Dạy nghề phải theo nhu cầu
Xin ông đánh giá về những thành tựu nổi bật của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015?
- Mặc dù giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua, kinh tế đất nước đứng trước những khó khăn, thách thức, nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo; hệ thống chính sách giảm nghèo từng bước được hoàn thiện theo hướng gọn đầu mối, hiệu quả hơn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng trao tặng máy nông nghiệp cho các hộ nghèo tại Cao Bằng. Ảnh: Trần Quang
"Ở vùng cao, nếu không có cán bộ cơ sở (thôn, bản, xã) tốt và giỏi thì chúng ta sẽ không làm được gì. Bởi đây là các cán bộ của các dân tộc, họ biết tiếng nói, ngôn ngữ và hiểu rõ về phong tục, tập quán của đồng bào… Chính vì thế mà cán bộ trung ương và tỉnh không thể thay thế được đội ngũ cán bộ này”. Chủ tịch Hội NDVN |
Trong quá trình thực hiện, nhiều mô hình, điển hình của các địa phương, nhóm cộng đồng và người nghèo được phát huy; tỷ lệ hộ nghèo cả nước (theo chuẩn cũ) đã giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn 4,25% cuối năm 2015, đời sống người nghèo được cải thiện, bộ mặt các xã nghèo có sự khởi sắc, thành tựu giảm nghèo đã góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Hiện nay chương trình đang gặp những khó khăn gì? Để khắc phục những khó khăn, thách thức đó, cần làm để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, thưa ông?
- Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng phải thừa nhận, kết quả giảm nghèo chưa bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo tại các tỉnh vùng cao còn ở mức cao, nhất là đứng trước hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu; chính sách chưa tạo được sự khuyến khích, chủ động vươn lên của người nghèo, hiệu quả chưa cao.
Theo chuẩn nghèo đa chiều, đầu năm 2016 cả nước vẫn còn khoảng 3 triệu hộ nghèo, cận nghèo; còn hàng nghìn thôn bản, xã đặc biệt khó khăn và nhiều huyện nghèo cần được quan tâm, hỗ trợ.
Trong đó có một số chính sách về hỗ trợ, đầu tư, đặc biệt là chính sách về hỗ trợ dạy nghề, các đơn vị cần hỗ trợ và giúp dân xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện của thực tế từng địa phương.
Bản thân các Bộ, trực tiếp là Bộ NNPTNT, Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT, T.Ư Hội NDVN, cùng với các doanh nghiệp, tập đoàn... phải phối hợp chặt chẽ với nhau để làm tốt việc giúp dạy nghề theo mô hình dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Chúng ta không thể suy nghĩ máy móc từ trung ương được mà phải bám vào thực tiễn địa phương và đặc biệt là nhu cầu của người dân để dạy nghề thì mới có hiệu quả.
Ví như người dân muốn được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi trâu bò, việc phòng chống rét như thế nào, trồng cỏ và đặc tính từng loại cỏ ra sao… thì cán bộ phải tập trung vào đó để soạn giáo trình, làm các clip về các mô hình hay để trình chiếu cho dân dễ học, dễ hiểu và làm theo.
Việc xây dựng NTM và công tác giảm nghèo ở vùng cao trong thời gian tới cần thay đổi như thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại các địa phương vùng cao, thưa ông?
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng trao quà tết cho đồng bào nghèo huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) cuối tháng 1.2018 vừa qua. Ảnh: Trần Quang
- Trong chuyến công tác thăm hỏi, tặng quà tết cho các hộ nghèo tại các vùng biên giới đầu năm 2018 này, sau khi khảo sát, tìm hiểu kỹ, tôi thấy rằng công tác xây dựng NTM và giảm nghèo ở đây phải theo quy mô thôn, bản chứ không được làm theo quy mô xã được. Bởi theo tôi, việc thực theo quy mô xã hiện nay rất khó thực hiện, do 3/4 diện tích của nước ta là đồi núi, dân cư phân bố thưa thớt theo quy mô thôn, bản chứ không như quy mô xã ở dưới xuôi.
Nếu làm theo quy mô thôn, bản sẽ dễ đầu tư, ví như đầu tư làm 1km đường trên vùng núi này mà đầu tư theo quy mô thôn, bản thì sẽ khả thi hơn là làm 1km đường giữa thôn với thôn, giữa xã này với xã kia có chiều dài đến 5 - 6km thì sẽ khó có tiền để làm…
Trong thời gian vừa qua cũng có rất nhiều lãnh đạo tỉnh đề nghị với Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia là phải chọn làm theo quy mô thôn, bản, nhất là trong giai đoạn từ 2016-2020. Bởi việc lựa chọn quy mô trên sẽ là giải pháp phù hợp với khả năng của người dân và của đất nước.
Cán bộ thôn, bản phải là nòng cốt
Tại sao công cuộc giảm nghèo ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại có liên hệ mật thiết với chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, bản, thưa ông?
- Ở vùng cao, nếu không có cán bộ cơ sở (thôn, bản, xã) tốt và giỏi thì chúng ta sẽ không làm được gì. Bởi đây là các cán bộ của các dân tộc, họ biết tiếng nói, ngôn ngữ và hiểu rõ về phong tục, tập quán của đồng bào, nên khi hướng dẫn hay giảng giải về các chính sách, các cán bộ này có thể diễn đạt theo mong muốn của đồng bào. Chính vì thế mà cán bộ trung ương và tỉnh không thể thay thế được đội ngũ cán bộ này.
Theo tôi, để xây dựng NTM và thực hiện công tác giảm nghèo, đặc biệt là để đồng bào vùng cao thoát khỏi các khó khăn như hiện nay thì chúng ta phải đầu tư kinh phí và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở bao gồm từ huyện, xã cho đến các thôn, bản để họ có kiến thức, biết cách làm, chỉ đạo, sản xuất và hướng dẫn bà con làm thì dân mới nghe và làm theo.
Các cán bộ cơ sở phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ phải là người đem chủ trương, chính sách của Đảng nói cho dân hiểu, dạy dân làm và chính cán bộ cũng đem tình hình khó khăn của dân báo cáo lên Đảng và Nhà nước, để từ đó Đảng và Nhà nước sửa chữa chính sách kịp thời để cho dân thực hiện và đạt hiệu quả hơn".
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các doanh nghiệp trong tham gia xây dựng NTM và giảm nghèo ở vùng cao, vùng biên giới? Theo ông, Nhà nước cần làm gì để thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng này?
- Trong thời buổi kinh tế thị trường và hợp tác quốc tế sâu rộng như hiện nay, Nhà nước cần thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn... bằng cách hỗ trợ cho họ cả về cơ chế và chính sách, khen thưởng, động viên kịp thời để họ xung phong vào các vùng khó khăn, tham gia trực tiếp vào công cuộc xây dựng NTM và hỗ trợ thực hiện công tác giảm nghèo, góp phần giúp bà con nâng cao thu nhập…
Theo Trần Quang/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã