Khởi sắc
“Chưa bao giờ NNNT Quảng Ngãi lại có bước chuyển biến mạnh mẽ như 5 năm qua, nhất là về tập quán và kỹ thuật canh tác của người dân”, ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT vui mừng cho biết. Bởi, cùng với sự ra đời của nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thì người dân đã chú trọng sử dụng hạt giống cấp kỹ thuật (lúa lai, nguyên chủng, cấp xác nhận). Không những thế, việc sản xuất cũng không thực hiện theo kiểu “đụng đâu làm đó”, mà bà con đã tính toán chọn lựa cơ cấu giống phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, nhu cầu xã hội để gia tăng hiệu quả kinh tế. “Đặc biệt, người dân đã mạnh dạn loại bỏ những loại giống không phù hợp, khả năng thích ứng kém để gia tăng năng suất, chất lượng. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi mới vì thế cũng xuất hiện nhiều trên đồng ruộng, vườn cây”, ông Đoàn Văn Nhân- Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh, chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra việc sản xuất giống tại Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh. ảnh: MỸ HOA |
Sự chuyển biến trong sản xuất đã góp phần giúp ngành nông nghiệp gặt hái nhiều “quả ngọt” trong 5 năm qua. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản năm 2015 đạt 3.365 tỷ đồng (tăng 615,5 tỷ đồng so với năm 2010); giá trị sản xuất bình quân 1ha đất nông nghiệp đạt 57 triệu đồng (vượt chỉ tiêu Nghị quyết XVIII là 12 – 17 triệu đồng/ha), năng suất lúa năm 2015 đạt 57,3 tạ/ha (tăng 4,8 tạ/ha so với năm 2010); đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh qua các năm… đã góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nông nghiệp khởi sắc cùng với hạ tầng nông thôn có nhiều đổi thay đã làm cho bức tranh NNNT ngày càng tươi tắn. Đến nay, 400km đường giao thông được cứng hóa, nhựa hóa (trong đó có 330km đường huyện, xã, thôn, khối phố); 85% dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 60/67 xã có đường ô tô đến trung tâm thông suốt cả năm, 94,83% hộ dân có điện chiếu sáng, 100% xã có trạm y tế… Cụ Huỳnh Dược, lão thành cách mạng (70 năm tuổi Đảng) ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), hồ hởi bảo: “Nông thôn bây giờ cũng gần như thành thị rồi. Nhà cửa khang trang; đường làng ngõ xóm sáng, sạch, đẹp; nhiều khu vui chơi giải trí cũng được đầu tư xây dựng. Đời sống tinh thần của người dân nông thôn vì thế cũng phong phú dần lên”.
Kỳ vọng
Sự khởi sắc của NNNT trong 5 năm qua đã giúp nông dân trong tỉnh có cái nhìn lạc quan và đặt nhiều kỳ vọng trong thời gian tới. Nhất là khi tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm khuyến khích DN, Hợp tác xã (HTX) đầu tư vào lĩnh vực NNNT. Đây được xem là đòn bẩy để NNNT bứt phá. Bởi nói như ông Trịnh Quốc Dũng- Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam thì: “Đầu tư vào NNNT tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng như thế không có nghĩa DN quên lĩnh vực này. Vì xét cho cùng, NNNT vẫn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Thế nên, một khi tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi với những chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng xây dựng thì DN sẵn sàng hợp tác”.
Nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: MH |
Trong khi đó, một số DN kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng giống cây trồng vật nuôi cũng cho rằng, nông nghiệp Quảng Ngãi chưa khai thác hết tiềm năng vì thiếu sự liên kết. Do đó, trong thời gian tới, DN kỳ vọng các chính sách của UBND tỉnh sẽ được thực thi, tạo điều kiện để mối liên kết giữa “4 nhà” được chặt chẽ. “Nông dân đã quan tâm sử dụng giống chất lượng, vì thế DN cũng không ngừng nghiên cứu, lai tạo ra các giống mới để đáp ứng nhu cầu trên. Tuy nhiên, nếu không được các ngành chức năng kịp thời hỗ trợ bằng những chính sách ưu đãi, thông thoáng về mặt thủ tục hành chính, đất đai… thì DN chúng tôi cũng ngại đầu tư, liên kết”, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Đại Thành Nguyễn Sĩ Hà, chia sẻ.
Còn ông Đoàn Văn Nhân- Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi cho rằng, ngoài các mặt hàng như tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng thì ngành nông nghiệp tỉnh cần xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc thù của Quảng Ngãi. Trên cơ sở đó sẽ xác định mức độ ưu tiên cũng như lộ trình đầu tư để tiến tới sản xuất sản phẩm theo hướng hàng hóa. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của nhiều nông dân. Bởi họ cho rằng, các mặt hàng nông sản lâu nay vẫn loay hoay với điệp khúc “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” nên nếu có sự vào cuộc của DN, tình trạng này chắc chắn sẽ được cải thiện.
Chia sẻ những tâm tư này với DN và nhiều nông dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ khẳng định: “Hơn 70% dân số toàn tỉnh sống nhờ vào nông nghiệp. Do đó, lĩnh vực NNNT luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ đặc thù; đẩy mạnh việc quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân liên kết, mở rộng quy mô sản xuất… để giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất. Làm sao mục tiêu cuối cùng vẫn là tăng thu nhập cho nông dân”.
Với những “quả ngọt” đã đạt được trong 5 năm qua cùng sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, nông dân trong tỉnh càng thêm tin tưởng vào sự đột phá của NNNT trong những năm tiếp theo.
Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm |
Theo Báo quảng Ngãi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;