Biển an toàn, các hoạt động SXKD của ngư dân sôi động trở lại
Ngày 6/4/2016 được xem là mốc khởi phát của sự cố môi trường biển. Sau vùng biển Vũng Áng, Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh, chỉ trong vòng 10 ngày, hàng loạt các địa phương Quảng Đông (Quảng Trạch), Nhân Trạch (Bố Trạch), Bảo Ninh (TP Đồng Hới), Ngư Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) rồi đến Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị), vào tận Lăng Cô, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tấp vào bờ biển.
Diễn biến nhanh, bùng phát một lúc trên nhiều tỉnh, Chính phủ nhận định đây là sự cố môi trường biển nghiêm trọng nhất, lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng ở nước ta, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và ảnh hưởng tâm lý của ngư dân cũng như toàn thể người dân cả nước.
Khẩn cấp làm rõ nguyên nhân cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiên quyết: “Không bao che bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khi tìm ra nguyên nhân cá chết”. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, các bộ, ngành liên quan “ra quân” tổng lực. Các hội đồng chuyên gia KH&CN, hội đồng phản biện được thành lập với trên 100 nhà khoa học “bắt tay” ngay vào khảo sát thực địa, lấy mẫu và xử lý mẫu vật; nghiên cứu khẳng định độc tố hóa học (phenol, xyanua...). Bộ TN&MT với vai trò chủ chốt thực hiện đợt tổng kiểm tra khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh, rà soát lại toàn bộ hệ thống xả thải, đặt trạm quan trắc và tiến hành quan trắc theo tần suất quy định...
Là địa phương tâm điểm của “dư chấn”, ngay từ đầu, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo Sở NN&PTNT lấy mẫu gửi phân tích, phối hợp với các nhà khoa học và bộ, ngành tìm ra nguyên nhân. Cùng với đó, tỉnh cũng đã thành lập các đoàn, tổ công tác chỉ đạo khắc phục sự cố từ tỉnh đến cơ sở nhằm nhanh chóng triển khai công tác kê khai, thẩm định và hỗ trợ, đền bù cho các đối tượng bị ảnh hưởng; khôi phục sản xuất ngư nghiệp...
Kết quả của 84 ngày đấu tranh pháp lý, phía Việt Nam đã buộc Formosa cúi đầu xin lỗi công khai, cam kết có trách nhiệm xử lý hậu quả và xây dựng đánh giá môi trường một cách đồng bộ, đồng thời, bồi thường kinh tế với số tiền gần 500 triệu USD. Đến nay đầu tháng 4 vừa qua, FHS đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm (còn lại một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019).
Việc chi trả kịp thời tiền bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển giúp bà con ngư dân sớm khôi phục, phát triển sản xuất
Nhớ lại những ngày chồng chất khó khăn, một bên là áp lực truy tìm thủ phạm gây nên sự cố môi trường, mặt khác, phải giữ vững được ổn định đời sống, tâm lý cho bà con nhân dân. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ về đến địa phương, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp trao tận từng người dân. Đây chính là sự động viên, chia sẻ và cùng “nắm chặt lấy tay nhau” vượt qua những ngày gian khó. Hàng loạt chính sách riêng của tỉnh được đặt ra từ hỗ trợ khẩn cấp đến lâu dài nhằm giúp bà con khôi phục cuộc sống. Chính sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo tỉnh đã tạo sự cộng hưởng lớn về sự đồng lòng của toàn thể nhân dân. Mọi khúc mắc dường như được gác lại, những vòng tay xích sát lại, chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm tấn gạo, tiền của các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đồng hành cùng tỉnh, cùng ngư dân.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh - Nguyễn Thị Diên cho biết: “Khách hàng vững thì ngân hàng mạnh, những lúc khó khăn nhất là lúc bà con cần được chia sẻ nhất. Ngay sau khi sự cố xảy ra, chi nhánh đã hỗ trợ 25 tấn gạo và 5 tỷ đồng cho bà con vùng thiệt hại và chương trình còn kéo dài không những quà hỗ trợ mà còn rà soát lại vốn nợ để giãn nợ, chậm trả lãi đối với từng đối tượng khách hàng”.
Những chuyến quà liên tiếp về với Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân...
Sau sự cố môi trường biển, lãnh đạo Agribank Hà Tĩnh đã đến động viên và thực hiện chính sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với dư nợ vay của gia đình anh Nguyễn Thái Bảo - tại xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh.
Đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ trên 6.240 tấn gạo cho 19.427 hộ; hỗ trợ 23.066 triệu đồng cho 5.012 chủ tàu, thuyền theo chính sách Trung ương. Đối với chính sách tỉnh, 2.847 thẻ bảo hiểm đã được cấp cho người dân; hỗ trợ 2 năm học phí cho học sinh vùng ảnh hưởng; hỗ trợ 125 triệu đồng cho cửa hàng kinh doanh hải sản; 561,28 triệu đồng chi phí tiền điện cho cơ sở đông lạnh; 100% lãi suất vay vốn mua muối (1/6 - 30/9/2016 - PV); hỗ trợ đóng mới 30 tàu cá trên 90 CV và cải hoàn 6 tàu cá. Những chính sách kịp thời này đã tạo sức bật cho nhân dân vùng ảnh hưởng vượt qua khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Toàn (Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) cho biết: “Sau sự cố, tôi được tiếp cận vay vốn 50 triệu đồng chuyển đổi từ nghề biển sang nuôi thỏ. Nay thỏ đã xuất lứa đầu tiên, so với nghề biển bằng thuyền thúng như trước thì nghề mới ổn định hơn. Nếu không có ngân hàng cho vay vốn, chưa chắc gia đình tôi đã mạnh dạn thay đổi tư duy để chuyển đổi nghề”.
Người dân thị xã Kỳ Anh chuyển đổi nghề thành công sau sự cố môi trường
Quan điểm nhất quán trong công tác chỉ đạo của tỉnh ta là sâu sát, chính xác, công bằng và đúng đối tượng, xuyên suốt từ khắc phục sự cố đến công tác chi trả đền bù số tiền nhà đầu tư bồi thường được triển khai công khai, minh bạch ở từng địa phương. Ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: “Hội đồng đánh giá, thẩm định của huyện chỉ đạo các xã bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển rà soát kỹ đối tượng một cách kịp thời, đúng tiến độ của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, dành thời lượng nhất định để giải quyết các đơn thư, đối thoại trực tiếp với bà con nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc tại cơ sở, đồng thời, tuyên truyền rõ cho người dân các quy định, chính sách của Nhà nước. Đến ngày 19/3/2017, huyện Kỳ Anh đã tổ chức chi trả bồi thường cho 3.089 đối tượng với kinh phí đã chi trả 122,078 tỷ đồng”.
Tính trên toàn tỉnh, số tiền mà Chính phủ cấp cho Hà Tĩnh chi trả đợt 1 là 1.091,5 tỷ đồng và chi trả được 1.026 tỷ đồng, đạt 94% số kinh phí tạm cấp.
Formosa đã khắc phục 52/53 lỗi, đủ điều kiện vận hành lò cao số 1
Dẫu phía trước vẫn còn những khó khăn nhưng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền từ Trung ương và địa phương trong việc giám sát chặt chẽ việc xả thải của Formosa và khôi phục môi trường, sản xuất ngư nghiệp, sự sống đang hồi sinh nhanh chóng trên vùng biển miền Trung.
(Còn nữa)
Theo Nguyễn Oanh - Chính Thu/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã