Ruộng lúa của nhiều nông dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang bị muỗi hành tấn công.
Rầy nâu, muỗi hành (sâu năn) hoành hành
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, đến nay diện tích lúa đông xuân giai đoạn đòng trổ bông đã bị rầy nâu tấn công khoảng 3.800 ha, trong đó 20 ha nhiễm nặng ở huyện Tân Hồng với mật số rầy từ 3.000-4.500 con/m2. Trong khi đó, 1.040 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ nhiễm sâu cuốn lá, chủ yếu nhiễm nhẹ, mật số sâu 10-30 con/m2. 75 ha đang đẻ nhánh - làm đòng nhiễm muỗi hành. 3.192 ha giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ nhiễm bệnh đạo ôn lá, trong đó 29 ha nhiễm nặng ở huyện Tân Hồng và Lấp Vò với tỷ lệ bệnh từ 20-40%. 1.265 ha nhiễm bệnh cháy bìa lá, trong đó 10 ha nhiễm nặng ở huyện Tân Hồng với tỷ lệ bệnh từ 40-50%...
Trong khi đó, tại tỉnh Kiên Giang, các đợt không khí lạnh tăng cường, xuất hiện sương mù, ẩm vào sáng sớm đã làm gia tăng các loại dịch bệnh. Hiện tổng diện tích lúa bị nhiễm các loại dịch hại trên địa bàn tỉnh là 45.000 ha, trong đó riêng dịch muỗi hành là trên 32.000 ha, tỷ lệ gây hại trên 20% (trên mức trung bình) chiếm tới 20.000 ha. Dịch hại tập trung chủ yếu ở huyện Hòn Đất với 20.000 ha và huyện Giồng Riềng với 10.000 ha. Ở giai đoạn nhỏ, nếu tỷ lệ nhiễm dưới 10% cây lúa có khả năng phục hồi, còn trên 20% sẽ gây hại đến năng suất.
Vụ lúa đông xuân luôn được nông dân kỳ vọng nhất trong năm do hiệu quả kinh tế mà nó mang lại nhờ năng suất cao, chi phí thấp. Do đó, dịch bệnh bùng phát gây hại khiến nông dân rất lo lắng. Trà lúa khoảng 40 ngày tuổi của nhiều nông dân huyện Hòn Đất bị muỗi hành tấn công. Nhiều người phun thuốc dập dịch nhưng vẫn không cứu được, gây thiệt hại khoảng 50%, chắc chắn năng suất vụ này sẽ giảm.
Theo một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hòn Đất, do phần lớn diện tích lúa của huyện (tổng diện tích 80.636 ha) đang trong thời kỳ làm đòng và trổ nên rất nhạy cảm với các loại dịch bệnh. Riêng dịch muỗi hành, toàn huyện có đến 1/4 diện tích bị nhiễm, trong đó nhiễm nhẹ 7.150 ha, trung bình 12.000 ha và nhiễm nặng 500 ha. Cán bộ bảo vệ thực vật thăm đồng và hướng dẫn nông dân cách phòng trị dịch muỗi hành hại lúa.
Tăng cường phòng chống
Muỗi hành chủ yếu gây hại ở giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh, thường tập trung ở các giống lúa có mùi thơm, nơi gần bờ, ruộng bón dư đạm hoặc phun thuốc sớm (20-25 ngày sau sạ). Khi bị dịch muỗi hành, cây lúa lùn, phần thân gốc hơi tròn và cứng, đỉnh sinh trưởng biến dạng, lá lúa dựng đứng có nhiều cọng giống cọng hành màu xanh lợt lẫn trong bụi lúa. Chồi lúa bị hại không còn khả năng cho bông nhưng đâm nhiều chồi phụ. “Để quản lý tốt muỗi hành, nông dân cần áp dụng gói kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, vệ sinh đồng ruộng, cày vùi rơm rạ, lúa chét, cỏ dại, xuống giống đồng loạt, tập trung, gieo sạ thưa (80-120 kg lúa giống/ha), bón phân cân đối, không bón thừa đạm, không lạm dụng chất kích thích sinh trưởng... Những ruộng bị muỗi hành gây hại ở giai đoạn sớm, cần phun thuốc đặc trị và chăm sóc, bón phân để cây lúa đẻ nhánh, bù lại. Còn ở giai đoạn làm đòng trở về sau, phun thuốc không còn hiệu quả, chỉ cần tiếp tục chăm sóc những chồi còn lại để giảm thiệt hại.
Đối với rầy nâu gây hại trên đồng đất tại tỉnh Đồng Tháp, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh này khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng, kiểm tra kỹ mật rầy trên ruộng, nhất là trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - đòng trổ để có biện pháp xử lý hiệu quả. Đồng thời áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý để lúa sinh trưởng và phát triển tốt nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và lợi nhuận...
Trong khi đó, Cục Trồng trọt nhận định, rầy nâu trên đồng phổ biến 5 ngày tuổi đến trưởng thành, xuất hiện ở mức độ nhẹ đến trung bình tại các tỉnh phía Nam. Cần quản lý tốt rầy nâu tại chỗ nhằm hạn chế khả năng lan truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu gây ra cho lúa hè thu 2017. Hiện nay, muỗi hành xuất hiện phổ biến trên các trà lúa gieo sạ từ đầu năm đến giữa tháng 12/2016, giai đoạn đẻ nhánh làm đòng trên các giống lúa Jasmine 85, TBR225, OM4900… Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo, khi rầy nâu xuất hiện ở mật độ cao có thể phun Applaud 10Wp (1,5-2 kg/ha) hoặc rải Wellof 3GR (12 kg/ha). Phòng trừ cuốn lá nhỏ, đạo ôn, dịch bệnh khác theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông địa phương.
Theo Hoàng Huy/ Người tiêu dùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã