Hơn cả nhiệm vụ Ông Nguyễn Văn Khởi ở xóm Định Cát (xã Thạch Định) đến giờ vẫn chưa hết sợ: “Chúng tôi sợ vỡ đê sông Bưởi. Nước tràn đến sát nóc nhà. Nhiều người không muốn rời nhà đã cố cầm cự ngồi trên nóc, lúc đói thì bơi đi xin mì tôm hay cái gì đó ăn tạm!”. Ở Thanh Hóa, sông Mã, sông Bưởi, sông Hoạt… đầu tháng 10 nước cuồn cuộn chảy siết và dâng cao. Con sông Bưởi qua huyện Thạch Thành bình thường hiền dịu là thế, mà khi dâng lũ trở nên ngầu đỏ, dữ dội. Người dân thị trấn Kim Tân, các xã Thạch Định, Thành Hưng… tri hô nhau người chạy lên đồi, người trèo lên mái nhà tránh lũ. Tận thấy cuộc chiến giữa con người và mưa lũ, mới thấy sức tàn phá của nước thật khủng khiếp! Khắp các cánh đồng đều mênh mông như biển, không còn dấu hiệu của mùa màng, nhiều tuyến đê có nguy cơ sạt lở. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Thanh Hóa đã điều động hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện đến giúp đỡ người dân di dời tài sản và gia cố nhà cửa. Hình ảnh các chiến sĩ công an tận tụy, ân cần cõng người già, trẻ em, rồi lăn xả cứu hàng, gia cố nhà cửa, không nề hà gian khó khiến chúng tôi và nhiều người dân thấy ấm lòng. Với các chiến sĩ đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình cảm, là sự chở che như với người thân của mình. Khi đê sông Hoạt chảy qua xã Ba Đình (Nga Sơn, Thanh Hóa) bị sạt dài hơn 30 m, rộng 3 m, đe dọa đến sự an toàn của nhân dân, Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt huyện Nga Sơn đã huy động lực lượng công an, bộ đội và hàng trăm người dân nỗ lực khắc phục các điểm lở. Có mặt ở hiện trường, các chiến sĩ công an, bộ đội và lực lượng chức năng đã khẩn trương vận chuyển cọc tre, đá để gia cố bờ đê sông Hoạt. “Khi đó, nước sông dâng rất cao, người dân vô cùng hoang mang. Nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn không màng nguy hiểm, dầm mình hàng tiếng đồng hồ trong dòng nước siết để đóng cọc, ép đá, nhồi bao cát xuống gia cố thân đê”, anh Nguyễn Chí Sĩ, người dân xã Ba Đình chia sẻ. Công việc hộ đê quá gấp gáp, nhiều chiến sĩ dù đói rét, nhọc mệt nhưng không có thời gian lên bờ nghỉ. Nhiều đồng chí chỉ kịp ăn vội miếng bánh mì, mẩu mì tôm, uống sữa rồi tiếp tục hộ đê. Vừa chạy đua với dòng nước, vừa phải chú ý bảo đảm an toàn, bởi lũ lụt rất bất thường, chỉ cần một chút sơ sểnh là bị dòng nước cuốn trôi. Trắng đêm hộ đê, đến sáng, đoạn đê sạt lở đã được khắc phục. Các chiến sĩ và người dân cùng thở phào. Xả thân vì dân Cho đến bây giờ, đồng đội, người thân và người dân xã Yên Khương vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót trước sự hy sinh của hai chiến sĩ của Đồn Biên phòng Yên Khương: Thượng tá, Chính trị viên Cao Đăng Cường và Đại úy, Đội trưởng Tổng hợp bảo đảm Nguyễn Thành Chủng khi đang trên đường đi giúp dân vượt lũ. Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Cao Đăng Cường ở phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1938), mẹ đẻ của anh Cường khó kiềm chế nổi dòng nước mắt, thương nhớ con trai. Sinh thành, dưỡng dục bảy người con, bà nhớ Cường ngoan, hiền, chăm học, nghe lời bố, mẹ, thầy cô. Ở phường Trường Sơn có năm thanh niên nhập ngũ cùng đợt, sau thời gian rèn luyện tại Tiểu đoàn huấn luyện cơ động, rồi công tác ở Đồn Biên phòng Quang Chiểu, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Cường tiếp tục được phấn đấu, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Hơn 27 năm rèn luyện, học tập, công tác trong lực lượng Biên phòng, Cường dành những kỳ nghỉ phép hay dịp xuống thành phố công tác ghé thăm nhà, chăm lo tổ ấm gia đình, chăm sóc mẹ già. Nào ngờ tin dữ báo về, bà Xuân cùng con dâu, anh em thân tộc gượng vượt qua nỗi đau; người lo “trụ cột” trong gia đình, người động viên con dâu, cháu nội, người lên huyện Lang Chánh cùng các lực lượng nỗ lực tìm kiếm các sĩ quan Biên phòng bị lũ cuốn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi mỗi cán bộ, chiến sĩ ủng hộ ít nhất ba ngày lương, góp sức cùng nhân dân các địa phương trong tỉnh khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, và động viên, chia sẻ tổn thất to lớn với gia đình hai sĩ quan Biên phòng bị lũ cuốn. Hiện Bộ đội Biên phòng, các lực lượng phối hợp cùng đông đảo cán bộ, nhân dân các địa phương vẫn tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm Nguyễn Thành Chủng, người đồng chí, đồng đội của Chính trị viên Cao Đăng Cường. Nước lũ đã rút. Bà con nông dân đang tích cực thu hoạch diện tích lúa, hoa màu còn sót lại, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, đề phòng mưa bão tiếp tục xảy ra. Những ngôi nhà tốc mái đã được lợp, những bức tường đổ được vá… Sát cánh cùng họ, và đặc biệt hỗ trợ các gia đình bị cuốn mất tài sản, mất người, người già neo đơn… là công sức, tấm lòng của các chiến sĩ công an, quân đội. Sự bình yên đang dần trở lại với những vùng đất khó. |
ĐÌNH HỢP - CAO HƯỜNG/ Nhân dân |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã