Ngư dân bán cá rẻ
Có mặt tại cảng cá Thạch Kim vào lúc mờ sáng, các tàu cá tấp nập cập bến sau chuyến đi biển. Ngoài các tàu cá trong tỉnh còn có các tàu đến từ Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Trên bờ, khá đông đầu nậu đã chờ sẵn để lấy hàng.
Trở về với khoang thuyền đầy ắp cá, ngư dân Trần Lâm (xã Thạch Bàn, Thạch Hà) chia sẻ: “Tàu của tôi nhỏ nên chỉ đánh gần bờ. Mùa này chủ yếu là cá mu, cá nục loại nhỏ”. Mặc dù đánh được nhiều cá, song vợ chồng anh Lâm vẫn không lấy làm vui: “Được nhiều rứa chứ bán không ăn thua, họ chỉ mua khoảng 6.000-8.000 đồng/kg. Số cá tôi vừa đánh được chỉ bán được khoảng 600.000-800.000 đồng, trừ tiền dầu và các chi phí khác thì chẳng còn là bao”.
Giải quyết được bài toán chênh lệnh giá thủy sản từ cảng ra chợ không chỉ giảm thiệt thòi cho ngư dân, động viên họ vươn khơi bám biển mà còn góp phần lành mạnh hóa thị trường. |
Còn theo ngư dân T.V.T (Quảng Ngãi), sau một chuyến đi biển dài ngày đánh cá ngừ, chi phí khá tốn kém nhưng thương lái cũng chỉ mua chừng 28.000-30.000 đồng/kg. Những khi cá ít, giá tăng lên khoảng 32.000 đồng/kg. Tính ra, lợi nhuận cũng chẳng được là bao, chủ yếu là lấy công làm lãi.
Không chỉ cá ngừ và cá nục, qua khảo sát tại cảng cá Thạch Kim, chúng tôi còn được biết các loại như cá bạc má được mua với giá 20.000 - 22.000 đồng/kg, mực 120.000 - 150.000 đồng/kg, nghêu sò chỉ từ 5.000 - 8.000 đồng/kg, cá thu 120.000 - 150.000 đồng/kg.
Theo nhiều ngư dân thì dù biết rẻ nhưng không bán cho các đầu nậu thì biết bán cho ai vì các đầu nậu đã thống nhất giá với nhau. Ngư dân không thể tự mang ra chợ để bán và có mang đi thì cũng không thể bán hết. Chi phí đánh bắt cao, giá bán thấp, ngư dân thua thiệt đủ đường.
Người dân mua cá đắt
Tưởng chừng ngư dân bán cá và các hải sản khác cho đầu nậu với giá đó thì người tiêu dùng cũng sẽ được mua với giá phải chăng. Thế nhưng, chỉ một quãng đường từ cảng ra chợ, giá cá đã đội lên gấp đôi. Và trong cuộc mua bán này, người được lợi nhất chính là các đầu nậu.
Qua khảo sát tại chợ Hà Tĩnh, chợ Bắc Hà và chợ thị trấn Thạch Hà, chúng tôi nhận thấy: cá bạc má được các tiểu thương bán cho người tiêu dùng với giá khoảng 65.000 đồng/kg; các loại nghêu, sò thì 12.000 - 15.000 đồng/kg, gấp đôi so với giá mua tại cảng. Đặc biệt, cá thu là loại đội giá lớn nhất, khi các thương lái bán với giá 200.000 - 220.000 đồng/kg.
Qua trao đổi với tiểu thương tại các khu chợ thì được biết, giá bán ra cao là do họ không phải lấy cá qua các đầu nậu. Vì vậy, cá từ cảng đến tay người tiêu dùng ít nhất đã 2 lần tăng giá.
Không chỉ ở chợ mà ngay như các siêu thị, giá cá cũng tăng cao so với ban đầu. Theo ghi nhận tại siêu thị Co.op mart Hà Tĩnh ngày 2/5, giá một số loại cá được niêm yết như: cá bạc má 83.000 đồng/kg, cá nục 48.700 đồng/kg, cá thu 234.700 đồng/kg...
Theo ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Cảng cá Thạch Kim, để Nhà nước can thiệp vào giá bán giữa ngư dân và đầu nậu là rất khó. Bởi đầu nậu không chỉ đóng vai trò bao tiêu hàng mà còn cho nhiều ngư dân vay vốn để đóng, sửa chữa tàu cá và các chi phí đánh bắt như dầu, ngư cụ... Hơn nữa, hiện nay, hầu như các tàu đánh bắt của ngư dân đều không có khả năng bảo quản sản phẩm cho nên khi cập bến, dù giá rẻ cũng buộc phải bán.
Còn ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Quản lý và Khai thác nguồn lợi thủy sản - Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh thì cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá thủy sản ngư dân bán ra còn thấp so với giá thị trường là hiện nay, số lượng đầu nậu trên địa bàn chưa nhiều dẫn đến một sự độc quyền nhất định, thậm chí là họ còn liên kết với nhau để khống chế giá. Chính vì thế, để giải quyết được bài toán chênh lệch giá thủy sản từ cảng ra chợ thì cần phải tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở - hạ tầng các cảng, vùng bãi ngang; tăng cường tuyên truyền về thời vụ, sản phẩm để thu hút thêm nhiều đầu nậu, thương lái ngoại tỉnh đến thu mua, từ đó, tăng sự cạnh tranh, giảm độc quyền; từng bước xây dựng chuỗi liên kết từ đánh bắt đến chế biến và tiêu thụ. Cùng với đó, ngư dân cần nâng cao năng lực bảo quản sản phẩm để có sự chủ động, tránh bị ép giá.
Có thể nói, câu chuyện ngư dân bán cá rẻ, người dân mua cá đắt đã tồn tại khá lâu, gây thiệt thòi cho ngư dân. Vì vậy, muốn ngư dân làm giàu từ biển thì trước hết phải có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để xử lý dứt điểm câu chuyện chênh lệch giá này.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã