Bệnh dễ lây, chưa có thuốc đặc trị
Khoảng đầu tháng 12/2020, con bò của ông Đào Ngọc Thịnh ở thôn Đông Thắng (xã Mai Phụ, Lộc Hà) bị mắc “bệnh lạ” và nhanh chóng lây bệnh cho 13 con khác trong địa bàn xã.
Ngày 16/12/2020, Chi cục Thú y vùng III lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả 14 con bò này đều dương tính với bệnh viêm da nổi cục. Dù các cấp, ngành đã tập trung vào cuộc nhưng sau hơn 1 tháng rưỡi, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Những con bò, bê ở xã Mai Phụ bị nổi cục toàn thân, sốt cao, sút cân, chướng bụng...
Xuất phát từ thôn Đông Thắng, đến nay, bệnh dịch nguy hiểm này đã lây lan ra đàn gia súc 86 con của 77 hộ ở 20 thôn, thuộc 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lộc Hà gồm: Mai Phụ, Thạch Châu, Phù Lưu, Thạch Mỹ, Hộ Độ, Tân Lộc, thị trấn Lộc Hà.
Chỉ tính riêng 4 ngày trở lại đây, trên địa bàn đã có thêm 30 con bị nhiễm bệnh, nâng số bò bị bệnh lên 86 con; 5 con bị chết. Đáng lo ngại hơn, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chưa thấy có dấu hiệu thuyên giảm, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục lan rộng.
Bò của anh Lê Văn Biên ở thôn Kim Ngọc (xã Thạch Châu) bị chết được cơ quan chuyên môn tiêu hủy theo quy định.
Ông Phan Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà thông tin thêm: “Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hiệu quả điều trị không cao vì đây là chủng bệnh do vi-rút gây ra, chưa có thuốc đặc dụng để điều trị.
Gia súc kháng bệnh cơ bản dựa trên sự chăm sóc, sức đề kháng tốt. Để ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn, ngoài phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột, dọn vệ sinh môi trường, cải thiện sức khỏe cho vật nuôi… thì sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành tiêm phòng thử nghiệm vắc-xin Lumpyeac”.
Công tác dập dịch gặp khó
Dịch bệnh đang hoành hành, xung quanh xóm đã có bò bị bệnh chết nhưng hộ ông Nguyễn Dân ở thôn Sơn Phú (xã Mai Phụ) vẫn phải thả 2 con bò ra đồng kiếm ăn. Theo lý giải của ông Dân, 2 con bò của ông quen chăn thả tự do nên trời hanh nắng là phải thả ra để chúng tránh tù chân, xuống cân.
Mặt khác, do các đợt mưa lụt lớn làm hư hỏng nguồn thức ăn khô dự trữ của gia đình nên việc thả ra đồng sẽ giúp giảm áp lực về thức ăn. Việc làm của những hộ như ông Dân được xem là một trong những nguyên nhân lây lan bệnh dịch, công tác phòng chống gặp khó khăn…
Các cơ quan chức năng kiểm tra hóa chất để đảm bảo phun tiêu độc khử trùng đạt kết quả tốt trong điều kiện mưa rét.
Chủ tịch UBND xã Mai Phụ Nguyễn Xuân Bắc cho hay: “Đàn bò trên địa bàn chủ yếu nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên. Trâu bò đi lại, kiếm ăn tự do, nguồn dịch bệnh không được kiểm soát được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến dịch bệnh lây lan như hiện nay”.
Ý thức phòng chống dịch bệnh của nhiều hộ chăn nuôi ở một số địa phương hiện chưa tốt. Khu vực chuồng trại đa số không đảm bảo vệ sinh tạo môi trường, tạo thuận lợi cho vật trung gian gây bệnh phát triển. Ngoài ra, người chăn nuôi chưa có ý thức cao trong việc thông tin kịp thời về dịch bệnh, thiếu kiến thức trong việc nâng cao sức khỏe cho vật nuôi và cách điều trị khi xẩy ra bệnh.
Đại đa số các khu chuồng trại đều không đảm bảo vệ sinh, dễ phát sinh ký sinh trùng trung gian gây bệnh.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình cho biết: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay là bởi nguồn lây bệnh dễ dàng (do muỗi, ruồi, ve… đốt) trong khi ý thức dọn dẹp vệ sinh, ngăn ngừa các loài trung gian gây bệnh chưa được bà con quan tâm thực hiện tốt. Cùng với đó, thời tiết giá lạnh, khắc nghiệt nên sức khỏe đàn bò không được đảm bảo, dễ bị nhiễm bệnh hơn”.
Cũng theo ông Võ Tá Bình, việc đẩy lùi bệnh viêm da nổi cục nói riêng và các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung ở Lộc Hà đang gặp khó khăn còn do đội ngũ cán bộ thú y cơ sở rất thiếu. Trong số 7 xã bị bệnh mới chỉ có 3 xã có cán bộ chuyên môn về thú y nên khó triển khai kịp thời, đầy đủ các nội dung, kế hoạch phòng chống dịch.
Theo Tiến Dũng/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã