Nông nghiệp đang trở thành địa chỉ thu hút nhiều doanh nghiệp với dòng vốn chuyển vào lĩnh vực này ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, đồng thời bổ sung cho phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.
Dư địa lớn, và nhiều tiềm năng trong đầu tư. Đó là khẳng định của nhiều doanh nghiệp đã, đang và chuẩn bị đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế, đã có những Tập đoàn lớn cam kết đầu tư vào lĩnh vực này với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Cũng đã có những tên tuổi thành công khi đầu tư vào nông nghiệp như Tập đoàn TH. Với thương hiệu sữa TH True milk, Tập đoàn TH đã bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2009, với Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Đến nay, trang trại bò sữa của Tập đoàn TH đã đạt quy mô mang tầm châu Á với tổng đàn bò sữa lên tới 45.000 con, mỗi ngày sản xuất ra từ 800.000 – 900.000 lít sữa.
Sau sự khởi đầu khá thành công của TH, làn sóng đầu tư trong nông nghiệp trong thời gian qua còn được đánh dấu bởi những đại gia như Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Vingroup, và mới đây là các Tập đoàn FPT, Viettel…
Tuy nhiên, theo nhận xét của các doanh nghiệp, dù đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có thể đem lại nguồn lợi lớn, nhưng vẫn còn nhiều rào cản từ hệ thống chính sách hiện nay.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình, chia sẻ: Công ty có xây dựng 1 nhà máy chế biến trên diện tích 1,2 ha nhưng phải đàm phán với 27 hộ trong vòng 3 năm mới có mặt bằng để triển khai, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.
“Nhiều chính sách cơ chế được ban hành nhưng việc tiếp thu, vận dụng và áp dụng vào thực tiễn của doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian. Vì vậy cần có sự liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các đơn vị tư vấn để các doanh nghiệp tiếp thu được các chính sách, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn là điều cần phải tháo gỡ hiện nay”, ông Báo cho biết.
Không chỉ vướng mắc về đất đai, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn gặp khó khăn về chính sách thuế. Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt cho biết, hiện nay, công ty đang phải chịu mức thuế cao đối với sản phẩm nhà kính dùng để sản xuất hoa là 25% thay vì được hưởng thuế suất ưu đãi theo quy định trong Luật công nghệ cao. Điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngay cả trong nước chứ chưa nói tới thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinamit – kinh doanh các loại nông sản sấy khô cũng chia sẻ những khó khăn về chính sách thuế.
“Thị trường nội địa của công ty hiện chiếm 60% và xuất khẩu là 40%. Với doanh số hàng trăm tỷ mỗi năm, Vinamit đang phải đóng thay cho người nông dân 10% thuế giá trị gia tăng bởi vì nguyên liệu đầu vào mà công ty mua của nông dân không được khấu trừ thuế này. Doanh nghiệp mong muốn Bộ NN&PTNT quan tâm làm việc với các Bộ, ngành liên quan để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Viên mong muốn.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tổng số hơn 300.000 doanh nghiệp Việt Nam, chỉ có 6% doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Trong tổng số nguồn vốn của các doanh nghiệp, vốn cho khu vực nông thôn chỉ chiếm 1% và mức vốn trung bình dưới 10 tỷ đồng. Những con số thống kê này cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chưa thực sự tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư….
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách, Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn, Bộ NN&PTNT phân tích, nguyên nhân là do vẫn còn nhiều bất cập về chính sách và thể chế trong quá trình triển khai.
“Nông nghiệp đã trở thành lĩnh vực đầu tư có hiệu quả và vững bền, vấn đề cần bàn là cách tiếp cận và mở cửa thị trường. Hiện vẫn còn những chính sách đã ban hành nhưng không đi vào thực tế cuộc sống như chính sách đất đai, Khoa học công nghệ, tín dụng, thuế, nhất là các loại thuế giá trị gia tăng và thuế đất. Cần phải có 1 chương trình sửa đổi, bổ sung và phải có bộ phận thường xuyên làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng để tháo gỡ và đưa chính sách vào cuộc sống”, TS. Đặng Kim Sơn chỉ rõ.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang đặt quyết tâm thực hiện thành công “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Phát biểu trong hội nghị mới đây diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát không ngần ngại khi chia sẻ: Việc triển khai Đề án có thành công và mang lại hiệu quả như mong muốn hay không là do nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.
Theo vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;