Thông tin tại hội nghị cho thấy, tại các tỉnh phía Nam, sâu năn hại lúa và bệnh khảm lá sắn là 2 đối tượng dịch hại gây nhiều lo ngại nhất.
Theo TS Nguyễn Thị Phong Lan (Viện Lúa ĐBSCL), sâu năn (muỗi hành) là đối tượng gây hại thứ cấp trên lúa. Tuy nhiên trong những năm gần đây sâu năn xuất hiện và gây hại nặng trên lúa vùng ĐBSCL và tập trung ở vụ ĐX.
Lúa bị sâu năn gây hại |
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho hay, trong vụ ĐX 2016-2017, sâu năn gây hại diễn ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh, TP thuộc ĐBSCL, nặng nhất là Kiên Giang và Cần Thơ. Vụ ĐX 2017-2018, sâu năn tiếp tục gây hại trên diện rộng. Các tỉnh có sâu năn xuất hiện gây hại phổ biến như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long... Diện tích nhiễm trong vụ này là 46.587 ha (tăng 467 ha so với ĐX 2016-2017). Trong đó, tỷ lệ dảnh bị hại < 30% là 23.493ha, > 30% là 23.094ha. Sâu năn gây hại nặng đặc biệt trên những giống lúa thơm Jasmine85, OM4900, Đài thơm 8, OM 7347, OM 6162, OM 6976, OM 5451...
Dự báo của ngành BVTV cho thấy, sâu năn tiếp tục có khả năng phát sinh, phát triển mạnh trong vụ ĐX 2018-2019, trên các trà lúa gieo sạ từ cuối tháng 12 đến tháng 2/2019. Sâu năn sẽ gây hại phổ biến cho các diện tích lúa ở giai đoạn đẻ nhánh trong điều kiện thời tiết âm u, sáng sớm có sương mù kết hợp với mưa. Đặc biệt những ruộng sử dụng giống lúa thơm, sạ dầy, bón thừa phân đạm có thể bị nặng.
Theo TS Nguyễn Thị Phong Lan, quy luật phát sinh và phát triển sâu năn hại lúa ở ĐBSCL đang được Viện Lúa ĐBSCL kết hợp với Trung tâm BVTV phía Nam, Viện BVTV và ĐH Cần Thơ tập trung nghiên cứu để có thể đưa ra các giải pháp phòng trừ hiệu quả sớm nhất, giúp nông dân chủ động khống chế dịch hại trong vụ ĐX tới.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, đến giữa tháng 9, trên cả nước đã có 12 tỉnh, TP xuất hiện bệnh khảm lá sắn, gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Đăk Lăk, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, TP.HCM, Long An, Gia Lai và Phú Yên.
Như vậy, khảm lá sắn đã xuất hiện ở tất cả các tỉnh Đông Nam Bộ và đã lan tới Tây Nguyên, miền Trung và ĐBSCL (Long An). Đáng lo ngại nhất là các tỉnh Tây Nguyên vì tỉnh nào cũng có diện tích sắn rất lớn, khoảng 50.000 - 60.000ha. Tổng diện tích bị khảm lá sắn hiện đã vào khoảng 40.000ha, chiếm gần 10% diện tích trồng sắn cả nước.
Đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra dịch khảm lá sắn vùng Đông Nam Bộ |
Theo TS Nguyễn Thị Phong Lan, gần đây, có sự xuất hiện của rầy xanh (thuộc nhóm rầy lá), tuy mật số thấp nhưng di chuyển nhanh, khả năng truyền virus cao hơn nhiều so với rầy nâu... Rầy xanh và rầy bông là nguyên nhân gây bệnh bệnh Tungro trên lúa. |
Thống kê của Trung tâm BVTV phía Nam, cho thấy, riêng ở khu vực Nam Bộ đã có 7 tỉnh, TP xuất hiện bệnh khảm lá sắn, với tổng diện tích đã nhiễm bệnh là 37.600ha (tăng 31.748ha so năm 2017). Trong đó, tỷ lệ gây hại < 30% là 17.684ha, từ 30 - 70% là 11.814ha, > 70% là 8.102ha. 274,3ha đã phải tiêu hủy do nhiễm bệnh quá nặng, không có khả năng cho năng suất. Đến ngày 13/9, diện tích sắn bị khảm lá sắn hiện đang có trên đồng ruộng Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Đồng Nai và Long An) là 19.259,9ha. Trong đó tỷ lệ nhiễm < 30% là 6.474ha; từ 30 - 70% là 6.671,1ha; > 70% là 6.114,8ha.
Theo ông Lê Quốc Cường, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam, khảm lá sắn đã xuất hiện ở Long An thì nguy cơ lan sang các tỉnh ĐBSCL là không nhỏ. Đồng thời, bệnh cũng đang có nguy cơ rất lớn lan ra miền Bắc.
Con đường lây lan xa và nguy hiểm nhất của bệnh khảm lá sắn là qua đường hom giống, bởi bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) chỉ có mức độ di trú 7km. Chính vì vậy, kiểm soát chặt chẽ hom giống, nhất là giống HL-S11 là giải pháp cần thiết hàng đầu. Đến nay, giống HL-S11 mới chỉ được cho trồng thử nghiệm, chưa được công nhận giống, vậy mà đã được trồng phổ biến và đưa vào cơ cấu giống ở nhiều địa phương.
Ông Hoàng Trung cho hay, tốc độ lây lan của bệnh khảm lá sắn rất lớn và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng. Đến thời điểm này, chúng ta đã có văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, đã có các biện pháp, quy trình phòng chống. Điều quan trọng nhất hiện nay là việc tổ chức phòng chống ở các địa phương, theo tinh thần phải thực hiện nhanh chóng, quyết liệt, không chần chừ. Tây Ninh nếu làm quyết liệt ngay từ đầu thì diện tích nhiễm bệnh đã không lớn như bây giờ.
Trung tâm Quốc tế về Nông nghiệp nhiệt đới (CIAT) vừa đồng ý giúp Việt Nam nhân nhanh một số giống trong số 100 dòng giống kháng bệnh khảm lá sắn. Đến nay, CIAT đã xong giai đoạn cấy mô và sắp tới sẽ chuyển về Việt Nam. Việc nhân nhanh giống sẽ được thực hiện tại Tây Ninh.
Các địa phương chưa bị nhiễm khảm lá sắn cần kiên quyết thực hiện việc cấm vận chuyển hôm giống về từ những vùng đang có bệnh như Tây Ninh. Nếu phát hiện bệnh xuất hiện trên phạm vi hẹp phải thực hiện tiêu hủy ngay, đồng thời quan tâm phòng trừ môi giới truyền bệnh.
Ông Lê Quốc Cường, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam xác nhận, trong tháng 3 và tháng 4/2018, trong các bẫy đèn ở các tỉnh và ở Trung tâm BVTV phía Nam, lượng rầy xanh và rầy bông vào bẫy đèn rất cao, có đêm tới cả ngàn con. Điều này cho thấy, nguy cơ xuất hiện bệnh Tungro là không nhỏ. Tuy nhiên, Trung tâm BVTV phía Nam còn chờ các kết quả phân tích mới khẳng định điều này. Thông tin mới đây của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), cho hay, các tỉnh của Campuchia dọc theo biên giới với Việt Nam đã có xuất hiện triệu chứng bệnh Tungro trên lúa, giống như ở Việt Nam. |
Tác giả bài viết: THANH SƠN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã