chia sẻ nguồn nước sạch; tận dụng các hồ đập để phục vụ những sinh hoạt tối thiếu, đồng thời chống nóng, chống khát cho gia súc. Đối với chính quyền các huyện, bên cạnh tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho người và vật nuôi, cây trồng trong mùa nắng nóng, thì các giải pháp hỗ trợ dân sinh khi nắng hạn còn tiếp tục kéo dài cũng đã được tính đến.

Nhóm PV
Theo baohatinh.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập557
  • Hôm nay70,827
  • Tháng hiện tại806,937
  • Tổng lượt truy cập93,184,601
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây