Học tập đạo đức HCM

Biến nông thôn thành nơi đáng sống

Thứ hai - 16/01/2017 04:12
Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) đang biến hàng trăm làng quê ngoại thành Hà Nội trở thành những nơi đáng sống, hạnh phúc…

Sướng như ở nông thôn

Trong những ngày mưa gió như thế này, ông Vũ Ngọc Anh- Bí thư thôn Chương Lộc (xã Chương Dương, huyện Thường Tín) lại hồi tưởng về quãng thời gian mới chỉ mấy năm trước quê ông chỉ toàn đường đất hay đá cấp phối.

17-35-00_dsc_6897
Một nếp nhà quê

Dân thì chân đất dắt xe đạp mà vẫn phải mang theo cái que để cậy bùn ra khỏi lốp, còn cán bộ thì cưỡi xe máy Tàu mà vừa đi vừa lo ngã. Ngành nghề kém phát triển, chỉ bám vào đồng ruộng nhưng đường sá lại không có nên su hào, cà chua... dân làm ra thương lái không thèm đến mua phải đẩy từng xe thồ lên chợ huyện, bùn ngập bắp chân, bùn bắn lem lên cả mặt.

Dù chỉ cách nhau có 6km mà giá cả ở quê có lúc chỉ bằng phân nửa trên phố. Lắm hôm trời mưa, đường lầy, đội tang lễ của thôn phải cử hàng chục người xúm lại mà khiêng quan tài, người này khuỵu chân, người kia lại vội đỡ. Việc hiếu đã vậy, việc hỉ trong những ngày này cô dâu mới về làng là phải xắn váy đến tận đầu gối mà bùn vẫn bẩn nửa người.

Chính bởi đường sá, hạ tầng sập sệ như thế nên cái nghèo cứ đeo bám mãi như một vòng kim cô trên đầu người dân. Khi có Chương trình 02 của thành phố với chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm NTM thì người dân xã Chương Dương nói chung và thôn Chương Lộc nói riêng đã đổi thay không ngờ.

Nhưng nói một cách thẳng thắn thì những cuộc họp đầu tiên tuyên truyền về NTM không hề suôn sẻ khi trên thì cán bộ giải thích còn dưới dân đã nhao nhao: “Tin gì, chỉ nói phét”. Thế nhưng “mưa dầm thấm lâu”, lấy chính những quyền lợi của dân ra mà thuyết phục thì họ lại trở thành lực lượng hăng hái nhất, tin vào chính quyền nhất.

Để hôm nay, ông Bí thư thôn cười khà khà với tôi và khẳng định bằng chính vốn sống phong phú 70 năm của mình rằng: “Về cái ở, phú nông ngày xưa nhà tranh vách đất, địa chủ như ông Lê Văn Trước cũng vách đất nhà tranh, chánh tổng như ông Lê Văn Phấn cũng chỉ là nhà đất nhưng có ván thưng xung quanh.

Về cái mặc, dân đóng khố còn ông chánh thì quần áo nâu, guốc mộc nhưng bởi đường sá lầy lội nên thường xuyên guốc cắp nách, chỉ về sân gạch nhà mình mới dám xỏ vào.

Đời sống của nông dân ngoại thành Hà Nội không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2016 đạt 36 triệu đồng/năm, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. 100% trạm y tế xã có bác sỹ, trên 91% hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; 100% số xã có máy tính kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại.

Về cái ăn, là người đứng đầu một tổng nhưng hầu như ông chánh quanh năm ăn cơm với cá kho thật mặn để dè sẻn. Giờ 12 hộ nghèo trong thôn còn sướng hơn cả lý trưởng, chánh tổng ngày xưa bởi ở nhà vững chắc, mặc quần áo đẹp, đi đường sá tốt, ăn cơm trắng cả năm, thịt cá đến phát ngán.

Nhà nào cũng có xe máy, ti vi, tủ lạnh, nồi cơm, bếp gas, điện thoại di động thậm chí internet. Một cái xã nhỏ tí teo mà có hàng chục cụ sống trên dưới 100 tuổi rồi đấy”.
 

Những con người bình dị

Đường đất nay đã hóa bê tông. Đất đai được quy hoạch chỗ thả cá, chỗ trồng cây ăn quả, chỗ mô hình VAC. Sau dồn điền đổi thửa vừa rồi, người dân lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên phấn khởi lắm!

Từ vườn nhà đến đồng làng đều được chuyển đổi cơ cấu với bưởi, nhãn, táo, chuối tây mô, đu đủ Đài Loan…Khác với các xã phát triển làng nghề ô nhiễm đủ đường hay đẩy mạnh chuyên canh rau màu phun đẫm thuốc BVTV, xã Chương Dương chọn trồng chính cây ăn quả, vừa ít thuốc lại vừa dễ bán.

Giao thông thông thoáng, không khí trong lành, an ninh đảm bảo, tình làng nghĩa xóm đậm đà đã biến nông thôn trở thành một nơi đáng sống nhất giữa bối cảnh thành thị đang mỗi lúc một chật chội, ô nhiễm. Ông Bí thư thôn vừa dẫn tôi đi thăm nhà văn hóa mới xây hay đoạn đường mới mở vừa nói đầy vẻ tự hào về quê mình.

Những ngày tháng đó cả làng, cả xã đông vui tựa như cảnh dân công ngoài hỏa tuyến. Nhà nước cho vật liệu còn công san lấp, kè xây là dân đóng góp. Người hiến đất, kẻ bỏ công. Ai biết xây thì cầm bay, ai không biết thì cầm dao, cầm cuốc, thuổng để dọn cây, mở đường. Người già, trẻ nhỏ cũng không ai chịu ngồi yên, xúm vào nấu nước, làm quà “nuôi quân”.

Có ngõ chỉ có hai hộ cũng tự bỏ tiền ra để mua vật liệu, cát gạch mà làm đường như ngõ nhà chị Lê Thị Luyến và anh Phạm Văn Đồng. Bởi đồng lòng, đồng sức nên xóm nào lâu cũng chỉ 10-15 ngày, còn xóm nào nhanh thì chỉ 5-7 ngày là xong đường mới. 24 tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài ngót 3 km, đoạn nhỏ nhất rộng 3m, đoạn trung bình 4- 6m đã được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục. Nghiệm thu xong xóm nào cũng tổ chức lễ “rửa đường” liên hoan một bữa đại đoàn kết.

Gia đình ông Nguyễn Đình Đò ở trong một ngôi nhà đẹp như biệt thự giữa bát ngát vườn cây, ao cá. 1.700m2 đất vườn nhà ông có 70 gốc bưởi Diễn, 1 sào ao, 5 sào đất ruộng mà mùa nào thức ấy, nào là bắp cải, su hào, cà pháo, rau muống đủ để cho vợ ngày nào cũng có hàng bán ở chợ trên Hà Nội.

17-35-00_dsc_6887
Ông Đò thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm

Mấy năm trước khi chưa có NTM, vợ chồng ông phải đẩy xe thồ đi khắp chợ quê chợ phố, giờ thì mọi thứ nhàn tênh, chỉ một xe máy là ông Đò có thể chở hết mọi thứ ra phố cho bà vợ ở đó bán cả tuần. Trung bình mỗi năm vợ chồng ông bỏ ra được trên 100 triệu một cách ăn chắc như vậy. Ông Đò bảo dù là ngày nào cũng ra phố nhưng chỉ để kiếm tiền chứ sống ở đó thì lại không ham. Đi đâu cũng chỉ muốn nhanh nhanh, chóng chóng về với mảnh vườn, cái ao, nếp nhà quê.

Trái với hình dung của tôi về những nhà tài trợ, khi đến nhà anh Phạm Văn Đồng, chị Lê Thị Luyến, những người ủng hộ từ 40-60 triệu để làm đường ngõ xóm, họ lại đang ở trong những ngôi nhà cấp bốn, người thì là nông dân, người là giáo viên mầm non, thu nhập không lấy gì dư dả.

Trước đây đoạn đường chạy đến hai nhà bỗng trở thành hai đoạn vì cụt ở giữa bởi vướng cái ao. Bởi thế mà khi được địa phương vận động, hai nhà sẵn sàng bỏ tiền ra đổ hàng trăm xe đất, mua hàng vạn viên gạch để làm nền, xây kè giúp con đường thành hình, hai ngõ nhập một.

Chị Luyến cười: “Lúc đầu dự định của tôi chỉ có 20-30 triệu nhưng về sau cái ao sâu quá, đổ mãi mới thành đường nên giá đội lên thành 60 triệu, đành phải vay mượn thêm mới đủ”. Điều cao cả là con đường mà chị Luyến đi làm lại là hướng khác với con đường vừa tôn tạo nhưng vẫn vui vẻ đóng góp chỉ để bà con đi ra đồng, ra chùa được thuận lợi hơn.

Tôi đến nhà chị Trần Thị Tí- một nhà nghèo của làng lúc chị chuẩn bị cho chuyến đi chợ hoa vào buổi chiều. Những bó cúc đại đóa vàng rực lên như chút nắng xuân giữa những mưa dầm, gió bấc giăng mắc đầy trời.

17-35-00_dsc_6905
Chị Tí đang thu hoạch hoa

Chồng mất sớm, một mình nặng gánh nuôi hai con. Từ hồi có đường mới, gánh hàng hoa của chị thêm nhàn hơn, được giá hơn đủ để trang trải việc nhà, việc học cho lũ nhỏ, giúp người phụ nữ này thêm vững tin vào một ngày mai dù hôm nay còn vất vả.

Tác giả bài viết: Vân Đình

Nguồn tin: m.nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập117
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm114
  • Hôm nay46,643
  • Tháng hiện tại1,012,496
  • Tổng lượt truy cập92,186,225
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây