Lúa non chết cóng
Sáng 12-1, trời mưa lạnh căm căm nhưng nông dân Thừa Thiên - Huế vẫn phải ra đồng từ sớm tinh mơ đấu úng, cứu lúa non ngập sâu trong mưa lụt trái vụ. Tại xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền do địa hình thấp trũng nên 100% diện tích lúa dài ngày mới gieo sạ trên cánh đồng HTX Mai Dương gặp mưa lớn trái vụ bị ngập lụt, thiệt hại hoàn toàn. Ông Lê Đức Ưa, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước, cho biết, cán bộ kỹ thuật Phòng NN-PTNT huyện đang cùng bà con cứu lúa.
Vụ lúa đông xuân 2013, Quảng Trị dự định gieo cấy trên 24.152ha, đến thời điểm này đã gieo mạ và gieo thẳng được hơn 6.000ha. Tuy nhiên, nhiệt độ xuống dưới 150C những ngày qua khiến gần 1/2 diện tích mạ và lúa gieo thẳng không phát triển hoặc chết trắng đồng. Nhìn đám lúa gieo thẳng giữa trời mưa lạnh căm căm, bà Lê Thị Hà, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, chỉ biết than ngắn thở dài: “Nhà tui gieo 5 sào lúa vào hôm trước thì hôm sau trời đột ngột xảy ra mưa và rét đậm nên hạt lúa giống chưa kịp bám đất cứ thối đen… Biết giống hư, tui chạy từ đầu làng đến cuối xóm tìm mua lại giống lúa nhưng ai cũng nói hết. Đánh liều, tui đành bán hai tạ thóc thịt để dành cả nhà ăn tết, lấy tiền lên huyện mua thóc giống về gieo lại. Nhưng hạt giống chưa kịp rời tay thì gặp rét nên giống lại chết cóng...”.
Về nông thôn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế những ngày này, đi đâu cũng bắt gặp cảnh nông dân bất chấp mưa lạnh cứu lúa non. Sở NN-PTNT các tỉnh đã có công văn gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc chỉ đạo sản xuất và phòng chống rét vụ đông xuân 2013.
Trong đó nhấn mạnh, tuyệt đối không cấy lúa khi nhiệt độ xuống dưới 150C. Đồng thời, tăng cường bón tro bếp hoặc kali chống rét cho lúa; ban đêm cho nước vào ngập 2/3 cây lúa, ban ngày tháo nước ra và để mực nước khoảng 1 - 3cm trên ruộng.
Nguy hiểm vì sưởi than
Mưa lạnh đột ngột và kéo dài khiến bệnh nhân, nhất là người già và trẻ em nhập viện điều trị bệnh liên quan đến thời tiết tại các tỉnh Bắc miền Trung tăng mạnh. Tại khoa Nhi, Bệnh viện TƯ Huế, mỗi ngày có gần 200 người mang con em đến khám và chữa bệnh, chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, cảm lạnh… Ngoài ra, số người già được đưa đến Bệnh viện TƯ Huế điều trị do mưa rét trong một tuần qua cũng tăng mạnh. Gần 500 người già đến điều trị tại các khoa Nội tim mạch, Nội thần kinh hô hấp, Nội tổng hợp lão khoa và khoa Hồi sức cấp cứu. Hầu hết bệnh nhân lớn tuổi đến từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… bị tai biến mạch máu não, tắc nghẽn mãn tính phổi, xuất huyết tiêu hóa…
Tại Hà Tĩnh liên tiếp xuất hiện mưa phùn, ẩm ướt kéo dài khiến cho mức độ rét đậm, rét hại càng tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sức khỏe của người dân. Hiện bệnh nhân mắc các bệnh nặng về đường hô hấp như, viêm phổi, vi rút gây viêm nhiễm ở tai mũi họng ở trẻ em, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở người già phải chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng cao.
Bác sĩ Nguyễn Trí Quý, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, khoa đã tiếp nhận và đang điều trị cho 63 trẻ em, trong đó có 36 trẻ bị viêm phổi, viêm đường hô hấp, trong khi đó khoa chỉ đáp ứng được 50 giường bệnh. Khoa hồi sức tích cực, mỗi ngày tiếp nhận gần 20 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh tai biến, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp…
Trong khi đó tại khoa Tim mạch, ngày thường tiếp nhận điều trị từ 30 - 40 bệnh nhân. Nhưng hơn 2 tuần nay do trời rét đậm, khoa đã tiếp nhận đến 65 bệnh nhân, chủ yếu bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim ở người già. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình, nhất là ở vùng nông thôn thường dùng lò sưởi bằng than hoa, than gỗ, than lào… để sưởi ấm chống rét. Tuy nhiên, do chủ quan đóng kín cửa ngủ quên khiến một số người bị ngạt khí độc nặng.
Bác sĩ Đinh Quang Tuấn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện TƯ Huế, cho hay, thời tiết giá rét, nhiệt độ xuống thấp, trẻ thường bị viêm đường hô hấp cấp. Phần lớn trẻ mắc bệnh hô hấp nặng có mặt tại khoa đều là trẻ có tiền sử mắc các bệnh mãn tính từ trước. Do đó, vào mùa lạnh phụ huynh cần tuân thủ nguyên tắc: tiêm phòng đầy đủ, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, giữ ấm cho trẻ và cách ly những trẻ có tiền sử mắc bệnh mãn tính khỏi môi trường công cộng như trường học, nhà trẻ... Khi thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu mắc bệnh hô hấp như sốt cao, thở gấp, bỏ bú kéo dài cần đưa đến ngay bệnh viện, tránh tình trạng tự ý điều trị.
| |
Nhóm PV
sggp.org.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;