“Trước đây, chuỗi liên kết chỉ có doanh nghiệp và nông dân, nay có thêm hợp tác xã (HTX), chuỗi liên kết sẽ bền vững hơn”, ông Phạm Thái Bình, CEO công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao, cho biết. Thay vì doanh nghiệp (DN) phải tổ chức hội thảo đầu bờ với nông dân, làm việc đồng áng… nay HTX làm việc với nông dân, DN tập trung phát triển thị trường, lo tiêu thụ hàng hoá cho tốt.
Cơ giới hóa sản xuất lúa trên cánh đồng lớn ở ĐBSCL – Ảnh: HĐ
Tháng 3.2011, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) phát động phát triển CĐL theo xu hướng liên kết DN bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có khoảng 8.000ha với 6.400 hộ nông dân tham gia cánh đồng liên kết trong vụ hè thu 2011, cục Trồng trọt thống kê ở An Giang, Bến Tre. Đến vụ đông xuân 2011 – 2012, ĐBSCL đã hình thành cánh đồng mẫu trên 19.700ha. Khi 100 DN ký hợp đồng bao tiêu lúa hè thu 2014, cánh đồng mẫu toàn vùng ĐBSCL biến thành CĐL với 140.000ha.
Năm năm đầu tiên, “phong trào” xây dựng CĐL hừng hực khí thế, diện tích liên kết sản xuất – tiêu thụ lên đến 175.000ha. Hai năm nay giá lúa hạ, nguy cơ nhiều CĐL đang “tan rã”.
Năm 2015, An Giang thống kê diện tích CĐL trên 48.764ha, khoảng 20 DN ký hợp đồng với nông dân (thông qua 14 HTX nông nghiệp, 21 tổ hợp tác). Năm 2016, diện tích CĐL giảm còn 36.220ha, 18 DN ký hợp đồng tiêu thụ lúa. Giá cả biến động theo chiều suy giảm, DN và nông dân đều thấy khó làm ăn với nhau.
Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (tiền thân của tập đoàn Lộc Trời) từng là điển hình cho mô hình cánh đồng mẫu, khi tự giải quyết bài toán thu gom, vận chuyển, sấy, lưu kho bảo quản, chế biến và tìm thị trường. Đến năm 2016, Lộc Trời xây dựng được năm nhà máy và vùng nguyên liệu CĐL khoảng 55.000ha tại các địa phương, nhưng khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, phương thức thu mua lúa hồi năm năm trước không còn phù hợp, cần điều chỉnh theo thời giá thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng, phó giám đốc ngành lương thực Lộc Trời, đơn vị chủ công khai mở CĐL ở ĐBSCL, nói rằng trong sáu năm qua, CĐL được khách hàng đánh giá cao, tín nhiệm. Sản phẩm gạo Hạt Ngọc Trời được người tiêu dùng trong nước lựa chọn, thu hút thêm nhiều đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt chất lượng lúa sản xuất trong CĐL luôn có giá bán cao hơn bên ngoài. Tuy nhiên, tình hình có nhiều thay đổi. Dự kiến, niên vụ 2017 quy mô CĐL của tập đoàn khoảng 33.000ha. Phương thức thu mua sẽ có thay đổi, tập đoàn lựa chọn những nông dân tâm huyết cùng xây dựng CĐL và nông dân sẽ thoả thuận ký kết với giá chuẩn ngay từ đầu vụ, đến cuối vụ sẽ thu mua theo giá thị trường. Mỗi bên cùng chia sẻ 50% lợi ích hoặc rủi ro theo biên độ trượt giá tăng hay giảm.
Tại Sóc Trăng, năm 2010 từ cánh đồng mẫu ban đầu 40ha ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú đến vụ đông xuân 2012 – 2013 mở rộng được 106 điểm, CĐL có quy mô 12.000ha. Nhưng từ đó đến nay mục tiêu mở rộng CĐL 17.000ha thực hiện một cách tiệm tiến. Ông Huỳnh Ngọc Vân, phó giám đốc sở NN-PTNT Sóc Trăng, cho rằng phải chấn chỉnh nhiều mặt, từ quy mô diện tích, kỹ thuật canh tác, phân bố CĐL rải vụ để tránh bị động khâu thu hoạch, nhất là vào vụ hè thu gặp mưa dầm. Các DN tham gia CĐL không chỉ để bán vật tư nông nghiệp mà cần đầu tư xây dựng vùng sản xuất – tiêu thụ lúa một cách thực chất, lâu bền.
Cần Thơ là một trong những địa phương sớm triển khai CĐL, từ vụ hè thu 2011 với 400ha ở huyện Vĩnh Thạnh đến vụ đông xuân 2014 – 2015, đến nay đã có 75 CĐL, tổng diện tích hơn 17.600ha (12.500 hộ nông dân tham gia). Hai năm gần đây, 18 – 19 DN liên kết hợp tác nông dân sản xuất trên CĐL. Phần lớn DN liên kết sản xuất để buôn bán vật tư nông nghiệp, khi số lượng CĐL tăng lên thì quy mô mỗi cánh đồng nhỏ lại.
Bà Nguyễn Thị Kiều, phó giám đốc sở NN-PTNT Cần Thơ, cho rằng cần có giải pháp tháo gỡ vì trên CĐL vừa qua, khi thị trường tiêu thụ lúa gạo tốt, các DN tích cực tham gia bao tiêu, nhất là vụ lúa đông xuân; còn khi thị trường tiêu thụ không mạnh (vụ hè thu hay thu đông) thì DN “lơ”.
Ông Năm, nông dân xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ, làm 2ha ruộng. từ khi tham gia CĐL không phải lo đầu ra nhờ công ty Trung An giữ đúng cam kết hợp đồng bao tiêu. Tuy vậy, ông thú thiệt rất do dự khi công ty đưa ra mức giá bao tiêu từ đầu vụ, nhưng cuối vụ giá lúa ngoài cao hơn, vụ xuân hè vừa qua lúa OM4218 chênh lệch giữa công ty với bên ngoài khoảng 300 đồng/kg, có người muốn bẻ kèo.
Ông Bảy Hoà, ở kênh Tư Ký, ấp Trang Nhung, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, Cần Thơ, kể lại: cũng có công ty ký hợp đồng trồng lúa thơm jasmine 85, đến khi thu hoạch giá lúa trên thị trường giảm, họ cử nhân viên đến năn nỉ để hạ giá mua. Cò kè qua lại, cuối cùng bể hợp đồng. Kể từ đó đến nay cánh đồng này không thấy bóng dáng DN nào tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã