Sau thông tin Chính phủ sẽ hỗ trợ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, rất nhiều doanh nghiệp chờ đợi, mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn này. Tuy nhiên, làm sao để đồng vốn hỗ trợ đến đúng địa chỉ và được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả lại là câu chuyện cần bàn.
Tiếp theo chuyên đề Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao: “Thảm đỏ” không trải sẵn đăng trên báo CAND ngày 12 và 13-2, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam để có thêm những thông tin hữu ích xung quanh vấn đề này.
PV: Dường như các DN đều đang rất hào hứng với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng của Chính phủ dành hỗ trợ cho đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo ông, liệu với những DN được hỗ trợ, họ có cầm chắc trong tay thành công?
TS Nguyễn Văn Bộ: Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề là sử dụng nguồn vốn này thế nào cho hiệu quả.
Làm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng 3 điều kiện tiên quyết, đó là: Có thị trường cho sản phẩm dự kiến, có công nghệ sẵn sàng cho sản xuất sản phẩm đó và quan trọng nhất là có doanh nghiệp thực thi. Vốn là điều kiện quan trọng, song không phải quyết định vì nếu không có các điều kiện nêu trên thì đầu tư sẽ trở nên lãng phí.
Do vậy, để triển khai gói tín dụng của Chính phủ, chúng ta cần xác định sản phẩm và thị trường, qua đó quy hoạch vùng sản xuất cho từng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao nhất. Bài toán quy hoạch đã được nói đến rất nhiều năm, song chúng ta vẫn đưa ra nhiều quy hoạch ít tính khả thi.
Nhiều qui hoạch chỉ dựa chủ yếu vào điều kiện tự nhiên hoặc thậm chí là dựa vào ý kiến chủ quan của lãnh đạo mà ít quan tâm đến yếu tố thị trường, nhu cầu thị trường. Bây giờ để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thành công, chúng ta phải thay đổi từ tư duy. Phải tiếp cận sản xuất từ định hướng thị trường với những sản phẩm có tiềm năng.
Tiếp đến, chúng ta phải thiết lập những tổ hợp doanh nghiệp, vì sản xuất nông nghiệp ứng dụång công nghệ cao là tích hợp của nhiều công nghệ nên có thể một doanh nghiệp không đảm đương hết được. Chúng ta có thể tích hợp các khâu sản xuất, bảo quản, thương mại... thành một chuỗi sản xuất được liên kết chặt chẽ. Vốn tín dụng hỗ trợ của Nhà nước sẽ được hỗ trợ cho sản phẩm cuối cùng. Tại sao lại không nên hỗ trợ ngay từ ban đầu? Vì nếu hỗ trợ ban đầu, rất có thể đồng vốn ấy bị sử dụng sai mục đích.
Ví dụ, doanh nghiệp cam kết sản xuất 1.000 tấn sản phẩm trái cây hay 1.000 tấn thuỷ sản với công nghệ đã đăng ký, sau khi sản phẩm được tiêu thụ thông qua hệ thống giám sát tài chính thì Nhà nước sẽ hỗ trợ theo tỷ lệ cam kết ban đầu cho mỗi đối tác tham gia trong cả chuỗi sản xuất. Có như vậy, vốn hỗ trợ của Nhà nước mới đến đúng địa chỉ và mang lại hiệu quả.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. |
PV: Như vậy, hỗ trợ nhưng không có nghĩa là thả nổi đồng vốn để doanh nghiệp muốn sử dụng thế nào cũng được. Vậy thưa ông, nông nghiệp là ngành sản xuất chịu nhiều rủi ro, nếu để đến khâu cuối mới hỗ trợ vốn thì liệu có quá khó cho doanh nghiệp hay không?
TS Nguyễn Văn Bộ: Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy số vốn lớn, rồi tập trung thiết kế vay vốn nhưng không định hình được sản phẩm, thị trường thì chúng ta rất có khả năng thất bại, vốn Nhà nước không thu hồi lại được. Đó là chưa kể vốn bị chiếm dụng cho các mục đích sử dụng khác.
Chúng ta cũng phải nhận thức được đây là vốn hỗ trợ chứ không phải là vốn đầu tư của Nhà nước, vì để đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần số vốn lớn hơn rất nhiều so với mức hỗ trợ của Nhà nước. Doanh nghiệp phải có sự nhạy cảm về thị trường, về dự báo cung - cầu. Tất nhiên, Nhà nước cũng cần cam kết hỗ trợ như một hình thức bảo hiểm cho doanh nghiệp khi sản xuất bị thiên tai, dịch bệnh, các yếu tố bất thường của thị trường.
Kinh nghiệm quốc tế cho hỗ trợ đầu tư trong nông nghiệp đều được thiết kế để giải ngân vốn hỗ trợ song trùng với vốn của doanh nghiệp, nên tránh được tối đa sự lạm dụng và sử dụng sai mục đích.
PV: Bên cạnh vấn đề vốn đầu tư, chúng ta vẫn ít bàn đến vai trò điều hành, trong khi đây lại là một nút thắt rất quan trọng để phát triển nông nghiệp?
TS Nguyễn Văn Bộ: Tôi cho rằng chúng ta đang thiếu vắng vai trò nhạc trưởng. Nông nghiệp Việt Nam là nền sản xuất mở, với nhiều sản phẩm xuất khẩu chiếm tỉ lệ rất cao.
Tham gia vào sản xuất nông nghiệp có nhiều bộ, ngành, địa phương trong chuỗi từ sản xuất đến chế biến và thương mại. Tuy nhiên, do thiếu sự phân công, điều phối hiệu quả nên khi nông sản xuất khẩu được thì là thành tựu của ngành Công thương, còn khi không xuất khẩu được hoặc giá bán thấp lại là thiếu sót của ngành Nông nghiệp.
Như vậy là không công bằng, cần phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đối tác vì sự phát triển của ngành Nông nghiệp, thu nhập của nông dân. Vậy thì nhạc trưởng có thể phải là Chính phủ thì mới điều hành được các bộ, ngành hiệu quả.
Chính phủ cũng cần phân vai giữa các đối tác tham gia vào quá trình qui hoạch và thực hiện qui hoạch. Chúng ta đã từng quy hoạch cà phê, cao su, sắn và gần đây là hồ tiêu... nhưng khi thị trường thay đổi thì tất cả các quy hoạch ấy bị phá vỡ. Trung ương thường xây dựng và phê duyệt qui hoạch, song người thực hiện các quy hoạch ấy là các tỉnh chứ không phải các Bộ.
Việc phân vai chưa rõ trong qui hoạch đã làm cho nhiều bản quy hoạch thiếu tính khả thi hoặc phải điều chỉnh nhiều lần. Thêm nữa, cần phân biệt các qui hoạch mang tính sản phẩm qui hoạch “mềm”, có thể thay đổi theo định hướng thị trường.
Với qui hoạch “cứng”, Chính phủ cần có chế tài để giám sát các địa phương chấp hành nghiêm túc, còn những sản phẩm mang tính kinh tế thuần túy, có thể thay đổi qui hoạch và kế hoạch sản xuất. Tất nhiên, việc chuyển đổi qui hoạch định hướng thị trường, qui hoạch “mềm” cũng cần quán triệt quan điểm là diện tích chuyển đổi có thể dễ dàng trở lại sản xuất nông nghiệp..
PV: Xin cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Ngọc Yến
Nguồn tin: cand.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã