Học tập đạo đức HCM

Ðể nông dân gắn bó với đồng ruộng

Thứ tư - 21/08/2013 23:21
Ngày 29-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 2491/BNN-KTHT yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) kiểm tra, thống kê tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng ở địa phương, qua đó nhằm làm rõ nguyên nhân và có biện pháp sử dụng đất nông nghiệp hợp lý để "giữ chân" nhà nông, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

 

Ðất ruộng bỏ hoang

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về tình trạng nông dân bỏ ruộng, Trưởng Phòng Trồng trọt Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương Vũ Thị Hà cho biết: Qua khảo sát, vụ chiêm xuân năm nay, toàn tỉnh có 148,3 ha đất bỏ hoang tại 37 xã, thuộc tám huyện, thành phố. Những địa phương có diện tích bỏ hoang nhiều là  các huyện Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Kim Thành, Nam Sách, thị xã Chí Linh và TP Hải Dương. Hầu hết những địa phương có diện tích bỏ hoang là những huyện, thị trấn, thị xã gần đô thị và gần khu công nghiệp, dịch vụ, không có truyền thống trồng cây vụ đông nhiều. Riêng thị xã Chí Linh có 23 ha đất canh tác tại thôn Trại Nẻ, xã An Lạc vì do tình trạng khai thác than trước đây đã gây sụt lún, không canh tác được, khiến người dân phải bỏ ruộng.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, Giám đốc Sở NN và PTNT Hải Dương Nguyễn Hữu Dương dự báo: Từ nay tới cuối năm 2015, tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang hóa tiếp tục xảy ra nhưng ở quy mô nhỏ, chủ yếu là chân ruộng xấu, xa làng, hoặc đất công điền. Từ năm 2015 đến 2020, khi nước ta dịch chuyển lao động để cơ bản trở thành nước công nghiệp, khi đó lao động chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ sẽ nhiều hơn, tình trạng bỏ ruộng sẽ diễn ra ở quy mô và diện rộng hơn nếu chính sách về ruộng đất không khuyến khích  tập trung, tích tụ ruộng đất vào những hộ có khả năng sản xuất quy mô lớn, hàng hóa tập trung.

Tỉnh Nam Ðịnh có đến 80% số dân là nông dân (khoảng 1,4 triệu người). Trong khi đó chỉ có hơn 80 nghìn ha đất nông nghiệp, bình quân ruộng đất hơn một sào(360 m2)/người. Nhiều xã ở huyện Xuân Trường chỉ có 200 m2/người. Vì vậy, nhiều năm nay ở Nam Ðịnh xuất hiện tình trạng những lao động trẻ, khỏe không ở lại nông thôn sản xuất mà ra các thành phố lớn làm nghề xe ôm, làm thuê... để kiếm sống. Phần ruộng khoán của những người đi làm ăn xa, thường để cho vợ ở nhà hoặc anh em, bà con hàng xóm cấy thay. Cũng có nhiều trường hợp, khi con đi học đại học ở Hà Nội, bố mẹ cũng theo ra và làm đủ mọi nghề để nuôi con ăn học.

Tình hình nông dân trả ruộng, bỏ ruộng đất không chỉ xảy ra ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, mà ở cả các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Theo Sở NN và PTNT Nghệ An, số diện tích đất không gieo trồng trong vụ hè thu 2013 là 950,82 ha, chủ yếu ở ba huyện Hưng Nguyên, Nam Ðàn, Yên Thành và TP Vinh. Nhiều nhất là huyện Nam Ðàn: 600 ha, Hưng Nguyên: 211,82 ha, TP Vinh: 134 ha và ít nhất là huyện Yên Thành: năm ha. Thống kê sơ bộ, đến đầu tháng 8, toàn tỉnh Quảng Bình có 752 ha đất ruộng không gieo cấy, bỏ hoang trong vụ hè thu 2013, tập trung tại huyện Quảng Ninh (387 ha), Bố Trạch (365 ha). Trong đó, có 345 ha thiếu nước, 407 ha còn lại đất lúa hai vụ. Ngoài ra, một số hộ nông dân muốn trả đất nhưng những vùng này đang thực hiện dồn điền đổi thửa, cho nên chưa xác định được số hộ sẽ trả.

Vì đất phụ công người

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có rất nhiều nguyên nhân khiến nông dân bỏ ruộng: Một số nơi đồng ruộng trũng, đất bạc màu, tưới tiêu không thuận lợi, giao thông nội đồng khó khăn, như ở tỉnh Nghệ An trong số tổng diện tích đất không gieo trồng trong vụ hè thu 2013 có 816,82 ha ở vùng thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt. Ở TP Vinh trong số 134 ha có 84 ha ở xã Hưng Hòa bị thiếu nước sản xuất vào đầu vụ và bị ngập lụt cuối vụ; 50 ha ở xã Hưng Dũng thường xuyên bị ngập úng, ô nhiễm do nước thải khu dân cư, đô thị.

Bên cạnh đó là giá cả vật tư cao, chi phí dịch vụ tăng trong khi sản phẩm đầu ra phập phù thường bị rớt giá. Sản xuất nông nghiệp không ổn định, thu nhập kém hơn so các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ khác. Tại một số địa phương như Hưng Yên, Hải Dương... các cụm công nghiệp, khu công nghiệp phát triển và các hoạt động dịch vụ đã khiến đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, đổi lại các khu vực này đã thu hút hàng trăm nghìn lao động trẻ, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương thiếu lao động nông nghiệp, chỉ còn những người sức khỏe kém và người cao tuổi ở nhà làm ruộng: nhiều khu ruộng dân không gieo cấy nhưng cũng không ai thuê mượn bởi có đầu tư sản xuất cũng chưa chắc có lợi nhuận.

Chị Nguyễn Thị Hằng làm việc ở Khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng, Hải Dương) cho rằng, sản xuất nông nghiệp quá bấp bênh, thu nhập thấp. Cấy lúa hai vụ nếu mưa thuận gió hòa thì mỗi sào lúa cũng chỉ mang lại lợi nhuận khoảng một triệu đồng, cộng thêm làm tốt vụ đông thì mỗi năm người nông dân cũng chỉ thu được khoảng bốn đến năm triệu đồng, chỉ bằng một đến hai tháng làm việc tại các nhà máy trong các khu công nghiệp, nên thanh niên nông thôn hiện nay không mấy người còn muốn gắn bó với những sào ruộng khoán. Vì vậy, cả hai vợ chồng chị đều bỏ ruộng để tìm những công việc có thu nhập cao hơn.

Ông Ngô Xuân Ích, một lão nông ở xã Nam Hồng (huyện Nam Trực, Nam Ðịnh) cho biết, đầu tư cho một sào lúa khoảng 800 nghìn đồng/vụ, chưa kể công chăm sóc một nắng hai sương của  nhà nông. Nếu thời tiết thuận lợi sẽ thu hoạch được hai tạ/sào/vụ (tương đương 54 tạ/ha/vụ); theo thời giá hiện nay, trị giá khoảng 1,4 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí sản xuất như giống, công cày cấy, phân bón, thuốc trừ sâu,... lãi chẳng bao nhiêu. Vì vậy, bắt buộc người nông dân phải tìm mọi nghề để sống. Thực tế, nhiều nông dân do không đủ đất sản xuất, đã ra thành phố kiếm việc làm, nếu tu chí cũng tạo lập được cuộc sống gia đình khá hơn. Ông Ích đưa ra dẫn chứng, ở xã Xuân Ngọc (huyện Xuân Trường), xã Giao Hà (huyện Giao Thủy), có hàng trăm thanh niên đi làm nghề xe ôm ở Hà Nội hoặc các thành phố khác. Sau dăm năm đã sắm ô-tô "bốn chỗ" để làm dịch vụ ta-xi. Hiện, mỗi xã này có gần 200 ô-tô. Hoặc ở xã Giao Tiến (huyện Giao Thủy), cũng thuộc diện "đất chật, người đông", với bình quân ruộng đất khoảng 0,6 sào/người cho nên có 10% số lao động của xã đã phải đi làm ăn ở các tỉnh xa hoặc đi xuất khẩu lao động. Kinh tế của các hộ dân xã Giao Tiến chủ yếu phụ thuộc vào lực lượng này. Tương tự ở những địa phương có ngành nghề như các xã Yên Ninh (huyện Ý Yên), Nam Giang, Nam Hồng (huyện Nam Trực), những hộ làm nghề vẫn nhận ruộng khoán, rồi cho người khác canh tác. Nhà nào chỉ bám mãi vào mảnh ruộng thì còn nghèo, trái lại phải có "chân trong, chân ngoài" mới có của ăn của để.

Ðể giữ chân nhà nông

"Phi nông bất ổn", hiện tượng nông dân bỏ ruộng tuy chưa phải là phổ biến, nhưng đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và tâm lý người dân khu vực nông thôn, gây lãng phí trong việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp và nếu không có giải pháp, chính sách phù hợp sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Vì vậy, ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành  Quyết định 899/QÐ-TTg về việc phê duyệt Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, ngành trồng trọt sẽ được tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của từng vùng, miền. Ðẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ðề án một lần nữa khẳng định duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sản lượng lúa đạt hơn 45 triệu tấn vào năm 2020, nhưng sẽ tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng gạo; tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng ngô để đạt sản lượng hơn 8,5 triệu tấn, nhằm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm nhập khẩu. Bên cạnh đó hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cũng được cơ cấu lại theo hướng khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho nông dân. Mở rộng hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc chia sẻ bình đẳng lợi nhuận giữa nông dân, cơ sở chế biến và doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu...

Vấn đề đặt ra là các bộ, ngành và các địa phương, nhất là ngành nông nghiệp sẽ triển khai thực hiện Ðề án như thế nào để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giữ chân nhà nông gắn bó với ruộng đồng.

Khắc phục tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng, Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Bình chỉ đạo đưa các giống lúa chất lượng cao, giống lúa đặc sản cùng với áp dụng kỹ thuật canh tác "ba giảm, ba tăng", thâm canh lúa cải tiến nhằm hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất. Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý bằng các loại cây trồng ngắn ngày để mang lại hiệu quả trên diện tích đất thiếu nước, đất trồng lúa kém hiệu quả. Ðồng thời, hỗ trợ nông dân về giống, nhiên liệu phục vụ làm đất, thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ chuột, sâu bệnh hại lúa. 

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Lập đưa ra một số giải pháp là: Ðầu tư hệ thống kênh mương, tưới tiêu chủ động để nông dân yên tâm sản xuất; nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật phù hợp, trong đó đi theo hướng sử dụng các giống ngắn ngày, chịu ngập úng và các biện pháp thâm canh phù hợp.

Ðể giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương Nguyễn Hữu Dương kiến nghị: Luật Ðất đai sửa đổi cần sớm được hoàn thiện, trong đó có những điều khoản tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất để những người có năng lực và kinh nghiệm tổ chức sản xuất quy mô lớn sử dụng đất đai mang lại hiệu quả kinh tế cao và hạn chế tình trạng bỏ đất hoang hóa. Chính quyền các cấp cần có định hướng, có chính sách cụ thể, quyết liệt để hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản; có chủ trương cụ thể tiến hành việc dồn điền, đổi thửa, đi liền với chỉnh trang đồng ruộng tại các địa phương có nhu cầu. Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kênh mương, giao thông nội đồng, nhất là các khu ruộng xa làng, khó canh tác dẫn đến tình trạng nông dân đang bỏ ruộng. Tăng cường hỗ trợ giống, kinh phí mua vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật cho sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả; có chính sách đầu tư phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí sản xuất; nếu nông dân không có nhu cầu canh tác thì chuyển cho các hộ khác có nhu cầu thuê, mượn hoặc cho các tổ chức, đoàn thể tổ chức gieo cấy.
 

 

THẮNG VINH OANH  VÀ GIANG THƯ

 

       
Theo nhandan.org.vn


 Tags: nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập530
  • Hôm nay72,958
  • Tháng hiện tại732,285
  • Tổng lượt truy cập93,109,949
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây